Thực phẩm bẩn đang nóng lên từng ngày

Thứ Hai, 15/12/2014, 10:51
Là địa bàn trung chuyển giữa tỉnh biên giới Lạng Sơn về các tỉnh phía Bắc trong đó có Thủ đô Hà Nội, những ngày cuối năm này, tình trạng buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn tại Bắc Giang đang có dấu hiệu “nóng” lên từng ngày. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát môi trường và Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bắc Giang cả ngày lẫn đêm đông giá rét, nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn đã bị chặn đứng trước khi đưa về Hà Nội tiêu thụ.

1h30 ngày 10/12, không quản cái lạnh buốt thấu da thấu thịt trong đêm tối, Đội liên ngành bao gồm lực lượng Cảnh sát môi trường, Quản lý thị trường và Cảnh sát giao thông tỉnh Bắc Giang vẫn bám chặt tuyến quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận tỉnh Bắc Giang, giáp với Lạng Sơn. Và, không thể lọt qua được những con mắt “tinh tường” của các cán bộ, khi chiếc xe ôtô mang BKS 98K-6538 do lái xe Nguyễn Anh Dũng, trú tại phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang lưu thông qua Km96+800, quốc lộ 1A, Đội kiểm tra liên ngành đã ra hiệu lệnh yêu cầu chiếc xe dừng lại. Qua kiểm tra đã phát hiện trên xe có 50 can loại 25l/can chứa mỡ động vật và 10 bao mỡ nước động vật không nguồn gốc xuất xứ.

Thực phẩm bẩn bị Công an tỉnh Bắc Giang bắt giữ.

Lái xe Dũng khai nhận mua mỡ động vật trôi nổi từ Trung Quốc về bán cho các nhà hàng tại Bắc Giang để sử dụng chế biến thức ăn. Nếu không có sự ngăn chặn kịp thời của lực lượng kiểm tra liên ngành thì không biết số mỡ bẩn này sẽ vào các bếp ăn nào và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe người tiêu dùng ra sao.

Tiếp đó, khi chiếc xe ôtô mang BKS 29C-081.76 do lái xe Nguyễn Toàn Thắng, 32 tuổi, trú tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn chạy tới khu vực này, Đội kiểm tra cũng đã phát hiện trên xe đang vận chuyển 5.400 con vịt giống không nguồn gốc xuất xứ. Lái xe Nguyễn Toàn Thắng cho biết, mỗi con vịt giống mua trôi nổi tại Trung Quốc chỉ có giá từ 4.000 đồng-5.000 đồng nhưng khi mang về nội địa bán có giá gấp 3, gấp 4 lần tức là từ 15.000 đồng-20.000 đồng/con. Toàn bộ số hàng hóa trên đã bị cơ quan chức năng tịch thu tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật.

Cách đây chưa lâu, vào các ngày 10 và 18/11, 2 vụ vận chuyển nội tạng động vật và da bì lợn không nguồn gốc xuất xứ, không giấy chứng nhận kiểm dịch cũng bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Bắc Giang và các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời. Đó là 250kg nội tạng do lái xe Ngô Công Bộ, trú tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang vận chuyển và 210kg da bì lợn tươi do lái xe Nguyễn Văn Đăng, trú tại Bắc Giang vận chuyển khi đang lưu thông qua quốc lộ 1A. Không ít số nội tạng động vật bị thu giữ đang trong quá trình phân hủy, ruồi nhặng đu bám, bốc mùi tanh thối.

Thiếu tá Đỗ Đức Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Bắc Giang cho chúng tôi biết, từ đầu năm 2014 đến nay, Phòng đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra và bắt giữ 36 vụ việc vận chuyển gia cầm nhập lậu tương đương với 16.000 con; động vật không kiểm dịch như gà, vịt, lợn là 5 vụ tương đương với 1.968 con; sản phẩm động vật không kiểm dịch như lòng, nầm… có khối lượng là 10.835kg.

Vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao cộng với lợi nhuận từ hành vi kinh doanh này lớn nên con buôn bất chấp, tăng cường hoạt động. Vì vậy công tác truy quét thực phẩm bẩn được các cấp, các ngành tại tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm. Theo Thiếu tá Đỗ Đức Cường, Bắc Giang là địa bàn trung chuyển giữa tỉnh biên giới Lạng Sơn với Thủ đô Hà Nội, lại tiếp giáp với địa bàn nhiều tỉnh như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh… nên tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn qua địa bàn luôn “nóng”.

Các đối tượng vận chuyển thực phẩm bẩn dễ dàng thâm nhập địa bàn bằng nhiều con đường khác nhau và gây khó khăn cho công tác đấu tranh và phòng chống. Thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển thực phẩm bẩn là chúng thường xé lẻ hàng hóa cho vào các thùng hàng vận chuyển về những điểm tập kết trên loại ôtô từ 1,5 đến 2 tấn kèm theo một số hàng hóa khác. Bên cạnh đó, để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng này cũng thường vận chuyển hàng hóa vào ban đêm, ngoài ra còn sử dụng các đối tượng đi trước để “rà đường” và báo lại với đối tượng vận chuyển khi phát hiện có cơ quan chức năng đi kiểm tra, kiểm soát.

Khi lực lượng kiểm tra phát hiện và yêu cầu dừng xe, không ít đối tượng điều khiển xe chở hàng không chịu chấp hành hiệu lệnh và lao thẳng vào lực lượng chức năng hòng chạy trốn. Ngoài ra, để vận chuyển trót lọt hàng hóa không hóa đơn chứng từ, không ít đối tượng còn sử dụng thủ đoạn “quay vòng hóa đơn”.

Để công tác phòng chống và đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn được hiệu quả hơn, theo Thiếu tá Đỗ Đức Cường thì các cơ quan chức năng nên xem xét việc tăng thẩm quyền trong lĩnh vực xử phạt tội phạm môi trường cũng như nâng cao hoạt động của hệ thống máy móc phục vụ cho công tác đấu tranh với hành vi này. Bên cạnh đó, cũng cần sự phối hợp một cách đồng bộ, quyết liệt giữa các ngành chức năng, nâng cao nhận thức của người dân thì việc truy quét, đấu tranh với thực phẩm bẩn mới thực sự hiệu quả.

Ng.Hương - Tr.Hằng
.
.
.