Bão số 1 có thể là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến miền Bắc trong vài năm gần đây
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 1 có thể là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến miền Bắc trong vài năm gần đây. Miền Bắc khả năng mưa lớn do bão từ ngày 18/7.
Hiện nay, bão số 1 duy trì sức gió mạnh cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 13. Lúc 10h, tâm bão nằm cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 610km về phía đông đông nam.
Dự báo, tối và đêm 17/7, bão khả năng đổ bộ vào khu vực phía bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sau thời điểm này, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đi xuống vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam vào khoảng chiều và đêm 18/7.
Ông Hương lưu ý, cũng có khả năng bão số 1 khi vượt qua khu vực đảo Lôi Châu (Trung Quốc), có thể đổi hướng di chuyển lệch hơn về phía nam và mở rộng vùng ảnh hưởng xuống khu vực các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa. Kịch bản này có xác suất thấp nhưng vẫn cần phải lưu ý đề phòng. Trọng tâm mưa do bão ở miền Bắc là ngày 18/7.
“Dự báo trong 24-48h tới, bão số 1 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/h và có khả năng mạnh thêm. Đến khoảng tối và đêm 17/7, bão đổ bộ vào khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu, sau đó di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đi xuống Vịnh Bắc Bộ. Khoảng chiều và đêm 18/7, bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Đây là kịch bản tương đối thống nhất của các trung tâm dự báo quốc tế và Việt Nam”, ông Hưởng cho biết.
Về tác động của bão đến đất liền, cơ quan khí tượng cho biết các dự báo xa còn có nhiều khả năng xảy ra. Nhận định ban đầu cho thấy bão khả năng gây gió mạnh nhiều nơi ở khu vực ven biển. Đây có thể là cơn bão mạnh ảnh hưởng đến miền Bắc trong vài năm gần đây.
Ngoài ra, ngay từ khi bão còn ở rất xa ngoài biển, trên đất liền có thể xuất hiện dông, lốc, sét ở rìa xa bão. Người dân đặc biệt lưu ý, mưa lớn và gió mạnh ở trên đất liền sẽ xảy ra từ rạng sáng 18/7 đến ngày 21/7. Trọng tâm mưa là ngày và đêm 18/7.
Chuyên gia đồng thời cảnh báo mưa lớn xảy ra sau nhiều ngày mưa dông và nắng nóng liên tiếp khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tăng cao từ ngày 18/7 ở Bắc Bộ. Trọng tâm cần đề phòng là các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.
"Rất khó để cảnh báo được chính xác cụ thể vị trí xảy ra sạt lở, vì vậy kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ đạo lực lượng xung kích ở các địa phương thường xuyên rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở trên địa bàn để thông báo cho các hộ dân lưu ý, phòng tránh", theo cơ quan khí tượng.
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực phía bắc của vùng biển phía bắc của Bắc Biển Đông có thể có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Sóng cao 6-8m, biển động rất mạnh.
Vùng biển phía nam của Bắc Biển Đông, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Sóng cao 2,5-5m, biển động mạnh.
Vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ chiều và tối ngày 17/7 có gió bão mạnh. Đề phòng nguy cơ sóng lớn ở khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.
Các tàu thuyền cần phải thường xuyên giữ liên lạc, cập nhật dự báo để chủ động tránh, trú. Ven biển cần lưu ý các tàu du lịch, khu neo đậu tránh trú bão, các khu nuôi trồng thủy sản.
Các tỉnh, TP chủ động cấm biển
Chiều 16/7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Hoà Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên và các bộ, ngành liên quan về việc tập trung ứng phó với bão số 1, cơn bão đầu tiên của năm nay.
Bão số 1 (tên quốc tế là TALIM) đang hoạt động ở phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 13. Theo dự báo, bão số 1 còn tiếp tục mạnh lên cấp 12-13, giật cấp 15, từ chiều mai (ngày 17/7) bão có thể sẽ gây gió mạnh trên Vịnh Bắc Bộ, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ và đất liền ven biển Bắc Bộ, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài, nhất là tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại miền núi, ngập úng cục bộ tại các đô thị và vùng thấp trũng, ven sông, suối.
Đây là cơn bão đầu tiên năm 2023 dự kiến ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta với cường độ mạnh ngay sau đợt nắng nóng kéo dài; để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ, bảo vệ an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố không được chủ quan, lơ là, chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ, tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo: Rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, chủ động hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Rà soát, có biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chủ động cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Trên đất liền, công điện của Thủ tướng nêu rõ, các địa phương rà soát, chủ động triển khai sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực nguy cơ bị ngập sâu cửa sông, ven biển.
Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, nhất là vị trí xung yếu hoặc đang thi công trên các tuyến đê biển, đê cửa sông. Sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt.
Chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy... Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn.
Với khu vực miền núi, công điện của Thủ tướng chỉ đạo các địa phương chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực ngập sâu, chia cắt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Kiểm tra, rà soát, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là các tuyến đê biển, đê cửa sông, hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản.
Bộ Công Thương chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai công tác vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa thuỷ điện, nhất là xả lũ khẩn cấp; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hầm mỏ, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai công tác đảm bảo an toàn tàu vận tải, kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.