Bão số 2 mạnh cấp 8 tiến sát Móng Cái

Thứ Tư, 10/08/2022, 10:34

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, vào 10h sáng 10/8, bão số 2 ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 350km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11.

Bão số 2 dự kiến đổ bộ vào Bắc Bộ

Trong ngày 10/8, bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 22 giờ ngày 10/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 130km về phía Đông Nam, cách Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông, cách Thái Bình khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Dự báo, bão số 2 sẽ đổ vộ vào khu vực Bắc Bộ vào tối ngày 11/5.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 17,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm, khu nuôi trồng thủy sản đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn.

Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 24-36 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu, khu nuôi trồng thủy sản đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn.

Bão số 2 giật cấp 11 cách Móng Cái khoảng 450km, Bắc Bộ mưa lớn từ chiều tối -0
Bão số 2 đang tiến dần về phía Vịnh Bắc bộ

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 4,0-6,0m, biển động rất mạnh.

Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ chiều tối và đêm nay (10/8) gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh.

 Ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định đề phòng sóng lớn kết hợp với triều cường gây ngập úng tại vùng trũng, thấp trong ngày 11/8.

Trên đất liền từ đêm 10/8, ngày 11/8, khu vực ven biển Quảng Ninh - Ninh Bình nhiều khả năng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Từ chiều tối 10/8 đến khoảng ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.

Bão số 2 giật cấp 11 đang tiến sát Móng Cái, huy động 400.000 người ứng phó bão -0
Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai họp ứng phó bão số 2.

Bắn pháo hiệu cảnh báo tàu thuyền vào đêm 10/8

Báo cáo nhanh của Bộ đội Biên phòng tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sáng 10/8 cho biết, tính đến 6h30 ngày 10/8, đã hướng dẫn 52.249 tàu/228.960 người chủ động di chuyển phòng tránh bão. Các tàu đã nắm được thông tin về diễn biến bão số 2 và đã di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, không còn tàu thuyền trong vùng nguy hiểm của bão.

Theo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó bão số 2, hiện nay đã huy động hơn 400.000 người tham gia lực lượng hỗ trợ.

Trong đó về quân đội là hơn 50.000 người, dân quân tự vệ hơn 362.000 người; 2.331 phương tiện các loại được huy động sẵn sàng ứng phó với bão khi có yêu cầu. Liên quan đến cứu hộ tàu thuyền và ngư dân gặp nạn trên biển, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng cho biết, đã cứu được 9 lao động làm việc trên 2 tàu cá của tỉnh Quảng Bình bị chìm; các lực lượng đã tiếp cận và lai dắt 3 tàu gặp nạn về nơi an toàn, trong đó có 2 tàu của tỉnh Quảng Bình và 1 tàu của Hà Tĩnh:

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị đặc biệt quan tâm ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, trong đêm nay chỉ đạo các đơn vị từ Quảng Ninh đến Ninh Bình tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo các phương tiện hoạt động ven bờ cũng như lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ven biển. Sẵn sàng sẵn sàng lực lượng phương tiện để tham gia ứng phó các tình huống có thể xảy ra", Đại tá Nguyễn Đình Hưng cho biết.

Tại cuộc họp sáng 10/8, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị, các Bộ ngành và địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng và Công điện của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai. Triển khai đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải và hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công. Tuỳ theo diễn biến thực tế của bão chủ động tổ chức cấm biển. Khẩn trương rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân.

"Bám sát diễn biến và kịp thời thông tin cho các địa phương. Đảm bảo an toàn cho người dân và du khách các khu vực khai thác khoáng sản. Tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn và quản lý chặt chẽ tàu thuyền, kể cả tàu thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ khu vực nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn cho lồng bè nuôi trồng và người dân đồng thời xem xét thời gian cấm biển. Chủ động tiêu nước đệm bảo vệ cây trồng"- ông Tiến yêu cầu.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có 98.303ha và 18.089 lồng, bè nuôi trồng thủy sản; Số lượng lều/chòi canh nuôi nhuyễn thể: 3.756 lều/chòi; Số người trên các lồng, bè, chòi canh: 4.000.

Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 34 trọng điểm, vị trí xung yếu; 5 công trình đê, cống, kè biển, cửa sông đang thi công dở dang.

Hiện, mực nước sông Hồng tại Hà Nội biến đổi chậm, chịu ảnh hưởng của thủy triều, sông Thái Bình tại Phả Lại biến đổi chậm và dao động theo thủy triều. Lúc 7h ngày 10/8 mực nước trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 2,76m trên sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 0,98m.

 Dự báo đến 7h sáng 11/8 mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 3,15m; đến 19h/10/8, mực nước tại trạm Phả Lại có khả năng ở mức 1,95m.

N.Y
.
.
.