Thí điểm làm sạch sông Tô Lịch: Dự án nào sẽ thật sự mang lại hiệu quả?

Thứ Bảy, 08/06/2019, 09:50
Sau hơn 20 ngày thực hiện thí điểm đặt công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản dưới lòng sông Tô Lịch, đồng thời cùng dự án thí điểm công nghệ châu Âu, nhiều người dân sống dọc hai bên bờ sông đoạn Hoàng Quốc Việt đều có chung nhận định: Nước có vẻ bớt đục hơn, đặc biệt mùi hôi đã không còn “đậm đặc” như trước.

Tuy nhiên, không ít người tỏ ra lo ngại vì cùng lúc có tới 2-3 đơn vị thí điểm, sẽ khó biết đâu là Dự án mang lại kết quả thực sự.

Nước sông được cải thiện bước đầu

Có mặt tại đoạn sông Tô Lịch đầu đường Hoàng Quốc Việt vào ngày 6-6, phóng viên Báo CAND nhận thấy, các máy lọc của Nhật với công nghệ nano vẫn đang hoạt động tích cực dưới lòng sông. 

Dọc đoạn sông thí điểm dài chừng 300m, có tổng cộng 4 chiếc máy công nghệ Nano Bioreactor thay nhau lọc liên tục trong suốt 24h. Một lớp lưới bọc bên ngoài để rác, bùn không bị hút vào, ảnh hưởng đến máy chạy. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy nước mặt sông Tô Lịch đoạn thí điểm có phần trong hơn, song vẫn có mầu đen. 

Cùng ngày chuyên gia môi trường Nhật Bản tiến hành lấy mẫu bùn, nước dưới sông Tô Lịch để đánh giá và công bố kết quả độ dày bùn sau 2 tuần ứng dụng công nghệ Nano – Bioreactor. 

Cụ thể, bùn được các chuyên gia đo tại 3 điểm là B, C, D. Điểm B cách cầu Hoàng Quốc Việt 50m; điểm C cách cầu Hoàng Quốc Việt 110m; điểm D cách cầu Hoàng Quốc Việt 210m. Độ dày bùn tại điểm B trước khi lắp đặt công nghệNano – Bioreactor là 91,3cm và sau 2 tuần ứng dụng công nghệ là 72cm; điểm C trước khi lắp đặt là 96,7cm và sau 2 tuần là 76cm; điểm D trước khi lắp đặt là 87,7cm và sau 2 tuần là 79cm. 

Khu vực thí điểm đặt công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản trên sông Tô Lịch.

Tiến sĩ Kubo Jun (Cố vấn Tổ chức xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản) cho hay: “Kết quả đo độ dày bùn dưới sông Tô Lịch sau 2 tuần ứng dụng công nghệ Nano – Bioreactor, nằm trong tính toán của chúng tôi. Qua kết quả, có thể thấy chuyển biến tích cực mà công nghệ đem lại cho dòng sông”.

Cũng trong ngày 6-6, Tiến sĩ Kubo Jun đã lấy mẫu bùn dưới sông Tô Lịch tại 2 điểm là khu vực chưa lắp đặt và đang ứng dụng công nghệ Nano – Bioreactor để so sánh, đánh giá. Tiến sĩ Kubo Jun cho biết: “Qua mắt thường có thể thấy, bùn lấy ở đáy sông, tại khu vực ứng dụng công nghệ Nano – Bioreactor đang phân hủy, nước trong hơn so với khu vực chưa ứng dụng công nghệ. 

Theo tính toán của chúng tôi, sau 2 tháng ứng dụng công nghệ, bùn sẽ tan, người dân có thể nhìn thấy cát đen dưới đáy sông”. Theo Tiến sĩ Kubo Jun, qua cảm quan có thể thấy, tại khu vực lắp đặt công nghệ Nano - Bioreactor đã không còn mùi hôi, thối.

Khó biết nước sông sạch do công nghệ nào

Đa phần người dân khu vực Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đình Hoàn hay một vài tuyến phố quanh khu vực các đoạn sông được thí điểm khi được hỏi về sự cải thiện của nước sông Tô Lịch đều cho rằng, bắt đầu có chuyển biến tích cực. 

