Bài học từ những người thoát khỏi “cửa tử” trong vụ cháy chung cư mini
Trong đám cháy ở chung cư mini số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều người tử vong và bị thương bởi khói lửa. Tuy nhiên, vẫn may mắn có nhiều cư dân của tòa nhà tự cứu được mình khi đám cháy xảy ra nhờ sử dụng thành thạo kỹ năng về an toàn PCCC.
Họ không chỉ giải cứu được gia đình mình mà còn giúp đỡ người khác thoát ra ngoài an toàn. Bình tĩnh tìm lối thoát hiểm - đó chính là kinh nghiệm và bài học từ chính những người trong cuộc đã thoát khỏi "cửa tử" trong vụ cháy khốc liệt này.
Sáng 14/9, chúng tôi gặp anh Đinh Công Huy (SN 1982, sống ở tầng 3 chung cư mini), quê gốc Thái Bình, đến Nhà văn hóa Khu dân cư số 8, phường Khương Đình nhận quà của các nhà hảo tâm. Khuôn mặt vẫn còn xạm đen do khói, anh Huy kể lại chuyện gia đình anh may mắn hơn các gia đình khác, thoát nạn nhờ biết về các kỹ năng PCCC.
Theo anh Huy, năm 2015, anh mua căn hộ này và gần như trở thành công dân đầu tiên. 2 năm đầu tiên, anh được bà con bầu vào Ban quản trị của chung cư mini, nhưng sau đó do công việc bận nên xin thôi. Trong quá trình họp dân cư, anh và mọi người trong ban quản trị luôn đề cao công tác PCCC và tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC để thoát thân.
“Thời điểm đó, tôi đã mua thang dây thoát hiểm có chiều dài 25m, với giá tiền 800 nghìn đồng và mở cửa lối thoát hiểm thứ 2 qua ban công mặt phía sau của chung cư mini”, anh Huy nhớ lại.
Khoảng 23h10 đêm 12/9, anh Huy cùng vợ Nguyễn Thị Hương và hai con Đinh Duy Anh, học lớp 10 và Đinh Nguyễn Mạnh Hùng, 5 tuổi đã lên giường đi ngủ. Đến khoảng 23h25, anh nghe thấy kêu cháy và phát hiện ra khói bắt đầu vào nhà. “Tôi bảo gia đình đầu tiên là phải bình tĩnh, lấy khăn ướt để bịt mũi tránh hít phải khí độc; đồng thời trao đổi với vợ không thể thoát bằng cầu thang bộ mà phải thoát hiểm qua ban công. Tôi vội lấy thang dây và lấy chìa khóa mở khung cửa sắt lối thoát nạn thứ 2".
Cũng theo lời kể của anh Huy, thời điểm đó, khi thấy anh Huy quăng thang dây thoát hiểm xuống đất, thì có 3 mẹ con ở tầng dưới (tầng 2) cùng trục với nhà anh chui ra và bám vào thang dây đi xuống.
“Mặc dù rất nóng lòng nhưng tôi nói với gia đình ưu tiên phụ nữ và trẻ em. Sau khi 3 mẹ con tầng dưới xuống đất an toàn thì nhà tôi cũng lần lượt leo thang dây xuống. Tuy nhiên, nếu chậm khoảng 5 phút thì gia đình tôi cũng sẽ bị chết ngạt trong căn nhà đang tràn ngập khói lửa. Khi gia đình tôi xuống đất an toàn thì khói đã bao trùm cả thang dây” – anh Huy cho biết.
Cùng trục với gia đình anh Huy có gia đình Trung tá Kim Thanh Phi (ở tầng 2), đang công tác ở Học viện Phòng không không quân. Anh Phi cho biết, thời điểm xảy ra cháy, anh đang đi công tác, nhận được thông tin nhưng đến khoảng 1h sáng 13/9, anh mới về tới nhà thì được biết vợ con anh đã xuống đất an toàn.
Anh Phi kể lại, cách đây mấy tháng, khi hai con sinh đôi là Kim Đức Phát và Kim Qúy Phương (SN 2015), học lớp 2 đi học về có kể cho bố mẹ về việc được học nội dung PCCC. “Con tôi có hỏi lại, nếu nhà mình cháy thì phải làm sao!? Tôi cũng bảo sao con nói gở vậy, thì các cháu bảo do bố hay đi công tác vắng nhà”- anh Phi cho hay.
