Về phố cổ Hội An nghe hát bài chòi

Thứ Năm, 15/01/2015, 10:43
Không cần phải sân khấu hoành tráng, chỉ cần một khoảnh đất nhỏ giữa phố, là đủ để người dân nơi đây cất lên những lời ca, điệu hò đối đáp, mang đậm tính dân gian. Bài chòi ở phố cổ Hội An (Quảng Nam), từ bao đời đã đi sâu vào lòng người bằng hơi thở của cuộc sống mộc mạc, giản dị, thân thương nhất!

Không ai nhớ điệu hát đối đáp bài chòi có từ bao giờ. Với nhiều người cao tuổi đang sinh sống ở Hội An, từ thời họ còn để chỏm đã nghe ông bà mình hát bài chòi. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, bài chòi ra đời gắn liền với quá trình lao động sản xuất.

Vào những buổi canh giữ hoa màu trên chòi gác, các thanh niên trai tráng đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò, giữa chòi này với chòi khác. Lâu dần lan truyền khắp làng xóm, trở thành trò chơi phổ biến.

Vào những ngày đầu xuân, ở những vị trí trung tâm của làng, xã, các chòi được người dân dựng lên để thu hút người chơi, tạo nên hội bài chòi sôi nổi.

Người ta dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3m, rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương.
Nghe hát bài chòi ở phố cổ Hội An.

Bộ bài để đánh bài chòi là bộ bài tam cúc cải tiến, gồm 33 lá, với những tên chuyển thành nôm na như: nhứt nọc, nhì nghèo, ông ầm, thằng bí, lá liễu v.v… vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán ba con bài, không trùng lặp nhau.

Bộ bài gồm 3 pho, gồm: Pho văn, pho vạn và pho sách. Pho văn có các con bài, như ông ầm, tráng hai, ba bụng, tứ tượng, ngũ ruột, sáu miếng, lá liễu, tám miếng, chín cu, chín gối. Pho vạn có bạch huê, nhứt trò, nhì bí, tam quăng, tứ móc, ngũ trợt, lục chạng, thất vung, bát bồng, cửu điều. Pho sách có ông Tử, nhất nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ sách, ngũ dụm, sáu bưởng, bảy thưa, tám dây, cửu điều.

Mỗi pho có 10 lá, vì phải có 33 lá nên thêm vào 3 lá nữa là: ông ầm đen, tử cẳng đen và cửu điều đen (để phân biệt với 3 lá cùng tên này nhưng màu đỏ) cho đủ bài chơi.

Vào cuộc chơi, anh hiệu (người chủ xướng trò chơi, đọc các câu trên lá bài, còn gọi là người hô thai. Các câu thai như: Đi đâu cọ xiểng đi hài/Cử nhơn không đậu, tú tài cũng không (tức là thằng Trò); hay như: Ai làm hạ thượng bất thông/Bàng quang bể thúng sớm trông tối ngày (tức thằng Bí) xốc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên.

Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó "tới", xổ một hồi mõ dài. Khi đó, anh hiệu cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng.

Lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng. Để giúp vui cho cuộc chơi còn có một ban nhạc cổ gồm đờn cò, kèn, sanh, trống hòa tấu lên khi có chòi "tới"…

Bài chòi hấp dẫn người chơi không chỉ bởi hình thức đơn giản, gần gũi, mà còn bởi cách thể hiện chân thật, lời hát gần gũi, nói lên tâm tư, nguyện vọng của người dân ở miền quê chịu nhiều thiên tai, bão lũ này.

Trong chiến tranh, người dân còn dùng bài chòi để ca ngợi tinh thần yêu nước; hoặc ra ám hiệu mỗi khi có địch càn quét làng quê. Đất nước hòa bình, những điệu bài chòi vẫn tồn tại trong các lễ hội. Đến năm 1996, Nhà hát Nghệ thuật cổ truyền Hội An ra đời, đánh dấu bước ngoặt của nghệ thuật bài chòi khi loại hình này được đưa lên sàn diễn, mở rộng không gian trình diễn hơn trước.

Gần cuối năm 1998, sự kiện “Đêm phố cổ” Hội An ra đời. Bài chòi cũng góp mặt trong không gian này. Giữa không gian phố cổ lung linh huyền ảo, điệu bài chòi đưa người nghe trở về với không gian ấu thơ, gợi lại niềm kí ức cũ mờ xa ngái nhưng đong đầy kỉ niệm ấm áp. Thu hút sự chú ý của hàng vạn du khách, nhất là du khách nước ngoài. Gánh bài chòi làng quê lâu nay được khơi dậy trong lòng phố cổ. Bài chòi từ đó sống thêm cuộc đời phố…

Nhắc đến sự hồi sinh của bài chòi, người Hội An nhớ ngay đến nghệ sĩ Lương Đán, một người con phố hội đã nỗ lực hết mình cho bài chòi sống lại. Hàng chục lượt nghệ sĩ trẻ được ông đào tạo trở nên có tên tuổi trong làng bài chòi.

Không manh mún như nhiều nơi khác, Hội An có hơn 10 đội, nhóm hô hát bài chòi từ thành phố đến cơ sở, thường xuyên tham gia hơn 30 chương trình hằng năm. Không chỉ thế, bài chòi được kết nối từ các thế hệ học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường.

Năm 2004, Trung tâm VH-TT Hội An đã phối hợp cùng Phòng GD thành phố này đưa dân ca, bài chòi vào trường học. Bài chòi còn được người Hội An đưa ra quốc tế như sang Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Ý, Hungary, Nhật…

Đêm cuối tuần, phố cổ Hội An lại lung linh dưới ánh đèn lồng, tiếng hát bài chòi của anh hiệu, chị hiệu đều đặn vang xa, đi vào lòng du khách ấm ấp, khó quên.

Phan Thanh Bình
.
.
.