'Xóa đói giảm nghèo' bằng con chữ nơi vùng cao
Theo chân anh Hồ Văn Phèng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Đakrông lội qua con sông đầy gành đá, nước chảy xiết; rồi sau đó chúng tôi bắt đầu hành trình leo bộ lên nóc Chân Rò, xã Đakrông, nơi có điểm Trường Mẫu giáo thôn Chân Rò (thuộc Trường Mầm non Đakrông 1) nằm trên đỉnh núi cao.
Chúng tôi đến được điểm trường Chân Rò khi trời đã xế chiều. Ngôi trường được lợp bằng tôn bờ rô, vách bằng gỗ. Gió lạnh luồn vào lớp học làm cho những đứa trẻ mặc áo mỏng manh run cầm cập, đọc chữ i tờ không tròn tiếng…
Tranh thủ lúc trò giải lao, cô giáo Trần Thị Hằng cho biết, điểm trường Chân Rò có hai lớp; một lớp 34 cháu từ 3-4 tuổi; lớp kia 25 cháu 5 tuổi. Nơi đây thiếu thốn trăm bề. Để có nơi sinh hoạt và học tập, giáo viên Trường Mầm non Chân Rò cùng chính quyền xã Đakrông phải đi vận động dân bản bỏ công, góp tiền dựng trường lớp. Dụng cụ dạy học ở đây các cô giáo phải tự tạo, hoặc bỏ tiền túi ra mua để dạy học cho các em.
Từ nhỏ được học dưới những mái trường khang trang, khi tận mắt nhìn cái cách học sinh ở điểm Trường Mầm non thôn Chân Rò dùng hạt cao su để học phép tính chúng tôi mới hiểu được các em thiếu thốn đến cỡ nào. Cô giáo Nguyễn Thị Dành nói rằng, những hạt cao su này được cô nhặt ở huyện Gio Linh đưa lên dạy các em học đếm.
Điểm Trường Mầm non Cù Doong, phòng học tre nứa tạm bợ do dân bản góp công xây dựng. |
Ở tuổi 50, cô giáo Dành đã có hơn 10 năm cắm bản gieo chữ giữa đại ngàn. Cô cho biết, để đến được lớp dạy học, cô cùng 3 cô giáo ở điểm Trường Mầm non Chân Rò phải lội qua sông Đakrông rộng chừng 100m đầy đá gập ghềnh, nước chảy xiết. Nhất là mùa lũ, nước sông trở nên hung hãn, cô lập trường dài ngày… Vì đường sá cách trở nên các cô phải gùi gạo, thức ăn đủ cho một tuần để ở lại ngay tại điểm trường.
Không có điện, các cô đem theo dầu hỏa, nến để thắp sáng; xuống suối lấy nước để sử dụng sinh hoạt, ăn uống. Cả 4 cô giáo ở điểm trường Chân Rò đều đã có gia đình nên nỗi buồn của người mẹ xa chồng, con nơi rừng núi hoang vu càng thêm quặn thắt.
Cô giáo Hằng tâm sự: “Cả tuần đến chiều thứ 6 tôi mới được về thăm đứa con hai tuổi của mình. Nhiều đêm ở giữa rừng khóc ướt gối vì nhớ thương con. Những ngày mưa lũ kéo dài, nước sông cuồn cuộn cô lập, có khi đến nửa tháng không được về nhà, vừa lo cho gia đình, vừa nhớ con mà ruột gan cồn cào như lửa đốt”...
Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi: “Có khi nào các cô có ý định bỏ trường bỏ lớp không?”. Các cô đều lắc đầu, thẳng thắn rằng, dù có khó khăn đến mấy các cô cũng tự cố gắng khắc phục, miễn là cho các em được con chữ để sau này có hướng mà thoát cái đói, cái nghèo...
Rời nóc Chân Rò, chúng tôi đến điểm Trường Mầm non thôn Cù Doong, xã Húc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Đường đi có phần thuận lợi hơn, nhưng cũng phải vượt qua hai con suối lớn. Lớp mầm non Cù Doong được dân bản xây dựng vào năm 2014; mái lợp tranh, vách che bằng nứa, sàn lát bằng tre. Điểm trường này chỉ rộng 20m2, nhưng có đến 25 trẻ từ 3-4 tuổi chen chúc.
Cô Lê Thị Hiến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Húc cho biết, toàn xã có 9 điểm trường thì có đến 4 điểm là: Húc Thượng, Cù Doong, Húc Ván, Ho Le phải mượn nhà dân hoặc xây dựng bằng tranh tre. Nỗi lo đau đáu của các cô là tỉ lệ học sinh bị suy dinh dưỡng nơi đây quá cao.
Cô Hồ Thị Phương Chung, giáo viên điểm Trường Mầm non Cù Doong cho biết, trong lớp có 16 em thì có đến 15 em suy sinh dưỡng. Để đảm bảo sĩ số học sinh ra lớp, các cô phải thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương đến từng nhà vận động phụ huynh và cho học bán trú ở lại buổi trưa tại trường.
Thương các em không có quần áo mặc, mỗi lúc về nhà ở thị trấn, miền xuôi các cô lại đi xin quần áo cũ, thậm chí bỏ tiền túi mua quần áo mới đưa lên cho các em. “Dù chưa đủ, nhưng những bộ quần áo mới có, cũ có mà các cô gom góp được cho các em cũng làm ấm lòng trẻ em nơi đây. Nó góp một phần to lớn đến ý thức đến lớp của các em”, ông Hồ Phương, Trưởng thôn Cù Doong bày tỏ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Tuận, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa cho hay, từ năm 2014, tỉnh Quảng Trị đã công bố quyết định đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế nhiều cơ sở giáo dục mầm non ở các xã vùng cao Hướng Hóa, Đakrông còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Nhưng, các cô giáo mầm non nơi đây đều rất tâm huyết với nghề và thương yêu học sinh. Nhờ vậy mà công tác phổ cập mầm non những năm qua ở các huyện miền núi đạt nhiều bước tiến nổi bật...