Bình Định nỗ lực bảo tồn rùa biển
Bình Định có bờ biển dài khoảng 134km. Hầu hết vùng biển của các địa phương ven biển Bình Định đều có sự xuất hiện của rùa biển.
Trước đây, vùng có rùa lên bãi cát đẻ trứng nhiều nhất là các xã đảo và bán đảo thuộc TP Quy Nhơn (gồm các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý và Nhơn Châu). Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn duy nhất tại xã bán đảo Nhơn Hải là có dấu vết của rùa biển lên bãi đẻ trứng. Do đó, công tác bảo tồn rùa biển đang được địa phương đặc biệt chú trọng.
Xã Nhơn Hải là xã bán đảo thuộc TP Quy Nhơn có bờ biển dài, rạn san hô phân bố rộng bao bọc khắp bờ biển nên có đa dạng sinh học, các loài động vật, thủy sinh sống trong vùng rạn san hô rất phong phú, quý hiếm như các loài cá, rùa biển, rong mơ...
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, hoạt động bảo tồn rùa biển bắt đầu triển khai tại xã Nhơn Hải vào năm 2007 với sự tư vấn của bà Gail Berbie, tình nguyện viên thuộc tổ chức VSA New Zealand. Kết quả đợt khảo sát tháng 8/2007 đã phát hiện được một bãi đẻ của rùa biển tại Hòn Khô, xã Nhơn Hải. Đến năm 2010, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định phối hợp với tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức khảo sát tại 4 huyện ven biển, kết quả thu được cho thấy chỉ còn bãi Hòn Khô và bãi Hải Giang thuộc xã Nhơn Hải là còn rùa biển lên đẻ với số ổ trứng từ 3-5 ổ/năm tại bãi Hòn Khô, 5-8 ổ/năm tại bãi Hải Giang. Hòn Khô và Hải Giang là đảo nhỏ và bán đảo nằm gần bờ, vắng, ít cư dân, thuận tiện cho rùa đẻ trứng. Rùa biển lên đẻ tại khu vực này là rùa xanh (tên khoa học là Chelonia mydas, tên địa phương gọi là vích, đú).
Để bảo tồn rùa biển, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã phối hợp với IUCN triển khai các hoạt động bảo tồn bãi đẻ rùa biển dựa vào cộng đồng, thành lập Tổ tình nguyện viên bảo vệ bãi đẻ rùa biển và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Người dân xã Nhơn Hải cho biết, thời gian trước đây có nhiều người hay đào ổ trứng rùa đem về ăn hoặc tiêu thụ, nhưng từ năm 2008 đến nay, thông qua nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và sự thành lập của tổ chức cộng đồng tại Nhơn Hải để bảo vệ rùa biển và san hô, các hoạt động giết hại rùa biển và khai thác trứng rùa đã không còn xảy ra.
Một thách thức lớn đối với công tác bảo tồn rùa biển tại Nhơn Hải, đó là sự thiếu đồng bộ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế. Trong quá trình thực hiện các dự án phát triển kinh tế của tỉnh, bãi đẻ Hải Giang và Hòn Khô được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt thực hiện các dự án du lịch. Hiện nay tại 2 địa điểm trên đã và đang thi công xây dựng công trình du lịch, dẫn đến rùa biển mất bãi đẻ. Tuy nhiên, nhờ nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo tồn rùa biển được nâng lên thì việc rùa biển tìm lên bãi đẻ trứng đã tăng đáng kể. Đỉnh điểm rùa biển tìm lên bãi biển gần khu dân cư để đẻ trứng là vào khoảng từ tháng 6-9 năm 2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại Bình Định và lệnh cấm tụ tập đông người tại các khu vực cộng cộng, đặc biệt là các bãi biển được chính quyền các cấp đẩy mạnh triển khai đã tạo điều kiện cho rùa biển quay lại Nhơn Hải để đẻ trứng.
Qua khảo sát ghi nhận có 5 lượt rùa biển lên bãi biển trước thôn Hải Đông đẻ trứng với 476 quả trứng được tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải bảo vệ và di dời đến nơi an toàn. Kết quả có 3 ổ rùa đã nở, 2 ổ bị hư hỏng do bị ngập bởi triều cường, trong đó ổ trứng đầu tiên đã nở được 53 con đạt tỷ lệ nở 54%, 2 ổ sau rùa tự nở và bò xuống biển đi trong đêm nên không xác định được số lượng.
Hiện tượng rùa biển quay trở lại và đẻ trứng tại bãi biển xã Nhơn Hải cho thấy những dấu hiệu tích cực trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cộng đồng và chính quyền địa phương. Sự kiện rùa mẹ lên đẻ và ấp nở trứng rùa thành công đã thể hiện ý thức bảo tồn thiên nhiên nói chung và rùa biển nói riêng được lan tỏa trong cộng đồng.
Việt Nam hiện còn 5 loài rùa biển được đưa vào trong Sách đỏ gồm rùa da, rùa xanh (hay còn gọi là vích), đồi mồi, quản đồng và đồi mồi dứa. Theo IUCN, một trong những lý do dẫn đến tình trạng rùa biển giảm là do khai thác quá mức các bãi đẻ rùa, nhận thức của cộng đồng còn kém dẫn đến tình trạng đánh bắt, buôn bán bất hợp pháp rùa biển và các sản phẩm làm từ rùa. Ngoài ra, hiện tượng mất sinh cảnh, nguồn thức ăn và sự suy giảm chất lượng môi trường cũng là nguyên nhân đe dọa trực tiếp các loài rùa biển.