'Thiện Nhân và những người bạn' - Nơi hạnh phúc được hồi sinh
Những em bé không may mắn khi chào đời đã mang khuyết tật bẩm sinh – khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục, các em có thể chưa hiểu được nỗi đau này, nhưng những bậc làm cha, làm mẹ thì quặn lòng biết bao nhiêu. Vừa sinh con được 3 ngày, chị Nguyễn Thị Hạnh, ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vội vã cùng mẹ chồng đưa con gái lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám.
Nước mắt ướt đầm trên khuôn mặt người mẹ trẻ, chị Hạnh kể: Đây là con đầu lòng của vợ chồng chị. Khi con được 2 ngày tuổi, bà nội phát hiện cháu đi ngoài qua đường sinh dục. Bế con đi gặp bác sĩ, vợ chồng chị bàng hoàng khi được thông báo, con mình không có hậu môn, tiểu tiện và đại tiện chung một đường sinh dục. Nhìn con gái đỏ hỏn, gào khóc trong vòng tay người mẹ trẻ, chúng tôi cũng không cầm được nước mắt.
Chị Hạnh kể, khi thai nhi được 3 tháng, chị bị ngộ độc thực phẩm và phải vào viện cấp cứu. Có lẽ đây là nguyên nhân để lại di chứng cho con gái.
Chuyển từ Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) lên, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi cho biết, sẽ tạo hậu môn giả ra ngoài cho con, một năm sau thì mới phẫu thuật về đúng vị trí. Chị Hạnh cho biết, con sẽ phải trải qua nhiều lần phẫu thuật, gia đình chị lại khó khăn nên khi biết chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” đã đăng ký cho con được tham gia.
Một ca phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho bệnh nhi. |
Con gái chị Hạnh còn là trường hợp khá may mắn vì đến viện sớm, trong khi ấy trên cả nước còn biết bao trẻ em bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục âm thầm lớn lên, âm thầm chịu đựng.
Anh Nguyễn Văn Du, ở Thanh Hóa dẫn cậu con trai 8 tuổi đến Bệnh viện Nhi TƯ chờ được phẫu thuật trong chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” chia sẻ: “Khi con chào đời, vợ chồng tôi đã bị sốc khi thấy con không có bộ phận sinh dục, không hậu môn, bàng quang lộ ra ngoài. Nhìn con tiểu tiện và đại tiện chung một đường, thoát ra cùng một lỗ trên thành bụng mà chúng tôi đau đớn khôn cùng”. Giọng anh Du nghẹn lại.
Có lẽ suốt 8 năm qua, chặng đường tìm kiếm sự lành lặn cho con đối với người đàn ông này quá gian nan nên mỗi khi kể chuyện, anh lại không cầm được nước mắt. Anh kể, vừa tiếp nhận cháu, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng II (TP Hồ Chí Minh) đã lắc đầu vì tỷ lệ thành công tách hai đường tiểu tiện và đại tiện là vô cùng thấp.
Năm 2007, con anh Du đã được phẫu thuật bằng cách tạo một hậu môn giả trên thành bụng bên hông trái và đưa bàng quang vào trong ổ bụng nhưng không thành công. Hai năm sau, cháu tiếp tục phẫu thuật để đưa hậu môn về đúng vị trí nhưng việc đi đại tiện và tiểu tiện lại không tự chủ được, thường xuyên bị viêm nhiễm dẫn đến sốt.
Bé Nguyễn Thanh Sơn (con trai anh Du) đã trở thành “hiện tượng” ở xóm nghèo và đó là nỗi đau lớn nhất khi bé lên 8 tuổi mà không thể đến trường. Không có người chăm sóc con, vợ anh đành phải nghỉ việc, mọi lo toan chỉ trông chờ vào tiền công phu hồ của anh.
Như một cơ duyên trời định, trong lúc bĩ cực nhất, anh tình cờ biết đến chương trình hỗ trợ tái tạo bộ phận sinh dục miễn phí “Thiện Nhân và những người bạn” rồi liều đăng ký.
Rất may mắn, ba năm liên tiếp, con trai anh được phẫu thuật 3 lần để khép khớp mu, khép bàng quang, tạo niệu đạo, dẫn lưu bàng quang, sức khỏe của Sơn hiện khá ổn. Giờ em có thể đi lại, nô đùa với chúng bạn dù em còn phải trải qua vài lần phẫu thuật nữa, nhưng đó là niềm may mắn tuyệt vời nhất mà những bác sĩ, nhà từ thiện đã dành tặng cho cậu bé.
Ra đời 4 năm, chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” đã làm hồi sinh cho 120 cuộc đời là những em bé không may bị khiếm khuyết bộ phận cơ thể. Cậu bé Thiện Nhân chính là người làm nên nguồn cảm hứng của chương trình thiện nguyện này.
Từ ngày Thiện Nhân được tái tạo lại bộ phận sinh dục thành công, nhiều bậc phụ huynh có con bị khiếm khuyết đã tìm đến chị Trần Mai Anh (mẹ nuôi của Thiện Nhân) để tìm hiểu thông tin, sự trợ giúp. Từ những đồng cảm và lòng yêu thương những đứa trẻ có hoàn cảnh không may, chị Trần Mai Anh và các cộng sự đã sáng lập ra chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”.
Suốt 4 năm qua, GS Robeto Decastro – bác sĩ đầu ngành về mổ tái tạo bộ phận sinh dục của Italia dẫn đầu đoàn chuyên gia sang Việt Nam phối hợp với các Bệnh viện Nhi TƯ, Bệnh viện Sản – Nhi Đà Nẵng khám và tiến hành phẫu thuật cho những bệnh nhi bị dị tật nặng. GS Robeto Decastro rất vui vì mục đích thiện nguyện của chương trình, ông cho biết, hầu hết các gia đình có con được ông thăm khám đều khó khăn nên việc làm này càng có ý nghĩa.
Giúp các em được hồi sinh, được có cuộc sống bình thường, hòa nhập với cộng đồng là điều mong mỏi lớn nhất của những người làm chương trình. Mặc dù chi phí cho một ca phẫu thuật tốn kém khoảng 2.500USD, nhưng các bé đều được miễn phí, từ thiện. Nhưng để chương trình tiếp tục làm được những việc làm cao cả và ý nghĩa như trên thiết nghĩ rất cần sự giúp đỡ và đồng hành của những người có tấm lòng nhân ái, của những doanh nghiệp trong và ngoài nước.