Trầm cảm, “sát thủ” giấu mặt trong nhiều vụ án

Thứ Tư, 09/12/2020, 06:54
Nhiều vụ nhảy cầu, nhảy lầu, sát hại con, người thân trong thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh sau khi hoàn tất công tác điều tra, Cơ quan chức năng nhận thấy, các nạn nhân đều có dấu hiệu trầm cảm trước khi thực hiện hành vi của mình. Trầm cảm như một sát thủ giấu mặt, biểu hiện của căn bệnh này khiến nhiều người xung quanh các nạn nhân không thể đoán trước được hành động để ngăn cản dẫn đến những vụ việc đau lòng…


Công an quận 12, TP Hồ Chí Minh đang tạm giam Trần Thị D (SN 1994, quê Thừa Thiên Huế) để làm rõ về vụ bạo hành con ruột dẫn đến chấn thương sọ não. Nạn nhân của Dung là cháu T.T.K.C (SN 2017). Cháu C., hôn mê sâu, đồng tử giãn một bên, tổn thương vùng sinh môn, nhiều vết tụ máu bầm. Kết quả chụp CT-Scan sọ não ban đầu ghi nhận bệnh nhi có tình trạng xuất huyết não rải rác và phù não và đã tử vong sau nhiều ngày điều trị.

Con chết, mẹ bị bắt, 4 đứa con còn lại của D., giờ bà T.T.P (mẹ của D) phải nuôi 3 đứa, một đứa gửi bên nội. Kể về đứa con gái của mình, bà P., cho hay, 18 tuổi, P., bỏ quê đi, lấy đến… 3 đời chồng nên 26 tuổi, P., có đến 5 đứa con. Chồng D., lần lượt bỏ đi để một mình D., xoay xở với những đứa con của mình.

Hiện trường vụ nữ luật sư tự tử vì trầm cảm.

Sau khi gửi con bên nội, bên ngoại, D., dắt 2 đứa còn lại (cháu C., và 1 bé trai) vào TP Hồ Chí Minh lây lấy bằng công việc bán vé số. “Do còn quá trẻ lại, lo lắng một lúc nhiều con, D., trở nên trầm cảm hay cáu bực, nóng nảy với con cái. Trước khi bị bắt, D., đã khóc lóc thú nhận là do… lỡ tay đánh chết con mình.

Hôm đó, cháu C., vào nhà vệ sinh nhưng vô ý để phân dính vào dép khiến D., bực tức đánh cháu C., mà không nhận thức được hậu quả. Khi thấy con mình tím tái, D., mới hoảng hốt đưa con vào bệnh viện thì quá muộn. Con nó cũng mất rồi, giờ chỉ mong sao nó bị xử nhẹ để nhanh về phụ tôi nuôi dưỡng 4 đứa con của nó”, bà P., đau xót.

Hơn 3 tháng bị tạm giam về hành vi “giết người”, N.T.T.H (SN 1988, quê Bến Tre) dường như sống trong những ngày đau khổ, đau đớn vì tự tay sát hại con ruột mình. Cũng vì bế tắc trong cuộc sống lại đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, chờ chết nên H., trầm cảm nặng, muốn giải thoát cho con và giải thoát cho chính mình.

Theo hồ sơ của H., tại Công an quận Bình Tân, trưa 5-8, H., bế tắc ôm con ruột là N.Q.A (3 tuổi) đến thuê nhà nghỉ trên đường 6A, phường Bình Trị Đông B, Bình Tân. Tại đây H., dùng dây sạc điện thoại làm cháu A., tắc thở sau đó giấu xác cháu A vào tủ quần áo. H., tìm đến kênh Tàu Hủ định nhảy xuống tự tử nhưng không thành nên tìm đến cầu Sài Gòn. Tuy nhiên tại đây, H., không dám nhảy xuống nên tìm đến một chung cư ở quận 8. Sau khi ngồi trên sân thượng, H., lại không dám nhảy nên đến Công an đầu thú.

Hàng loạt vụ nhảy lầu xảy ra tại TP Hồ Chí Minh khiến dư luận quan tâm, trong số này có vụ chị N.T.A.T (SN 1987) sống tại Block B, chung cư Hoàng Anh Thanh Bình (quận 7) tử vong tại khu vực giếng trời, thi thể không nguyên vẹn được dư luận quan tâm đồn thổi là một vụ án mạng.

Qua khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai của một số nhân chứng, Công an xác định chị T., có dấu hiệu trầm cảm, gia đình đã đưa đi chữa trị tại nhiều nơi, trong bệnh viện tâm thần cũng không dứt. Chị T., thường có biểu hiện chán sống nên đã gieo mình từ tầng 33 xuống giếng trời tự tử. 

Cũng như chị T., nữ luật sư N.T.M.T (SN 1970, ngụ thủ Đức) sau thời gian dài bị bệnh trầm cảm, người nhà phát hiện đã thuê người đến chăm sóc, tuy nhiên, chỉ một phút lơ là, ngày 15/11, bà M.T đã gieo mình từ căn hộ của mình xuống dưới sảnh chung cư tử vong tại chỗ.

Đọc những dòng thông tin hằng ngày về các vụ tự tử, mẹ sát hại con khiến nhiều người tỏ ra quan ngại, lo lắng về mức độ mất an toàn trong cuộc sống. Những vụ việc như trên sau khi được cơ quan điều tra làm rõ, xác định nạn nhân trước khi gây ra các vụ việc trên đều có tiền sử bệnh trầm cảm khiến ai cũng xót xa.

Một chuyên gia cho rằng, người mắc bệnh trầm cảm cần được sự quan tâm của gia đình nhiều hơn những người bình thường bởi hành động của họ khó có thể đoán trước nếu như suy sụp, kích động. Họ dường như đáng thương hơn đáng trách bởi phải trong tình cảnh của họ thì mới thấy hiểu được cảm giác bất an lo lắng và luôn trong tình trạng muốn tự giải thoát. Để chủ động ngăn chặn những hành vi của người mắc bệnh trầm cảm, thì ngoài việc phát hiện sớm bệnh, chữa trị thì cần phải trang bị kiến thức điều trị tâm lý về rối loạn tâm thần, tiếp xúc gần gũi để tháo gỡ những vướng mắc của người bệnh.

Từng tham gia điều tra nhiều vụ án giết người xảy ra trên địa bàn, một cán bộ điều tra thuộc Công an quận 6 cho biết, các vụ án mạng xảy ra xuất phát từ đối tượng bị trầm cảm, bị tâm thần khó bị xử lý vì họ không có tâm lý bình thường, không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, cho nên nhiều vụ án phải chuyển hướng điều tra.

Bởi vì người bị tâm thần, hay trầm cảm thường gây ra các vụ án nghiêm trọng nhưng khó xử lý, chỉ là đưa đi điều trị bệnh. Vì thế đối với những trường hợp các nạn nhân bị bệnh trầm cảm, gia đình, xã hội cần phát hiện quan tâm, chăm sóc, điều trị để tránh những vụ việc đáng tiếc, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự chung.

Anh Thư
.
.
.