An cư cho người dân vạn chài trên sông Ô Lâu

Thứ Bảy, 31/07/2021, 10:45

Sau nhiều năm sống trong những căn chòi dựng tạm bợ bên dòng sông Ô Lâu, nhiều hộ dân vùng thủy diện thôn Tân Bình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) đã được chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ cấp đất và xây nhà tái định cư (TĐC). Niềm mơ ước an cư của người dân vạn chài giờ đây đã trở thành hiện thực.

Ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết, các hộ dân vạn chài Tân Bình có đời sống rất khó khăn. Năm 2004, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cho xây dựng khu TĐC để di dời 37 hộ dân, với 231 nhân khẩu sống trên sông Ô Lâu đến ở. Tuy nhiên, sau 17 năm, số hộ dân tại khu TĐC Tân Bình tăng lên 63 hộ, với 316 khẩu. Không có đất làm nhà ở, 13 hộ dân ở Tân Bình lại tự ý lấn chiếm đất dọc sông Ô Lâu làm chòi, nhà tạm. Ngoài ra, còn có 10 gia đình đã tách hộ, nhưng vẫn phải sống chung cùng gia đình bố, mẹ. Vì thế, năm 2019, UBND huyện Phong Điền quyết định đầu tư xây dựng mở rộng khu TĐC xen ghép Tân Bình với diện tích trên 5ha, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, do UBND xã Phong Bình làm chủ đầu tư. Tại đây, phân thành 30 lô, mỗi lô diện tích 126m2. Khu TĐC mở rộng có đường giao thông rộng 6m cùng hệ thống đường điện, cấp nước, thoát nước nhằm giúp các hộ dân sinh sống dọc sông Ô Lâu có đất làm nhà ở kiên cố.

7-2.jpg -0
 Chòi tạm của người dân vạn chài Tân Bình bên dòng Ô Lâu.

Cuối tháng 7-2021, tại khu TĐC mở rộng Tân Bình đã có nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố sắp hoàn thành. Đang phụ thợ xây nhà, anhVõ Văn Trung, một trong những hộ dân vừa chuyển về khu TĐC, cho hay, năm 2009, sau khi lập gia đình, vì bức bí về chỗ ở nên vợ chồng anh ra bờ sông Ô Lâu dựng chòi tạm sinh sống. Chính quyền địa phương nhiều lần đến yêu cầu tháo dỡ chòi để đảm bảo an toàn nhưng vì khó khăn về đất ở nên vợ chồng anh cùng các con nhỏ không thể đi đâu được. May mắn gia đình anh được UBND huyện Phong Điền và xã Phong Bình quan tâm tạo điều kiện cấp cho lô đất ở khu TĐC mở rộng nên vợ chồng anh vay tiền của người thân, bạn bè xây dựng nhà ở.

“Có nhà ở, vợ chồng tôi yên tâm lao động sản xuất ổn định kinh tế gia đình; con cái được học hành tốt hơn”, anh Trung trải lòng. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên nhiều trẻ em xóm vạn chài sông Ô Lâu không có điều kiện được đến trường học tập như bạn bè cùng trang lứa. Phần lớn các em chưa học xong THCS đã nghỉ học để phụ giúp gia đình kiếm sống. Điển hình, gia đình ông Trần Đức (72 tuổi) có 7 người con thì 5 người mù chữ. Vì thế, ngoài mong ước lên bờ định cư, mơ ước lớn nhất của ông Đức là các cháu sau này được đến trường học cái chữ. “Thế hệ tôi thất học là chuyện rất bình thường, nhưng giờ đến thế hệ con cháu mình thì phải được đi học. Không học thì khó thể thoát nghèo, thành người có ích cho xã hội”, ông Đức bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Phong Bình, việc xây dựng khu TĐC xen ghép Tân Bình đã giúp địa phương giải quyết các vấn đề về an sinh cho người dân, hoàn thành được tiêu chí về nhà ở dân cư, đảm bảo hoàn thành kế hoạch xây dựng Phong Bình đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2021. Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết thêm, sau khi hoàn thành việc cấp đất cho các hộ dân tại khu TĐC Tân Bình, huyện đã yêu cầu các hộ dân xây dựng nhà ở phải tuân thủ theo đúng quy định về diện tích được cấp. Đồng thời yêu cầu chính quyền xã Phong Bình quản lý việc xây nhà của các hộ dân, tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho các hộ ổn định đời sống sau khi lên bờ định cư và tăng cường công tác quản lý về đất đai để không phát sinh thêm các căn nhà tạm, chòi tạm bên bờ sông Ô Lâu như trước.

Anh Khoa
.
.
.