Bảo đảm ít nhất 90% người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ
Các địa chỉ tin cậy – nơi cá nhân, tổ chức có uy tín, có khả năng và tự nguyện giúp đỡ người bị bạo lực gia đình phải bảo đảm ít nhất 90% người bị bạo lực gia đình có nhu cầu được hỗ trợ nơi tạm lánh, tư vấn, kết nối, chuyển gửi dịch vụ, tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình.
Dự thảo Thông tư Ban hành quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai hỗ trợ các hoạt động của mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo đề xuất: Các địa chỉ tin cậy – nơi cá nhân, tổ chức có uy tín, có khả năng và tự nguyện giúp đỡ người bị bạo lực gia đình phải bảo đảm ít nhất 90% người bị bạo lực gia đình có nhu cầu được hỗ trợ nơi tạm lánh, tư vấn, kết nối, chuyển gửi dịch vụ, tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo dự thảo, các địa chỉ tin cậy phải được thành lập phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng miền, dân tộc; lan tỏa, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc tốt đẹp về sự đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người bị bạo lực gia đình. Cá nhân, tổ chức thông báo bằng văn bản về việc tự nguyện đăng ký địa chỉ tin cậy, nơi đặt địa chỉ tin cậy với UBND cấp xã. Danh sách địa chỉ tin cậy được giao người đứng đầu cộng đồng dân cư, cán bộ văn hóa - xã hội, công an xã để theo dõi, hỗ trợ hoạt động.
Dự thảo Thông tư cũng quy định, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình có từ 3-5 thành viên do trưởng thôn hoặc Công an viên làm nhóm trưởng. Nhóm phải bảo đảm kịp thời can thiệp 100% các vụ bạo lực gia đình tại địa phương tất cả các ngày, bao gồm cả ngày nghỉ lễ, Tết; tư vấn, hòa giải cho người bị bạo lực, người gây bạo lực gia đình. 100% thành viên nhóm là các cán bộ thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc… Dự thảo được lấy ý kiến đến ngày 30/12/2023.