Là người dân sống ven sông, chị Thu Hà (55 tuổi, đường Nguyễn Đình Hoàn-Cầu Giấy) chia sẻ: Lâu lắm rồi mới thấy sông Tô Lịch sạch sẽ như vậy. Buổi sáng đi tập thể dục qua đây, thấy nước sông chuyển màu rõ rệt, không đen xì như ngày trước. Mùi hôi thối cũng không còn kinh khủng nữa. 

Cũng theo chị Hà, người dân ở đây rất phấn khởi và hy vọng các dự án làm sạch sông Tô Lịch sẽ được nhân rộng ra cả con sông để cuộc sống người dân đỡ khổ. 

Đồng quan điểm với chị Hà, anh Đức-một người lái xe ôm hay đứng ở đầu đường Hoàng Quốc Việt cho biết thêm: Tính đến nay tôi đã đứng ở góc phố này đã được 4 năm. Những năm trước, sau mỗi ngày nắng mà có trận mưa rào thì mùi hôi từ dòng sông bốc lên thật kinh khủng. Nhưng vì đoạn này nhiều cây, nên chúng tôi vẫn cố đứng chờ khách. Vậy mà gần đây, thật sự thấy vui khi không còn thấy mùi “đặc trưng” của đoạn sông này. Nước sông thấy cũng có vẻ trong hơn”.

Trên thực tế, sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Sông Tô Lịch cùng với sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét đã tạo nên hệ thống tiêu thoát nước chính của Thủ đô. Nhiều năm qua, không ít các tuyến sông này rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. 

Gần đây, ngoài việc triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản, Hà Nội cũng đang thử nghiệm làm sạch sông này bằng công nghệ châu Âu và các công nghệ tiên tiến khác. Phương án nào vượt trội sẽ được thành phố chọn để triển khai rộng rãi.

Theo dõi nhiều buổi thử nghiệm, ông Nguyễn Đức Minh (trú tại phố Nguyễn Đình Hoàn) tỏ ra vui vẻ khi thấy UBND TP Hà Nội đã nỗ lực làm sạch nước sông Tô Lịch, giúp bà con sinh sống quanh đây có môi trường sống tốt hơn. 

Ông chia sẻ, nhiều năm qua, nước sông ô nhiễm nặng nề, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh sự hào hứng của người dân, nhiều chuyên gia về môi trường lo ngại trước việc cùng một lúc áp dụng 2-3 Dự án thí điểm làm sạch nước sông với các công nghệ khác nhau trên cùng một tuyến sông, liệu có mang lại kết quả khách quan? Sau này việc lựa chọn một công nghệ đưa vào thực hiện liệu có mang lại hiệu quả tích cực thật sự?

Ngày 6-6, phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE), cựu Lưu học sinh học bổng toàn phần Monbukagakusho (MEXT) Chính phủ Nhật Bản, người có 15 năm sống và làm việc tại Nhật Bản - người vận động, cũng là người đã đưa công nghệ Nano Bioreactor về Việt Nam để giúp làm sống lại sông Tô Lịch.

PV: Qua một thời gian dự án được triển khai, nhiều chuyên gia cho rằng thiếu tính khả thi. Cũng ý kiến cho rằng, áp dụng làm sạch bằng công nghệ Nano - Bioreactor, thì sông Tô Lịch giống như "người bệnh" phải bơm oxy liên tục, nếu ngừng bơm là chết và tái ô nhiễm. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Chuyên gia Nhật Bản cho rằng ai đưa ra ý kiến này là chưa hiểu đúng về công nghệ Nano - Bioreactor. Công nghệ này đang triển khai thí điểm tại đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây nó giống như một "nhà máy xử lý nước thải" đặt dưới lòng sông, hồ. Mà đã là nhà máy xử lý nước thải thì phải dùng điện. Chúng tôi phải cung cấp điện cho máy sục khí công nghệ Nano, sau này, khi dòng sông được làm sạch và ổn định rồi thì máy này chỉ chạy 15 phút lại nghỉ 45 phút, tức là chỉ chạy 6 tiếng/ngày. 

