Tết đoàn viên của những người mẹ, người vợ trong trại giam

Thứ Năm, 02/02/2017, 10:05
Họ - những người từng lầm lỡ, phải sống trong trại giam. Xa gia đình, xa những người thân yêu của mình, chắc chắn ai cũng buồn khổ nhưng đối với họ, gia đình bặt tăm không tin tức, không người thăm nuôi thì nỗi khổ tâm tăng gấp bội phần.

Để họ vơi bớt nỗi niềm, yên tâm cải tạo, cán bộ chiến sĩ Trại giam Ninh Khánh đã tổ chức chương trình “Tết đoàn viên” tặng quà cho những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, những người ốm đau, có con nhỏ và những người không gia đình thăm nuôi. 

Nhận quà từ tay cán bộ, không ít phạm nhân rưng rưng bởi họ vẫn cảm nhận được hơi ấm của cuộc đời, để có động lực tiếp tục vươn lên. Được biết, chương trình tặng quà cho phạm nhân là thông lệ của Trại giam Ninh Khánh để động viên phạm nhân, giúp họ cải tạo tốt hơn.

Nói không rõ tiếng Kinh, vẫn còn phải nhờ cán bộ quản giáo dịch lại những câu khó nhưng Quàng Thị Tươi (32 tuổi, dân tộc Thái, trú ở xã Chiềng Sơ, Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) rất hồ hởi khi nói lời cảm ơn Hội đồng giáo dục, Ban Giám thị Trại giam Ninh Khánh đã giúp chị vơi bớt những buồn lo khi Tết đến, Xuân về. 

Tươi phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý với mức án 14 năm tù. Lúc chị bị bắt, đứa con gái thứ 2 mới hơn 1 tuổi đang còn bú cứ khóc ngằn ngặt trên tay mẹ. Theo luật thì chị được tạm hoãn thi hành án cho đến khi con 36 tháng tuổi nhưng chồng động viên “đằng nào cũng phải trả án, em cứ đi đi, ở nhà có anh lo”. Thế là, Tươi đành nuốt nước mắt để 2 đứa con lại cho chồng và bố mẹ đẻ chăm sóc rồi tự nguyện đi thi hành án. Từ bản Tươi ở đến quốc lộ hơn 80km đường rừng, trong đó nhiều đoạn phải đi bộ. 

Cán bộ, chiến sĩ Trại giam Ninh Khánh tặng quà phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Chính vì vây, từ năm 2012 đến nay, gia đình Tươi mới 1 lần đến thăm. Tươi bảo “khó khăn lắm chị ạ, làm gì có tiền mà thăm nuôi. 7 năm rồi em không nhìn thấy con. Thi thoảng Trại cho gọi điện miễn phí về thì em gọi thôi, cũng chả biết chữ mà viết thư nữa”. Tôi ngạc nhiên: “Chị được cán bộ dạy xoá mù rồi mà”. Tươi cười gượng: “Cũng biết viết nhưng thư dài lắm viết không xuể ạ. Với lại viết về nhà có ai biết chữ đâu mà đọc”.

Nhắc đến con, Tươi cúi mặt, gương mặt khá đẹp của cô gái vùng cao. Tươi bảo: “Nhà em chả ai dính đến ma tuý, thế mà em lại “dây” vào, hối hận thì đã muộn rồi chị ạ. Em đi làm thuê trên bản người Mông, có người hỏi mang ma tuý về bán không, em thấy lợi liền đồng ý và bị bắt. Giờ em thế này, gia đình khó khăn, hai đứa con nhỏ dại không biết dựa vào đâu. Nhiều lúc em buồn quá, thậm chí muốn trốn về nhà xem con thế nào, nhưng các cán bộ động viên, nói rõ rằng trốn cũng không được, chỉ có cách cải tạo tốt mới nhanh được về với con nên em hiểu ra rồi. Bây giờ, lúc nào em cũng làm đủ khoán, chấp hành nghiêm nội quy, chỉ mong sớm về với con thôi”.

