Bão đôi hoạt động trên biển Đông, cách nhau 1.800km
Trưa 1/7, bão số 1 với tên quốc tế Chaba đã tăng lên cấp 10, giật cấp 13 và vẫn tiếp tục có khả năng mạnh thêm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia (Trung tâm KTTVQG) cho biết, trưa 1/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 400 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102 km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão vẫn có khả năng mạnh thêm. Đến khoảng sáng ngày 2/7, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía đông bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 370 km về phía đông đông nam với cường độ bão mạnh cấp 11 (103-117 km/giờ), giật cấp 14.
Trung tâm KTTVQG xác định vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới với gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên: phía Bắc vĩ tuyến 16 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,5 đến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km và có khả năng giảm cấp. Đến sáng ngày 3-7, vị trí tâm bão ở khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên đất liền phía đông nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 150 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của lưu bão nên khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14; sóng biển cao 5 -7 m, biển động dữ dội. Khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình cần đề phòng sóng lớn kết hợp triều cường gây ngập úng ở vùng trũng, thấp.
Trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) gió tây nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh.
Đáng lưu ý, theo Trung tâm KTTVQG, ngoài bão số 1, một cơn áp thấp nhiệt đới khác ở ngoài Biển Đông cũng mạnh lên thành bão khiến tình hình trở nên phức tạp hơn khi có hai cơn bão cùng hoạt động, cách nhau gần 1.800 km.
Cơn bão mới có tên Aere, cường độ cấp 8-9, tốc độ di chuyển chậm hơn bão Chaba 15 km/giờ. Khả năng bão Aere sẽ mạnh thêm nhưng không đi vào Biển Đông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia KTTV, bão Aere vẫn sẽ có sự tương tác với cơn bão Chaba đang hoạt động trên Biển Đông.
Hiện tâm hai cơn bão đang cách nhau khoảng gần 1.800 km. Vì di chuyển với tốc độ khác nhau, nên khoảng cách hai cơn bão sẽ ngày càng xa. Do vậy, lực lượng tác của hai cơn bão vẫn có nhưng không lớn.