Tuy nhiên, ngay sau đó, anh đã hướng dẫn các con là nếu chung cư có cháy thì việc đầu tiên là dập cầu dao điện, đóng cửa chính, thấy khói thì dùng vải ướt, băng dính chặn hết khe hở của cửa chính. Còn nếu thấy khói tiếp tục vào thì vào nhà tắm lấy khăn mặt nhúng ướt, bịt vào mũi và tìm đường thoát ra ban công (nhà anh đã mở lối thoát nạn thứ 2 và treo chìa khóa ở luôn đấy), không thoát ra cầu thang bộ. Cũng theo anh Phi, anh đã chuẩn bị sẵn dây buộc nếu khẩn cấp thì buộc dây vào người đu xuống.
Thực hành theo hướng dẫn của anh Phi, vợ và hai con anh Phi đã sử dụng khăn ướt bịt vào mặt, mở cửa ban công theo lối thoát thứ 2, buộc dây vào người chuẩn bị đu xuống thì có dây thang nhà anh Huy thả xuống nên 3 mẹ con đã leo xuống thoát nạn.
Chị Ngô Thị Kim Huệ, ở tầng 2 của khu chung cư kể lại, thời điểm xảy ra cháy, hai vợ chồng đang ở cửa hàng, ở nhà chỉ còn có cậu con trai tên là Hiền Minh (SN 2013). Nghe thấy thông tin cháy, vợ chồng chị chạy về thì rất may cậu con trai học lớp 5 đã kịp chạy xuống. Theo chị Huệ, con trai chị cũng đã được học kỹ năng PCCC ở trường và cũng rất may là thời điểm đó cháu chưa ngủ. Nghe thấy tiếng hô cháy và mất điện của bác bảo vệ (cháy chưa bùng phát to), cháu ngửi thấy mùi khét, khói liền bịt mũi, cúi khom người chạy xuống thật nhanh ra ngoài.
Nhà chị Trang - anh Trung gồm có 5 người, ở tầng 6, cũng đã thoát khỏi vụ cháy khi sử dụng kỹ năng PCCC. Trước đó, gia đình đã chuẩn bị sẵn búa thoát hiểm gần khu vực lối thoát nạn thứ 2. Lúc xảy ra cháy, gia đình anh chị Trang - Trung không tìm thấy chìa khóa, đã sử dụng búa thoát hiểm đập ổ khóa, mở tung chuồng cọp chui sang mái nhà bên cạnh thoát nạn.
Bất cứ nhà nào cũng có nguy cơ cháy, có thể gây hậu quả nặng nề về người và tài sản. Do đó, đã nhiều lần cơ quan chức năng khuyến cáo, hướng dẫn nhưng cũng không phải tất cả mọi người đều chú ý. Và lần này, những hình ảnh tang thương của vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ một lần nữa là hồi chuông cảnh báo cho người dân, cần rèn luyện các kỹ năng PCCC để ứng phó kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Thông thường, các nạn nhân sẽ chết vì ngạt khói độc trước khi chết cháy, thế nên, ngoài các bình cứu hoả dự trữ, phải chuẩn bị sẵn mặt nạ chống độc, trang bị hỗ trợ thoát hiểm như dây thừng, thang dây, dây thoát hiểm, búa để phòng ngừa những trường hợp không may xảy ra…
Khuyến cáo của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH
Khi xảy ra cháy cần hết sức bình tình, tìm ra lối thoát hiểm; nếu phải băng qua lửa hoặc khói, phải dùng mặt nạ phòng độc hoặc chăn, quần áo, khăn ướt trùm lên đầu và mặt; khi di chuyển cần cúi khom và men theo tường.
Khi mở cửa, cần kiểm tra nhiệt độ cánh cửa tránh để lửa tạt vào người; nếu nhiệt độ quá cao phải tìm lối thoát hiểm khác; nếu không có lối thoát phải chạy ra cửa sổ, ban công ra hiệu và gọi điện cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy theo số 114
Có thể dùng đồ vải nối lại hoặc thang dây để leo xuống đất. Tuy nhiên, không được nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ; không sử dụng thang máy khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Để thoát hiểm an toàn, phải thoát hiểm bằng thang bộ.
Điều đáng lưu ý, mỗi chung cư, nhà cao tầng đều có kiến trúc khác nhau nên người dân cần phải tìm hiểu kỹ những chỉ dẫn thoát hiểm mỗi khi bước vào toà nhà. Đây cũng chính là "dây cứu mạng" cho những ai tìm hiểu, nắm vững kiến thức an toàn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Các lực lượng chức năng, cơ quan, đoàn thể... thường xuyên tổ chức, tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn cách xử lý sự cố, cách sử dụng bình chữa cháy để kịp thời ứng phó khi có đám cháy. Luôn đề cao tinh thần cảnh giác, đề phòng cháy nổ trong mọi tình huống.