Vượt núi cao, suối sâu vận động học sinh đến lớp
Chúng tôi theo chân thầy giáo Hồ Sỹ Chẩm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa, cuốc bộ gần 10km từ trung tâm xã Hướng Lộc để vào bản Cheng. Con đường mòn xuyên rừng chạy chênh vênh sườn núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm, rồi loanh quanh qua bao khe suối sâu, như thử thách bản lĩnh, sự kiên trì của thầy, cô giáo nơi đây khi muốn mang con chữ đến với các bản, làng.
![]() |
Một lớp học tạm bợ ở vùng cao Đakrông. |
Gạt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, thầy Chẩm dẫn chúng tôi ghé vào một ngôi nhà sàn cũ nát. Đây là nhà em Hồ Thị Thơm (8 tuổi), học sinh lớp 3, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Hướng Lộc. Khi chúng tôi vào, em Thơm đang xếp lại đống củi vừa gùi từ rừng về. Em lễ phép khoanh tay chào thầy Chẩm cùng mọi người, rồi rót nước mời khách. Hỏi về gia cảnh, Thơm cho biết mẹ em vừa sinh em bé thứ 5, còn bồng trên tay.
Chị gái Thơm năm trước học đến lớp 8 thì đi lấy chồng. Không ai chăm em nhỏ nên đầu năm học, gia đình không cho Thơm đến trường nữa. Rất may, nhờ sự động viên, vận động kịp thời của thầy, cô giáo nên gia đình Thơm đã thay đổi quyết định. Thơm được đến trường, nhưng bữa có, bữa không; do mẹ em bảo phải ở nhà đốn củi, phụ giúp mẹ làm việc nhà, nấu cơm và chăm em bé để mẹ lên nương làm lụng kiếm sống...
Được biết, trong năm học 2014-2015 vừa qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 95%. Tuy nhiên, vẫn có 1.200 học sinh trên địa bàn tỉnh bỏ học (trong đó bậc tiểu học có 65 em, THCS có 401 em và cao nhất là số học sinh THPT với 769 em bỏ học, chiếm tỷ lệ 3,06%), đa số là học sinh vùng cao.
“Không chỉ gia đình em Thơm mà hầu hết các gia đình vùng cao ở xã Hướng Lộc nói riêng và hai huyện Hướng Hóa, Đakrông nói chung đều có cuộc sống khó khăn; ăn chưa no nên chuyện học hành của con cái ít được quan tâm. Vì thế, cứ mỗi đầu năm học, thầy cô vùng cao ở mọi cấp học đều phải bỏ công sức, tâm huyết, thường xuyên đi vận động học sinh tới trường, bảo đảm sỹ số, kiến thức cho các em”, thầy Chẩm bộc bạch nỗi lòng.