Thương binh thật bị cắt chế độ vì hồ sơ giả

Chủ Nhật, 29/03/2015, 13:16
Có tên trong danh sách quân nhân bị thương, thế nhưng ông Nguyễn Nhân Thử ở thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh lại bị cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận bị thương và trợ cấp thương tật. Ngay sau đó, ông Nguyễn Nhân Thử đã gửi đơn tới rất nhiều cơ quan chức năng để đề nghị làm rõ.

Ông Thử trình bày với phóng viên: “Tôi đi bộ đội ngày 22/3/1979, đóng quân đơn vị C2 D1 E460 F338 tại Bản Chắt, Đình Lập, Lạng Sơn, giáp cột mốc 52 và 54. Ngày 2/3/1980, tôi đang trực chiến đấu thì bị thương, được đồng đội đưa vào nằm điều trị tại bệnh xá Sư đoàn 338. Ngày 15/5/1980 ra viện, tôi tiếp tục tham gia chiến đấu.

Ngày 30/6/1983, tôi được đơn vị cho xuất ngũ về địa phương”. Năm 2004, ông làm hồ sơ gửi đi các cấp có thẩm quyền để làm chế độ chính sách thương binh. Sư đoàn 338 cấp cho ông giấy chứng nhận bị thương để đi giám định thương tật. Ngày 4/11/2005, ông Thử được hưởng chế độ thương binh với tỷ lệ thương tật 41%, hưởng trợ cấp hàng tháng là 467.000 đồng.

Sau 9 năm hưởng chế độ thương binh, ngày 10/12/2014, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Song Hồ đã mời ông Thử đến trụ sở để thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh. Trước đó, ngày 2/12/2014, Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Văn bản số 2318/PCT-CS yêu cầu Ban CHQS huyện Thuận Thành phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật đối với ông Nguyễn Nhân Thử và một người khác ở xã Trí Quả, huyện Thuận Thành.

Căn cứ để ban hành văn bản này là kết luận và đề nghị của cơ quan Điều tra hình sự - Quân khu 1 và đơn tự nguyện cắt chế độ thương tật của đối tượng; căn cứ kết luận và đề nghị của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thuận Thành.

Ông Thử không đồng tình với các quyết định trên và khẳng định, ông có tên trong danh sách quân nhân bị thương của Sư đoàn 338, bản thân ông cũng không viết đơn tự nguyện cắt chế độ thương tật.

Ông Nguyễn Nhân Thử và kết quả giám định cho thấy giấy chứng nhận bị thương bị làm giả.

Ngày 25/3, Thiếu tá Nguyễn Quang Dự, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, môi trường, ma túy Công an huyện Thuận Thành cho biết, căn cứ để Công an huyện Thuận Thành đề nghị thu hồi giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật của ông Thử là do Giấy chứng nhận bị thương của ông Thử là giấy tờ giả.

Thời gian qua, thực hiện Kết luận 115-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh giải quyết vấn đề “thương binh giả”, cơ quan CSĐT Công an huyện Thuận Thành đã tiến hành điều tra, xác minh nhiều đối tượng nghi vấn sử dụng giấy tờ giả để làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh trên địa bàn. Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã mượn hồ sơ thương binh gốc của ông Nguyễn Nhân Thử tại Phòng Chính sách Quân khu I để tiến hành giám định tài liệu có trong hồ sơ.

Ngày 8/10/2014, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an có Kết luận giám định số 3210/C54-P5 đối với Giấy chứng nhận bị thương số 279/GCN ngày 30/4/1999 của ông Nguyễn Nhân Thử do Sư đoàn 338 cấp là giấy tờ giả. Chữ viết trên giấy chứng nhận bị thương của ông Nguyễn Nhân Thử là chữ viết của đối tượng Lê Tuấn Nghênh, 63 tuổi, ở xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Lê Tuấn Nghênh là đối tượng trong đường dây làm giả hồ sơ “chạy” chế độ thương binh đã bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố, bắt giam và bị đưa ra xét xử tháng 3/2014.

Từ kết quả điều tra, cơ quan CSĐT Công an huyện Thuận Thành đã trao đổi với Quân khu I đề nghị ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật cho ông Nguyễn Nhân Thử.

Về việc phản ánh của ông Thử rằng ông không có đơn tự nguyện cắt chế độ thương tật, Trung tá Ngô Văn Doanh, Trưởng ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Bắc Ninh khẳng định, Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Bắc Ninh có Công văn số 2318/PCT-CS ngày 2/12/2014 về việc giải quyết thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh đối với các trường hợp trên địa bàn huyện Thuận Thành. Đây là công văn chỉ đạo chung, trong đó có trường hợp có đơn tự nguyện xin cắt chế độ thương binh. Công văn 2318 nêu đơn tự nguyện trả lại Nhà nước chế độ thương binh là của trường hợp khác, không phải của ông Nguyễn Nhân Thử.

Kết quả điều tra là vậy, tuy nhiên ông Thử vẫn có tên trong danh sách quân nhân bị thương của Sư đoàn 338. Bởi thế, để đảm bảo quyền lợi cho ông Thử, Công an huyện Thuận Thành đã hướng dẫn ông làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Việt Hà
.
.
.