Lão nông người Cơ Tu và "công nghệ" trồng sâm ba kích thoát nghèo

Chủ Nhật, 20/09/2015, 08:03
Lên rẻo cao Arớh, xã Lăng, huyện biên giới Tây Giang, Quảng Nam, chúng tôi được người dân Cơ Tu nơi đây giới thiệu ông Bríu Pố (65 tuổi), người đi tiên phong trong việc trồng cây sâm ba kích đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp bà con cùng nhau “đuổi” cái đói, cái nghèo vươn lên làm giàu…

Trò chuyện với chúng tôi, ông Pố kể rằng, vào năm 2006, Tiến sĩ Ngô Văn Trại ở Viện Dược liệu Trung ương vào huyện Tây Giang nhờ ông dẫn đường tìm kiếm các loại cây thuốc. Và, dưới chân núi Can Dơn, lần đầu tiên họ tìm ra cây sâm ba kích. Tuy nhiên, khi nghe tin loài cây này mang lại giá trị cao, người dân bản địa đổ xô vào rừng tìm, đào đem về bán và thương lái đến tận nơi thu mua nên chỉ một thời gian, số lượng cây sâm ba kích mọc tự nhiên trên rừng ngày càng hiếm.

Ông Bríu Pố bên những củ ba kích vừa thu hoạch.

Đứng trước nguy cơ cạn kiệt loài sâm ba kích, ông Pố cùng vợ quyết định cải tạo đất để trồng thử. “Lúc đó tôi suy nghĩ đơn giản thôi, nếu loài cây này cho giá trị kinh tế thì mình nên trồng để biến nó thành cây vườn nhà, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình dài lâu chứ tại sao phải khai thác hết…”, ông Pố nói. Từng tốt nghiệp Khoa Sinh học – Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên năm 1977, ông Pố có kinh nghiệm nên bắt đầu cùng vợ chăm chỉ đi rừng tìm kiếm cây sâm ba kích về cắt từng đoạn để trồng. Nhiều người đi tìm cây sâm ba kích khi đó đều bảo vợ chồng ông là “khùng”.

Tất cả đều cho rằng, cây ba kích chỉ mọc tự nhiên; không bao giờ trồng được. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, năm 2007, ông Pố trồng thử nghiệm 300 khóm sâm ba kích, với số lượng 900 cây. Mỗi khi đi rừng về, ông đem dây đi cắt trồng trong vườn nhà nên chẳng bao lâu vườn cây sâm ba kích có số lượng tăng dần lên. Với giá bán dao động từ 250 – 300 ngàn đồng/kg củ, cây sâm ba kích đã cho thu nhập gia đình ông trên 200 triệu đồng mỗi năm. 

Thấy mô hình trồng sâm ba kích của ông Pố thành công, chính quyền huyện Tây Giang vận động và hỗ trợ cho nhiều hộ dân khác trên địa bàn học theo ông Pố trồng cây sâm ba kích. Đặc biệt ở xã Lăng đã thành lập hợp tác xã, mọi người làm kinh tế tập thể, đời sống ai cũng khá dần lên. Ông Bríu Hùng, Chủ tịch UBND xã Lăng, cho biết: “Ở địa phương ông Bríu Pố được phong là “Vua sâm ba kích”, vì ông chính là người đầu tiên trồng thành công loài cây chỉ mọc ở sâu trong rừng. Nhờ trồng cây sâm ba kích, cuộc sống gia đình ông có của ăn, của để. Không giấu giếm cách trồng, ông Bríu Pố đã tận tình hướng dẫn cho bà con. Đây chính là loại cây trồng đang góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn xã Lăng”.  

Văn Luận
.
.
.