Bình Định tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Thứ Tư, 08/03/2023, 08:47

Cường lực khai thác thủy sản ngày càng tăng, nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu suy giảm mạnh, nhiều loài hải sản có nguy cơ cạn kiệt. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bình Định đẩy mạnh các giải pháp quản lý nguồn lợi đồng bộ từ vùng khơi đến ven bờ.

Trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS), đối với vùng ngoài khơi, Bình Định đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn IUU, chống đánh bắt bất hợp pháp như phát động thi đua cao điểm “180 ngày hành động” thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, tháo gỡ “thẻ vàng” của EC; điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng lộng và vùng ven bờ trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở xác định hạn ngạch giấy phép và sản lượng thủy sản cho phép khai thác; rà soát tàu thuyền để cấp giấy phép khai thác thủy sản theo qui định. Bên cạnh đó, Bình Định đã thực hiện việc lắp đặt và giám sát 100% tàu cá hoạt động vùng khơi với thiết bị giám sát hành trình tàu cá; tăng cường đào tạo bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá theo quy định.

bao ve thuy san 1-ai trinh.jpg -0
Theo dõi, giám sát hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực biển vịnh Quy Nhơn. Ảnh: TCCĐ

Nhờ chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Bình Định xâm phạm lãnh hải nước ngoài đang có xu hướng giảm dần từ 37 chiếc (năm 2016) xuống còn 10 chiếc (năm 2022). Từ ngày 1/1/2019, khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã phối hợp với Hiệp hội Thủy sản và Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho 1.295 thuyền trưởng tàu cá hạng II, 1.270 máy trưởng tàu cá hạng II, 363 thuyền trưởng tàu cá hạng III, 52 máy trưởng tàu cá hạng III và 3.439 thợ máy trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân đáp ứng quy định về thuyền viên tàu cá, trở thành một vài tỉnh, thành tích cực nhất trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, Chi cục còn phối hợp với UBND các xã, phường ven biển tổ chức các đợt công tác, trực tiếp xuống các địa phương hướng dẫn làm thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định. Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 4.846/5.797 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản (chiếm 83,6%), trong đó vùng bờ 831 giấy, vùng lộng 805 giấy, vùng khơi 3.210 giấy.

Để hoạt động khai thác ven bờ phát triển ổn định mà không gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên thì ngoài sự quản lý của các ban, ngành chức năng, vai trò của cư dân trong khu vực này cũng rất quan trọng. Việc hỗ trợ để người dân tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm BVNLTS được tổ chức thường xuyên.

Ông Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản cho biết, từ năm 2005, dựa trên ý tưởng về phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, ngành Thủy sản tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân tham gia BVNLTS”. Sáng kiến này của tỉnh Bình Định được Trung ương đánh giá cao và tổ chức phổ biến đến nhiều tỉnh, thành trong nước.

Đến nay sau 17 năm thực hiện, phong trào đã lan tỏa sâu rộng đến 31 xã, phường ven đầm, ven biển trên toàn tỉnh, đạt được nhiều kết quả khả quan. Tại nhiều địa phương, các cấp chính quyền, hội đoàn thể sáng tạo nhiều hoạt động phù hợp.

Đặc biệt, nhờ vận động tuyên truyền thường xuyên; phối hợp tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm nên nhận thức của người dân có chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, chỉ trong năm 2022, cơ quan chức năng cùng với cộng đồng giải cứu được 8 cá thể rùa biển (2 đồi mồi, 6 vích); thả 10.000 con cá chẽm và 52.600 con cá giống các loại như  rô nhím, rô đơn tính, cá trắm, cá mè theo chương trình tái tạo nguồn lợi thủy sản trên 2 đầm Trà Ổ và Thị Nại.

Cùng với đó, mô hình quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng cũng được Chi cục Thủy sản chú trọng thực hiện. Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, Bình Định triển khai thực hiện đồng quản lý bảo vệ thủy sản từ 2007 cho 11 mô hình với 20 xã, phường tham gia. Sau khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, Chi cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát và kiện toàn các mô hình đồng quản lý trên theo Luật Thủy sản.

Hiện các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực biển vịnh Quy Nhơn (Nhơn Lý, Nhơn Châu, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng) đã triển khai và phát huy hiệu quả tốt được Trung ương cũng như  nhiều tổ chức quốc tế đánh giá rất cao do có tác dụng tốt, bền vững, nhờ gắn bó mật thiết với sinh kế của cư dân.

Thực tế cho thấy các mô hình đã góp phần phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, phát triển sinh kế cộng đồng bền vững gắn với du lịch sinh thái, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường nguồn lợi, bảo tồn rùa biển, hạn chế tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định…

Ái Trinh
.
.
.