Quảng Nam tập trung phòng, chống bệnh dại ở động vật
Toàn tỉnh Quảng Nam có gần 1.600 người đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để điều trị dự phòng bệnh dại, trong đó có 313 trường hợp chó sau khi cắn người có biểu hiện lên cơn dại hoặc chạy mất tích sau khi cắn người.
Trước tình hình bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại; không để phát sinh người tử vong vì bệnh dại.
Bà Doãn Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (KTNN) huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, trong tháng 5/2021, địa phương này ghi nhận 4 trường hợp do chó cắn, trong đó có 3 trường hợp trong 1 gia đình tại thị trấn Thạnh Mỹ, trường hợp còn lại tại xã Đắc Pre.
Ngay sau khi ghi nhận các trường hợp bị chó cắn, Trung tâm KTNN huyện Nam Giang đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa thể thao - phát thanh truyền hình tổ chức tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh tại các xã, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh dại; phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại trên cá thể chó tại thị trấn Thạnh Mỹ; đề nghị các trường hợp bị chó cắn đi tiêm vaccine phòng dại.
Cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại trên cá thể chó tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. |
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, từ tháng 1-2/2021, tại xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức đã xảy ra chó mắc bệnh dại lâm sàng lên cơn cắn gà, cắn chó của các hộ dân trong khu vực và cắn một số người. Trong tháng 5/2021, qua giám sát đã phát hiện 1 con chó tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, 2 con bò tại xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức mắc bệnh dại.
Tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi đến hết tháng 5/2021 đạt rất thấp (toàn tỉnh Quảng Nam tiêm được 1.283 con/tổng đàn 224.375 con).
Thống kê tiêm vaccine phòng bệnh dại của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam, trong 4 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có gần 1.600 người đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để điều trị dự phòng bệnh dại, trong đó có 313 trường hợp chó sau khi cắn người có biểu hiện lên cơn dại hoặc chạy mất tích sau khi cắn người.
Cơ quan chức năng nhận định, hiện nay, virus dại đã, đang lưu hành trên đàn vật nuôi ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đặc biệt lưu hành trên cả bò nuôi thịt; trên đàn bò chưa có quy định tiêm vaccine phòng bệnh dại, bò đã tiếp xúc với bò mắc bệnh dại không được quản lý kiểm soát chặt chẽ...Do đó, nếu các địa phương, các ngành liên quan, đoàn thể nhân dân các cấp không khẩn trương vào cuộc ngăn chặn, bệnh dại ở động vật có nguy cơ tiếp tục phát sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng con người trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu đối với các địa phương có ổ dịch dại động vật phải khẩn trương công bố dịch theo quy định của pháp luật Thú y, tập trung mọi lực lượng, áp dụng đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch để khống chế ổ dịch.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng bệnh dại động vật đảm bảo đúng thời gian, đạt tỷ lệ theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam và Sở NN&PTNT; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung để đảm bảo miễn dịch quần thể đàn chó, mèo nuôi.
Yêu cầu hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó, mèo nuôi, tiêm vaccine dại cho chó, mèo nuôi, chấp hành xích, nhốt chó và đeo rọ mõm khi dắt chó ra đường. Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp không chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Bên cạnh đó, các địa phương phải tích cực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân được biết, khi phát hiện (hoặc nhận được thông tin) về các trường hợp người bị chó/ động vật khác vô cớ cắn người, cắn động vật khác hoặc phát hiện động vật nghi mắc bệnh dại thì báo ngay cho cơ quan y tế hoặc đơn vị chuyên môn thú y gần nhất để phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y cấp trên; đồng thời vận động, hướng dẫn người bị chó, mèo cắn, cào... đến ngay cơ sở y tế để được xử lý vết thương, điều trị dự phòng theo quy định.