Tìm giải pháp hỗ trợ công nhân gặp khó khăn do dịch COVID-19

Chủ Nhật, 23/05/2021, 06:54
Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, một bộ phận công nhân lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động. Chưa bao giờ hàng ngàn, hàng vạn công nhân lao động lại rơi vào cảnh khốn khó như hiện nay.

Theo báo cáo từ các cấp công đoàn, đến nay đã có hơn 600 ca dương tính là đoàn viên công đoàn, người lao động trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 này. Bên cạnh đó còn có hàng vạn F1, hàng chục vạn F2 là công nhân, viên chức, lao động. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, một bộ phận công nhân lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động. Chưa bao giờ hàng ngàn, hàng vạn công nhân lao động lại rơi vào cảnh khốn khó như hiện nay.

Nhiều khó khăn chồng chất

Tại tâm dịch Bắc Giang, hàng ngàn công nhân lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Chị Nguyễn Thị Nhung, công nhân Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang cho biết, dù không thuộc diện F1 hay F2 phải cách ly tại nhà nhưng chị Nhung vẫn phải nghỉ làm vì nhà chị ở khu vực đang bị phong tỏa (Thuận Thành - Bắc Ninh). Chị Nhung cho biết, khi bắt đầu xảy ra dịch cả hai vợ chồng là công nhân nên đã phải nghỉ việc luân phiên, đời sống đã khó khăn. 

“Thu nhập của cả hai vợ chồng mỗi tháng được khoảng 10 triệu đồng. Tiết kiệm cũng chỉ đủ để trả tiền thuê nhà, ăn uống và chi trả tiền học cho con. Hiện giờ phải nghỉ làm do khu vực mình ở bị phong tỏa, không có thu nhập không biết rồi cuộc sống sẽ ra sao”, chị Nhung than thở.

“Siêu thị 0 đồng” hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người lao động tại tâm dịch Bắc Giang.

Cảnh công nhân ở vùng tâm dịch gặp khó khăn thời điểm này đang có rất nhiều. Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị Huế, cũng làm việc ở KCN Quang Châu - Bắc Giang. Chị Huế thuộc diện F1 nên bắt buộc phải đi cách ly tập trung. Có chồng ở nhà, nhưng chồng chị lại làm nghề tự do nên trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay cũng không có việc làm. “Một mẹ già, hai con nhỏ nhưng tôi phải đi cách ly, chồng ở nhà cũng không có việc, cả gia đình không sinh ra thu nhập gì nên khó khăn chồng chất. Chẳng biết những ngày tới rồi sẽ ra sao. Tạm thời trước mắt thiếu thốn thì đành vay mượn. Nếu dịch kéo dài thì chưa biết tính sao”, chị Huế cho hay.

Hiện nay, dường như ở tâm dịch Bắc Giang, hầu như công nhân nào cũng đang phải đối mặt với không ít nỗi lo do ảnh hưởng của dịch. Nỗi lo phòng, tránh dịch bệnh, nỗi lo cơm áo gạo tiền. Vừa đi cách ly, vừa lo con cái ở nhà, anh Võ Văn Tân, công nhân Công ty Hoshiden Bắc Giang (KCN Quang Châu - Bắc Giang) cho biết, nỗi lo lớn nhất của anh bây giờ là làm thế nào để lo được cho hai con nhỏ. 

“Giờ lo nhất là nghỉ việc sợ không có lương, không có tiền lo cho các con. Trước đi làm, dù tăng ca có mệt, có ốm sốt, nắng mưa vẫn vui vì có tiền. Công nhân chúng tôi mong nhất hiện nay chỉ là dịch qua nhanh để chúng tôi sớm được trở lại làm việc. Làm công nhân thu nhập đã thấp, ráo mồ hôi là hết tiền nếu dịch kéo dài thì sẽ đói", anh Tân chia sẻ.

Không để công nhân bị thiếu đói

Tại Bắc Giang, mấy ngày qua, nhiều “Siêu thị 0 đồng” đã được thành lập để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho công nhân, người lao động. Ngoài lao động thuộc diện F0 được hỗ trợ bằng tiền mặt, trị giá 3 triệu đồng/người, Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Giang cũng đang rà soát thống kê số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để có phương án hỗ trợ. Bên cạnh đó, đơn vị này đang rà soát để hỗ trợ lao động bị cách ly hoặc trong vùng phong tỏa. Dự kiến mỗi người sẽ được hỗ trợ 5kg gạo và sẽ có khoảng 50.000 người lao động đang bị cách ly tại khu nhà trọ (có cả những người không bị F nhưng không được về) được hỗ trợ. Công nhân có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện cách ly hoặc phong tỏa sẽ được Công đoàn các Khu công nghiệp và chính quyền địa phương hỗ trợ các nhu yếu phẩm, như: Gạo, mì tôm, cá khô, lạc… 

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Giang cho biết, tính tới 21- 5, toàn tỉnh đã có 681 trường hợp là F0 (chủ yếu là công nhân); 136.000 công nhân lao động trong 4 khu công nghiệp đã phải nghỉ việc do cách ly hoặc tạm ngừng hoạt động liên quan đến dịch COVID-19.

Không để công nhân, người lao động trong khu vực cách ly, phong tỏa bị thiếu đói. Đó là một trong những yêu cầu cấp bách mà ngày 21-5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa chỉ đạo công đoàn các cấp về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch trong khu công nghiệp, tập trung hỗ trợ công nhân trong khu cách ly, phong tỏa. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đoàn viên, người lao động, coi sức khỏe, tính mạng của đoàn viên, người lao động là trên hết....

Các cấp công đoàn cũng cần chủ động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để chăm lo, hỗ trợ, đảm bảo chế độ, tiền lương cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, nhất là các ca F0, F1, F2 và công nhân lao động đang phải nghỉ việc do dịch, do thực hiện cách ly trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cơ quan nhà nước. 

Công đoàn cũng cần phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân hảo tâm chăm lo chu đáo cho đoàn viên, người lao động đang ở khu vực bị phong tỏa, khi các điều kiện an toàn sớm đưa cán bộ công đoàn, các tình nguyện viên vào trao quà, nhu yếu phẩm cho công nhân lao động; không để đoàn viên, người lao động trong khu vực cách ly, phong tỏa bị thiếu đói.

Phan Hoạt
.
.
.