Làng nghề chạm bạc 600 tuổi với doanh thu hơn 100 tỷ đồng mỗi năm
- Bí ẩn làng nghề "rèn dao bằng mắt" nơi miền sơn cước
- Làng nghề truyền thống xứ Huế nhộn nhịp vào mùa Tết
Để giúp làng nghề chạm bạc Đồng Xâm quảng bá sản phẩm ra thị trường trong nước, quốc tế, xúc tiến hoạt động giao thương, hoạt động mua bán sản phẩm làng nghề qua mạng Internet, Dự án xây dựng một website động đáp ứng các nhu cầu trên.
Nghề truyền thống trên 600 năm
Theo văn bia tại đền cụ tổ nghề chạm bạc, năm 1428, cụ Nguyễn Kim Lâu về đây truyền nghề cho dân, lập thành phường Phúc Lộc, gồm 149 người, có một trùm phường và 7 chi phường cai quản 7 hạng thợ. Phường quy định, người nào học nghề phải nộp tiền làm lễ cầu phúc và lễ kính tổ nghề. Nghề chạm bạc nhanh chóng phát triển. Sau khi ông Nguyễn Kim Lâu mất, để tưởng nhớ công lao, nhân dân lập đền thờ ở làng gọi là Đền Đồng Xâm.
Năm 1995, tỉnh Thái Bình xây dựng các dự án phát triển du lịch làng nghề, làng chạm bạc Đồng Xâm là dự án trọng điểm. Đồng thời trùng tu, tôn tạo các di tích, lưu giữ những giá trị văn hóa. Năm 2014, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (ITDR) và Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) quảng bá làng nghề Đồng Xâm tới các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Người thợ Đồng Xâm chế tác sản phẩm. |
Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Ngoan, Chủ tịch Chi hội mỹ nghệ chạm bạc Đồng Xâm: Làng nghề chạm bạc truyền thống Đồng Xâm có lịch sử gần 600 năm. Chạm bạc Đồng Xâm với sản phẩm đặc trưng hoàn hảo, tinh tế.
Chạm bạc Đồng Xâm nổi trội ở độ tinh xảo của các sản phẩm, độc đáo bởi cách thức thể hiện của người thợ tài hoa gửi gắm tình cảm của mình trong mỗi tác phẩm. Đặc biệt với thủ pháp xử lý sáng - tối, tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc, sản phẩm bạc Đồng Xâm đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng đồ chạm bạc của những khách hàng khó tính nhất.
Hiện, làng nghề Đồng Xâm lưu giữ những sản phẩm bằng bạc chạm trổ những hoa văn rồng bay phượng múa rất tinh hoa và rất độc đáo của những nghệ nhân chế tác lưu truyền lại. Đồ nghề của người thợ chế tác tại Đồng Xâm gồm búa và ve. Trong đó, ve gồm có nhiều loại, với nhiều kích thước, hình dáng khác nhau để tạo ra các hình khối khác nhau.
Hiện nay, nghề chạm bạc phát triển sang 2 xã bên gồm Lê Lợi và Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hình thành một vùng làng nghề dài 6 km, đi qua 3 xã với 150 cơ sở sản xuất, trên 4.000 lao động thủ công chạm bạc. Làng nghề chạm bạc truyền thống Đồng Xâm được Trung ương Hội Làng nghề Việt Nam công nhận là một trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc. Trung bình mỗi năm, vùng làng nghề chạm bạc Đồng Xâm sản xuất hàng trăm tấn sản phẩm, doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm.
Những sản phẩm tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao
Hiện nay, các sản phẩm của làng chạm bạc Đồng Xâm xoay quanh chất liệu đồng, mạ bạc sang. Mỗi loại lại có nhiều kiểu dáng khác nhau. Không chỉ làm bằng bạc hay đồng, nhiều đồ mỹ nghệ Đồng Xâm kết hợp với các chất liệu khác như: ngà, gốm, sứ, thủy tinh, và sử dụng đồng, bạc như họa tiết trang trí, tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm sản xuất theo hai hình thức: tập trung trong hợp tác xã, công ty, tổ hợp và hộ gia đình. Thu nhập của người thợ chế tác các sản phẩm đồng, bạc tại Đồng Xâm dao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Theo chị Tạ Thị Tươi, chủ cơ sở chế tác đồng mỹ nghệ tại thôn Hữu Bộ, xã Hồng Thái huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, gia đình chị có trên 20 năm làm nghề chế tác các sản phẩm từ đồng như: tranh nghệ thuật, tranh phong cảnh, đồ thờ, đồ trang trí, phụ tùng linh kiện làm đồng hồ...
Một bức tranh phong cảnh bằng đồng. |
Hiện, tại xưởng của gia đình đang chế tác các sản phẩm từ 2 loại nguyên liệu gồm: đồng vàng và đồng đỏ. Ngoài màu sắc truyền thống, các nghệ nhân trang trí thêm các màu sắc làm sinh động thêm các bức tranh phong cảnh, sinh vật. Những bàn tay tài hoa của những người thợ sáng tạo, thổi hồn cho các bức tranh thêm sinh động, hấp dẫn.
Nghệ nhân Nguyễn Thế Dân (thôn Nam Hòa, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), người có thâm niên trên 30 năm làm nghề chạm bạc chia sẻ, hiện nay, số thợ duy trì nghề chạm bạc ngày càng ít dần. Nghề chạm bạc đòi hỏi kỹ thuật cao, khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì. Do đó, mỗi sản phẩm chạm bạc là sự kết tinh của bàn tay lao động, sự sáng tạo, nét tài hoa của người thợ.