Phu trầm giải nghệ trở thành 'đại gia rừng'

Thứ Sáu, 07/08/2015, 14:06
Sau khi giải nghệ nghề phu trầm, nhận thấy các loại cây gỗ quý trên rừng như huê, lim, sến, gõ, kiền… có nguy cơ bị tuyệt chủng do nạn “lâm tặc” hoành hành, ông Phúc đã tìm cách ươm giống các loại cây này để trồng thử nghiệm.

Đến bây giờ vẫn còn có không ít người ngạc nhiên, khi ông Đoàn Trọng Phúc (48 tuổi, ở thôn 3, xã Hương Lộc, huyện Nam Đông, Thừa Thiên- Huế), một phu trầm lâu năm bỗng nhiên “giải nghệ”, để mưu sinh bằng nghề trồng rừng. Và, họ càng bất ngờ hơn, khi ông Phúc đã trở thành triệu phú, với hàng chục ha rừng. Đặc biệt, ông còn là một trong những người đầu tiên ở huyện miền núi này trồng được cây dó bầu tạo trầm đem lại hiệu quả kinh tế cao… 

Lên xã miền núi Hương Lộc hỏi đến ông Phúc thì không ai là không biết, bởi tên tuổi của ông đã gắn liền với nghề tạo ra các loại giống cây gỗ quý, như sến, gõ, ươi... và cây dó tạo trầm ở vùng đất khô cằn nơi đây. Ông Phúc kể, đầu những năm 1980, do thấy nhiều người đi tìm trầm trở nên giàu có, ông cũng muốn được “đổi đời” nên cùng bạn bè khăn gói lên rừng.

“Sau gần 7 năm băng rừng lội suối, lấy rừng làm nhà, tui mới nhận ra một điều, đó là cái giá của nghề đi điệu (đi tìm trầm-NV) phải trả quá đắt; bởi phu trầm thường xuyên đối mặt với cái chết. Đó là chưa kể đến việc bản thân phải chịu đựng những cơn sốt rét rừng…”, hướng ánh mắt về nơi núi rừng xa xa, ông Phúc bồi hồi nhớ lại.

Quyết định dứt bỏ nghề phu trầm, ông Phúc cùng vợ đã ở lại vùng đất Hương Lộc để làm kinh tế mới. Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay: “Lúc nghe ông ấy nói bỏ nghề đi trầm mà tui quá đỗi vui mừng, bởi cái nghề đi trầm rất may rủi và phải đánh đổi quá nhiều thứ. Từ năm 1990, vợ chồng tui bắt tay vào việc trồng rừng, làm trang trại để phát triển kinh tế gia đình và kết quả như anh thấy đó…”.

Đến nay, sau hơn 25 năm, vợ chồng ông Phúc xây dựng được một trang trại với hàng ngàn gia súc, gia cầm, cùng 40ha rừng kinh tế. Đó là chưa kể đến số rừng ông Phúc trồng thuộc dự án 327 của Chính phủ. Nhận thấy các loại cây gỗ quý trên rừng như huê, lim, sến, gõ, kiền… có nguy cơ bị tuyệt chủng do nạn “lâm tặc” hoành hành, ông Phúc đã tìm cách ươm giống các loại cây này để trồng thử nghiệm.

Ông kể tiếp: “Tui đã ăn ngủ trong rừng suốt hơn 3 tháng trời để tìm và đào bới được gần 100 gốc cây ươi, gõ, sến.. rồi đưa về nhà trồng lấy giống. Riêng cây gỗ lim, tui ra tỉnh Phú Thọ để mua giống về ươm. Nhờ thế mà gia đình đã hình thành được vườn ươm với 30 vạn cây giống keo lai và đủ các loại cây bản địa để cung cấp ra thị trường. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động địa phương với mức lương khoán 200.000 đồng/1 ngày”.

Đầu năm 2003, nhận thấy nhiều địa phương trồng được cây dó bầu tạo trầm, ông Phúc lại lặn lội lên rừng để đưa về hàng trăm cây dó ươm trồng. Tiếp đến, vợ chồng ông vào huyện Tiên Phước (Quảng Nam) và ra tỉnh Quảng Bình để học nghề tạo trầm trên cây dó. Sau nhiều năm nghiên cứu cách trồng và bơm thuốc tạo trầm, hiện ông Phúc có 5ha cây dó cho trầm. “Mới đây có một thương lái từ Đồng Nai ra cáp giá mỗi cây 400 nghìn đồng, nhưng tui chưa ưng ý bởi giá mua chỉ bằng nửa giá lúc trước. Nói vậy để biết rằng, để tạo trầm trên cây dó là khó khăn đến mức độ nào...”, ông chia sẻ thêm.

Nói về thành quả lao động của ông Phúc, ông Đoàn Trọng Hậu, Chủ tịch UBND xã Hương Lộc khẳng định, ông Phúc là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tôn vinh tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV.

“Nhiều năm qua, ông Phúc đã hỗ trợ vốn vay, chia sẻ với người dân địa phương kinh nghiệm trồng rừng và ươm giống các loại cây gỗ quý để giúp họ thoát nghèo vươn lên làm giàu. Ông còn được người dân địa phương quý trọng khi tham gia hiến 1.000m2 đất xây dựng nông thôn mới; ủng hộ giúp đỡ hàng chục trường hợp khó khăn, trẻ khuyết tật trên địa bàn...”.

Anh Khoa
.
.
.