Đôi mắt người đàn bà ấy rơm rớm khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình mình. Năm nay Vì Thị Anh ở tuổi 37 nhưng trông gương mặt khắc khổ, già hơn tuổi. Gia đình Vì Thị Anh ở một bản vùng xa của huyện Mường La, tỉnh Sơn La, ở đó mọi người chỉ có nghề trồng ngô, cấy lúa. Nhà có 8 chị em, kinh tế khó khăn nên phần học, để biết cái chữ nhường cho 2 anh con trai đầu, từ Vì Thị Anh đến những đứa em sau không được đến trường học cái chữ.

Lấy chồng, vẫn nghèo, nghe theo chúng bạn, chồng của Vì Thị Anh đi buôn ma túy. Năm 2011, chồng Anh bị bắt, sau đó chuyển về thụ án ở Trại giam Ninh Khánh. Một năm sau, theo bước xe đổ của chồng, Vì Thị Anh bị bắt về tội mua bán trái phép chất ma túy, bị kết án 8 năm tù giam. 

Cho đến bây giờ, Anh vẫn không thể quên được hình ảnh hoảng hốt của 2 đứa con khi cơ quan Công an đến bắt Anh và khám nhà. Khi Anh bị dẫn giải thì bọn trẻ không ghìm nén được, chúng òa khóc chạy theo chân mẹ bíu chặt lấy “Mẹ ơi, mẹ đừng đi!”. Nước mắt Anh nhòa ướt, nỗi ân hận giày vò người mẹ phạm tội….

Năm đầu tiên ăn Tết trong Trại giam Ninh Khánh, Vì Thị Anh nằm khóc suốt vì nhớ con. Mọi năm, cứ Tết đến, dù nghèo, mấy mẹ con vẫn cố gắng có bộ quần áo mới để xúng xính đi chơi Tết. Mọi người đến nhà nhau chúc Tết, uống rượu say ngất ngư mới trở về. 

Đến mùng 3 Tết năm ấy, biết hoàn cảnh của vợ chồng Anh cùng thụ án cùng trại, Ban Giám thị Trại giam Ninh Khánh đã cho 2 vợ chồng gặp nhau. Mừng mừng, tủi tủi với nhau được vài câu chuyện, nhưng nhắc đến con thì hai vợ chồng lại khóc.

Tết năm sau, Vì Thị Anh không còn được gặp chồng nữa vì chồng cô đã chết do bệnh trong trại giam. Và trong suốt gần 5 năm thụ án ở Trại giam Ninh Khánh, Vì Thị Anh không được người nhà đến thăm. Cô cũng không biết cách liên lạc với gia đình vì nhà ở vùng sâu, vùng xa, lại không có điện thoại. 

“Em cũng không hình dung được giờ 2 đứa con thế nào? Cũng chỉ nhớ được hình ảnh chúng nó lúc bé, chạy theo mẹ khi bị bắt thôi”- Vì Thị Anh xót xa.

Biết hoàn cảnh của Anh, các cán bộ quản giáo, đặc biệt là nữ quản giáo Đặng Thị Ánh đã quan tâm, gần gũi, động viên để Anh nguôi đi nỗi buồn xa gia đình, tập trung cải tạo thật tốt để được giảm án, sớm ra trại. Vì Thị Anh khoe cũng đã được 2 lần giảm án.

Hôm nay, khi Trại giam Ninh Khánh tổ chức chương trình “Tết đoàn viên”, cô được nhận 2 gói quà Tết của Ban Giám thị dành cho người có hoàn cảnh khó khăn, không có người thăm nuôi. Nếu không có gì thay đổi, Tết sau, Vì Thị Anh sẽ được ra trại và trở về đoàn tụ với gia đình đón Tết.

“Khi được trở về, điều đầu tiên là em sẽ nấu cho các con một bữa cơm thật ngon. Em chỉ ngồi nhìn các con ăn thôi, để cảm nhận hạnh phúc của người mẹ được tự tay chăm sóc các con sau những lỗi lầm mình gây ra”, chị chia sẻ. 

Chúng tôi cũng mong thật nhanh đến ngày đó cho Anh, bởi chúng tôi biết, cô đã quá ân hận và thấm cái giá mình phải trả. Tết này, cô được đón “Tết đoàn viên” của Trại giam Ninh Khánh tổ chức và năm sau, mong rằng cô sẽ được hưởng trọn vẹn “Tết đoàn viên” với chính gia đình mình, với những đứa con mình yêu thương.

Thu Hoà - Phương Thuỷ
.
.
.