Thu hút hơn nữa nguồn lực từ kiều bào để xây dựng đất nước

Thứ Tư, 21/02/2018, 08:44
Năm ngoái đã có hơn 411.000 lượt kiều bào về nước qua cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất. Dịp Tết Mậu Tuất năm nay, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đón hàng chục ngàn lượt bà con kiều bào về ăn Tết. Lượng kiều hối thành phố thu hút được trong năm cũng tiếp tục đạt con số 5,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm trước.


Để tri ân những đóng góp của bà con kiều bào với thành phố và cả nước, ngày 6-2 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi gặp mặt bà con kiều bào nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Buổi gặp mặt có khoảng 600 bà con kiều bào về nước từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh – ông  Nguyễn Thành Phong khẳng định những đóng góp to lớn của bà con kiều bào với thành phố nói riêng, cả nước nói chung. 

Người thân chờ đón kiều bào về quê ăn Tết ở sân bay Tân Sơn Nhất. 

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, sau khi phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức thành công Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng TP Hồ Chi Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”, đã có 47 ý tưởng, đề án, kiến nghị hiến kế của đại diện bà con kiều bào trong “ngân hàng ý tưởng VK16” đang được lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu đưa vào triển khai thực hiện. 

“Những thành tựu mà thành phố đạt được những năm qua có sự chung tay, góp sức quan trọng từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bà con kiều bào trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Đại diện cho bà con kiều bào, doanh nhân Châu Bá Long, một Việt kiều Australia về đầu tư mở doanh nghiệp (DN) ở Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh khẳng định, bà con kiều bào tự hào là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam ở nước ngoài đang nỗ lực vươn lên, vừa hội nhập thành công ở sở tại, vừa hướng về và gắn bó chặt chẽ với quê hương, đất nước. 

“Bà con kiều bào luôn cảm nhận được những tình cảm chân thành và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố. Sự quan tâm đó không chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện thuận lợi cho bà con khi về nước sinh sống, hợp tác nghiên cứu, giáo dục, kinh doanh, đầu tư hay làm công tác xã hội… mà còn chăm lo cho kiều bào cả về tinh thần lẫn tình cảm. Để đáp lại sự quan tâm này, chúng tôi đều mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa; được chung sức vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và thành phố để cùng chung tay khơi dậy niềm tự hào dân tộc Việt Nam”, ông Châu Bá Long chia sẻ.

Đánh giá về tiềm lực của bà con kiều bào của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho thấy, hiện đang có hơn 4,5 triệu người Việt Nam và người gốc Việt sinh sống, lao động và học tập tại hơn 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Trong đó có trên 80% bà con kiều bào đang sống ở các nước phát triển như Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Australia… Cộng đồng kiều bào ngày càng ổn định cuộc sống và hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, lại có tiềm lực đáng trân trọng về tri thức và kinh tế. 

Ước tính, hiện có hơn 400 ngàn kiều bào có trình độ từ đại học trở lên và ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ thành đạt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, nghệ thuật… nhiều người đã phấn đầu nắm giữ những vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, tập đoàn và các DN lớn của nước sở tại hoặc các tổ chức quốc tế. 

Đến nay, trong cộng đồng bà con kiều bào ở nước ngoài cũng đã có trên 200 hội, chi hội ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ được thành lập cùng hơn 150 hội đoàn, tổ chức phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, đoàn kết của cộng đồng kiều bào. 

Ngoài ra còn có khoảng 170 hội thanh niên, sinh viên và lưu học sinh được cộng đồng kiều bào thành lập. Tại những nước luật không cho phép người nước ngoài thành lập hội, bà con kiều bào cũng đã thành lập được ban liên lạc để tạo sự liên kết chặt chẽ trong cộng đồng. 

Đặc biệt ở nhiều nước như Cộng hòa Séc, Thái Lan, Campuchia… bà con kiều bào đã thành lập được tổng hội để thống nhất hoạt động của các hội, chi hội địa phương. Gần đây, hội đoàn của bà con kiều bào ở các nước cũng đã có xu hướng mở rộng quy mô liên kết từ tầm quốc gia sang tầm khu vực như Liên hiệp hội người Việt Nam ở châu Âu. 

Đồng thời các hội người Việt Nam ở nước ngoài cũng thường xuyên có các hoạt động giúp gắn kết cộng đồng như tổ chức giao lưu văn hóa, thể thao, hưởng ứng các phong trào trong nước; tổ chức các hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, tổ chức phong trào dạy, học tiếng Việt…

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, dù sống xa Tổ quốc nhưng kiều bào ta luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước; bày tỏ sự tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Luôn phát huy truyền thống của người Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế với tinh thần tương thân, tương ái, cùng chung tay xây dựng cộng đồng vững mạnh. 

Bà con kiều bào cũng luôn hướng về nguồn cội và dòng tộc, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo, đóng góp thiết thực cho quê hương. Vai trò của kiều bào trong ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và giao lưu văn hóa ngày càng được khẳng định rõ nét, góp phần quan trọng vào quá trình hội nhập và phát triển, tăng cường hữu nghị của nước ta với cộng đồng quốc tế. 

Do đó, làm sao để tiếp tục tăng cường thu hút được nguồn lực từ bà con kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước là trách nhiệm của từng bộ ngành, địa phương bắt đầu từ những vấn đề cụ thể.

Đức Thắng
.
.
.