Các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ chủ động phòng, chống cháy rừng

Chủ Nhật, 16/04/2023, 10:02

Hiện đang là đỉnh điểm của mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, nên tất cả các diện tích rừng trên địa bàn các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ đang có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp độ cao. Các cấp, các ngành chức năng đã và đang tập trung, nỗ lực thực hiện với nhiều phương án phòng chống, ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn.

Tại An Giang, nguy cơ cháy rừng đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy như: huyện Tịnh Biên, TP Châu Đốc, huyện Tri Tôn, huyên Thoại Sơn… Ghi nhận của PV Báo CAND, tại nhiều cánh rừng tại khu vực Bảy Núi như: núi Phú Cường, cụm Núi Đất, khu vực núi Nhọn, khu vực núi Sam, núi Giài, núi Tượng, núi Cô Tô, núi Nam Quy… phía dưới tán cây là những thảm cỏ đã chuyển màu vàng khô. Đặc biệt, tại các khu vực núi có rất nhiều chùa chiền, miếu thờ, thời điểm này đang vào mùa du lịch hành hương, tâm linh nên du khách cúng lễ thường đốt giấy vàng mã, nhang đèn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng.

chayrung 4.jpg -0
Diễn tập các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh là gần 17.000 ha, gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Ngay từ đầu năm, Ban Quản lý rừng đã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, ngành chức năng và các địa phương xây dựng, triển khai các phương án, giải pháp phòng, chống cháy rừng và chữa cháy rừng. Các đơn vị đã huy động lực lượng ứng trực 100%  quân số, trang bị sẵn sàng phương tiện, dụng cụ, máy chữa cháy… Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, treo băng rôn tại các khu vực trọng điểm, cắm bảng cấm lửa…

Ông Trương Minh Hùng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, với quyết tâm thực hiện hiệu quả phương châm: "Phòng cháy tốt; chữa cháy kịp thời, hiệu quả; hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra", hiện đơn vị đã triển khai tất cả các kế hoạch bảo vệ rừng, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, cấp tỉnh có 2 kế hoạch, cấp huyện và cấp xã thì có 24 kế hoạch, chủ rừng có 3 phương án. Đối với các điểm du lịch, chùa, lăng miếu, đơn vị chủ động phối hợp, tăng cường tuyên tuyền thường xuyên đến khách hành hương về nguy cơ gây cháy trong việc đốt nhang và vàng mã. Chi cục Kiểm lâm An Giang hiệp đồng chặt chẽ với Công an, Quân sự cử người chốt, trực ngay khu vực trọng điểm; hợp đồng với một số người dân tại địa phương ứng trực theo phương châm "4 tại chỗ".

Tại Kiên Giang, theo cơ quan chức năng, nếu nắng hạn liên tục thêm một thời gian ngắn thì nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trung tá Phạm Minh Huyền, Giám đốc Lâm trường 422, Công ty TNHH MTV 622 thuộc Quân khu 9 cho biết, Lâm trường 422 quản lý 887 ha rừng, trong đó rừng sản xuất 624 ha, 263 ha rừng phòng hộ trên địa bàn hai huyện Hòn Đất và Giang Thành. Trong cao điểm nắng nóng, Lâm trường 422 ứng trực với phương châm "4 tại chỗ"; trang bị 4 máy chữa cháy, hơn 1.200m dây dẫn nước, 4 máy chạy vỏ cùng 4 vỏ composite. Hai chốt trực của Lâm trường 422 tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu rừng trên địa bàn quản lý để phòng cháy, chữa cháy rừng.

Còn Trung đoàn 30 - Sư đoàn 4 thuộc Quân khu 9, đơn vị quản lý diện tích hơn 728 ha rừng, vừa tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho CBCS đơn vị. Thông qua lớp tập huấn giúp CBCS nắm chắc kiến thức cơ bản về các tình huống cháy rừng, cách sử dụng trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, các thao tác kỹ thuật, chiến thuật về chữa cháy, trên cơ sở đó đưa công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vào nền nếp, vận hành theo cơ chế thống nhất, chủ động trước mọi tình huống phòng cháy, chữa cháy rừng có thể xảy ra.

Vườn Quốc gia Phú Quốc đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng năm 2023 và được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, đồng thời kiện toàn tổ chức Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng và cứu nạn, cứu hộ của đơn vị nhằm ổn định lực lượng trong phòng chống cháy rừng. Vườn Quốc gia Phú Quốc đang quản lý 76.937 ha rừng. Đối với các sinh cảnh như: rừng tràm, rừng truông nhum, rừng trảng tranh và rừng khô hạn trên núi đá rất dễ cháy vào cao điểm nắng nóng. Địa hình đồi núi, có độ dốc cao, chia cắt mạnh các tuyến đường tiếp cận khó khăn, nhiều khu vực không có đường giao thông, chỉ cơ động bằng đường mòn, lối mở đi bộ, do đó khi xảy ra cháy rừng rất khó triển khai lực lượng tiếp cận nhanh để xử lý đám cháy.

Ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc cho biết: "Do đặc thù riêng, Phú Quốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy rừng rất khó lường. Cụ thể, cộng đồng dân cư sống xen trong rừng, ven rừng do sử dụng lửa sinh hoạt bất cẩn và do tập quán sản xuất canh tác đốt nương làm rẫy, đốt ong lấy mật...  hoặc đốt lấn chiếm đất rừng, đốt phá vì tư thù cá nhân. Nguy cơ thứ hai là từ những nơi tập trung đông công nhân tại các công trình xây dựng gần rừng trong quá trình sinh hoạt, sản xuất không cẩn thận dẫn đến cháy rừng. Mặt khác, lớp thực bì dưới tán rừng dày tích lũy qua nhiều năm, nguy cơ từ những khu vực tập trung trảng cỏ tranh, cỏ đốt trúc, cỏ lác,...".

Vườn Quốc gia Phú Quốc đã tổ chức 2 Hội nghị tập huấn, diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại 2 xã Hàm Ninh và xã Bãi Thơm. Ngoài ra, các lực lượng chức năng còn thực hiện trục cỏ, cày, ủi các đường băng cản lửa, đường cơ động phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy trên địa bàn xã Bãi Thơm, xã Cửa Cạn với diện tích 410,66 ha. Vườn Quốc gia Phú Quốc phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức đóng 7 lán trại tại địa bàn các xã: Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Cạn và hợp đồng 15 nhân sự bố trí cho các Đội Quản lý, bảo vệ  rừng để tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có trên 10.200 ha rừng, trong đó rừng tràm chiếm phần lớn diện tích, đây là địa phương không để xảy ra cháy rừng trong nhiều năm qua. Bà Phan Thị Trúc Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng nhận định, từ tháng 3 đến tháng 6 tới là giai đoạn cao điểm mùa khô, vì thế ngành Kiểm lâm đã thành lập các đội, phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra các khu vực rừng, các phân trường, cũng như mực nước trên các nhánh sông, kênh rạch.

"Quan trọng nhất là công tác nạo vét các kênh mương thông thoáng phục vụ trữ nước, lưu thông và chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Hạn chế cho người dân di chuyển vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao khi không cần thiết, nhất là các trường hợp đốt ong rừng lấy mật. Chúng tôi xác định người dân sống xung quanh khu vực rừng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống cháy rừng. Chính vì thế, đơn vị thường xuyên vận động bà con cùng phối hợp thành lập các tổ quản lý, ứng phó cháy rừng. Đồng thời, tận dụng, lồng ghép tuyên truyền phòng, chống cháy rừng trong các buổi họp dân ở ấp" - bà Phan Thị Trúc Giang chia sẻ.

Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp cùng với lực lượng Kiểm lâm và các sở, ban, ngành trong tỉnh tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy ở các chốt thường trực thuộc các phân trường. Từ đó, hướng dẫn cho cán bộ phân trường những kỹ thuật, cách sử dụng trang thiết bị cũng như tận dụng những dụng cụ sẵn có để chữa cháy. Qua đó, cán bộ của phân trường nắm vững kỹ thuật, nâng cao khả năng ứng phó, thành thạo và xử lý tốt các tình huống bất ngờ xảy ra.

Tại Hậu Giang, qua kiểm tra thực tế tại các khu rừng trên địa bàn tỉnh, hiện mực nước dưới chân rừng đã xuống thấp và đang dần khô cạn, đồng thời thực bì, dây leo tại một số lô rừng đã có hiện tượng chết khô. Bên cạnh đó, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh thì thời tiết trên địa bàn tỉnh trong những ngày tới không mưa, ít mây, ngày nắng, nhiệt độ ngoài trời tăng cao.

Trước tình hình trên, để chủ động triển khai có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại tối đa do cháy rừng gây ra trong mùa khô năm nay, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống cháy rừng huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, theo dõi sát tình hình hạn mặn để vận hành hệ thống cống, đập, nhằm tranh thủ lấy nước ngọt vào rừng vào các đợt triều cường.

Ngoài ra, các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng phải luôn trong tư thế sẵn sàng cơ động và vận hành tốt. Mặt khác là tổ chức ứng trực cháy rừng, cũng như tuần tra bảo vệ rừng ở khu vực trọng điểm xuyên suốt kể cả thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ. Các đơn vị chủ rừng trong tỉnh cập nhật và báo cáo tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng tại đơn vị mình phụ trách về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh trước 16h30 hằng ngày…

Trần Lĩnh
.
.
.