Các tấm Bioreactor hoàn toàn không sử dụng điện được làm chủ yếu từ đá núi lửa Nhật Bản với bí quyết công nghệ đặc biệt là bột đá và không tan trong nước, tồn tại gần như vĩnh viễn. Tấm Bioreactor kích hoạt các vi sinh vật có lợi phát triển để phân hủy, phân giải các vi sinh vật có hại để tạo ra hệ thống là tăng khả năng tự làm sạch của dòng sông. 

Còn các nhà máy xử lý nước thải tập trung thì phải dùng điện 24/24h. Công nghệ Nano-Bioreactor của chúng tôi có 2 nguồn tạo ra oxy: Thứ nhất là hệ thống máy Nano kích hoạt các vi sinh vật hiếu khí, tạo ra trực tiếp oxy và tăng nhanh nồng độ oxy hoà tan (DO) vào nước; Các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor sau khi được đặt dưới lòng sông sẽ kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật kỵ khí, các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme làm điện li phân tử nước H-O-H, giải phóng oxy từ trong phân tử nước, cung cấp nguồn oxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh. 

Do vậy, trong 1 tiếng, ngay cả khi máy nano chỉ chạy 15 phút, nghỉ 45 phút thì hệ thống Bioreactor vẫn tạo ra oxy nên hệ thống sông vẫn có khả năng tự làm sạch và cá sẽ không bị ảnh hưởng bởi hàm lượng DO vẫn được duy trì.

PV: Hiện dọc sông Tô Lịch có gần 300 cống thải lớn nhỏ. Vậy việc thí điểm một đoạn sông 300m liệu có mang lại kết quả chính xác? Có ý kiến cho rằng, muốn công nghệ khả thi, trước mắt phải bịt những cống hiện đang chảy ra sông Tô Lịch, ông nghĩ như thế nào về đề xuất này?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Theo ý kiến chuyên gia Nhật Bản, dọc sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ, hàng ngày có khoảng 150.000m

3 nước thải sinh hoạt qua các cống đổ trực tiếp xuống dòng sông. Nhưng với công nghệ đặt trực tiếp dưới lòng sông Tô Lịch, chúng tôi khẳng định vẫn có thể làm sạch được mà nước thải vẫn có thể đổ trực tiếp ra được.

Với công nghệ này chúng tôi có thể xử lý được hơn 1,3 triệu m3/ngày đêm, tức là gấp 9 lần lượng nước chảy vào, tốc độ xử lý là nhanh bằng 6 lần tốc độ âm thanh, nên lượng nước chảy vào sẽ được xử lý ngay trong ngày và sẽ không còn ô nhiễm. Công nghệ này được ví như “nhà máy xử lí nước thải” ngay dưới dòng sông.

Vừa qua, có ý kiến cho rằng, xử lý căn cốt vẫn là xử lý tại nguồn xả thải vào lòng sông còn giải pháp khác chỉ là giải pháp tạm thời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nhật, nếu Hà Nội chúng ta ngay ngày mai tách được nước thải không cho chảy từ gần 300 cửa xả vào sông Tô Lịch, thì ngay sáng ngày kia, chúng ta ra sông Tô Lịch thì vẫn còn tồn tại hiện hữu 3 vấn đề: là mùi hôi thối sông Tô Lịch không thể tự nhiên mà mất đi được; Lớp bùn tầng đáy không tự nhiên được phân hủy mà vẫn phải nạo vét cơ học; Chất lượng nước ô nhiễm với các chỉ số rất cao, đặc biệt vi khuẩn đại tràng E.coli, coliform… vượt quy chuẩn cho phép rất nhiều.

Việc đó xử lý triệt để được không chỉ từ nguồn ô nhiễm nước thải chảy vào, mà còn xử lý được tận gốc nguyên nhân gây ra mùi hôi và ô nhiễm là phân hủy hoàn toàn lớp bùn đáy tích tụ mà không cần phải dùng các biện pháp nạo nét cơ học.

Việc dùng công nghệ Nano-Bioreactor là một cuộc cách mạng về xử lý nước ô nhiễm sông hồ hiện nay, giúp cho chúng ta thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách làm cũ để thực hiện theo công nghệ hiện đại nhất hiện nay, vừa đơn giản, dễ áp dụng, lại tiết kiệm được ngân sách nhà nước.


Phạm Huyền
.
.
.