Sôi động thị trường vàng mã cúng ông Công, ông Táo

Thứ Hai, 09/02/2015, 09:10
Theo khảo sát của chúng tôi, giá 3 bộ mã (2 bộ đàn ông tượng trưng cho 2 ông Táo, một bộ đàn bà tượng trưng cho bà Táo) ở thời điểm này từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn, không tăng so với năm ngoái.

Lễ đưa tiễn Táo Quân lên chầu trời với phong tục phóng sinh cá chép là một nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam được lưu truyền trong dân gian nhiều đời.

Ngoài phóng sinh cá chép, Tết ông Công, ông Táo người ta còn mua vàng mã để đốt.

Tùy vào nhu cầu của người dân, những nhà sản xuất vàng mã đã cho ra đời đủ các kích cỡ, chủng loại phong phú.

Theo khảo sát của chúng tôi, giá 3 bộ mã ở thời điểm này từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn, không tăng so với năm ngoái.

Ngày 8/2, phố Hàng Mã (Hà Nội) tấp nập người mua kẻ bán. Đồ cúng ông Công, ông Táo ở đây rất phong phú, khách muốn mua hàng bình dân hay cao cấp đều có.

Ba bộ mã (2 bộ đàn ông tượng trưng cho 2 ông Táo, một bộ đàn bà tượng trưng cho bà Táo) loại rẻ nhất là 60.000đ/bộ, loại đắt lên tới gần 300.000đ/bộ.

Ghé vào một cửa hàng khá lớn ở phố này, chúng tôi được người bán hàng giới thiệu nếu mua bộ đại họ sẽ bớt cho 20 nghìn đồng, còn 260.000đ/bộ.

Theo lời giới thiệu thì bộ đại này được làm bằng giấy đẹp, chất lượng, mẫu mã hơn hẳn hàng chợ.

Quả thật, so với hàng mã gánh rong, đồ cúng ông Công, ông Táo ở đây đẹp và chất lượng hơn hẳn.

"Khách nhiều người mua bộ đại lắm, về bày lên cúng trông đẹp"- chị bán hàng xởi lởi. Theo chị này thì giá đồ mã năm nay vẫn như năm ngoái, không tăng. Tuy thế, lượng tiêu thụ cũng chỉ bằng năm ngoái.

Chúng tôi tới một cơ sở sản xuất hàng mã tại ngõ 324 Thụy Khuê, Hà Nội và được biết, trung bình mỗi năm cơ sở này sản xuất và tiêu thụ khoảng 1.000 bộ đồ mã cúng ông Công, ông Táo.

Năm nay số lượng không tăng hơn, đặc biệt là giá vẫn bằng năm ngoái mặc dù giá giấy tăng, nhân công tăng.

"Nếu mình tăng giá nữa thì tiêu thụ lại chậm. Lấy công làm lãi cô ạ"- chủ cơ sở nói. Trung bình đồ cúng ông Công, ông Táo ở đây có giá từ 35.000đ – 60.000đ/bộ.

Những ngày này, trên đường phố ta bắt gặp nhiều gánh hàng mã rong chào bán đến từng ngõ ngách.

Chị Hương, vốn thường ngày bán rau ở chợ Làng Hồ, phường Bưởi, quận Tây Hồ thì mấy hôm nay chuyển sang bán hàng mã. Bộ mã cúng ông Công, ông Táo loại nhỏ chị bán 35.000đ, bộ to 45.000đ.

Chị bảo, đây là giá bình dân nên hầu như không mấy người mặc cả. So với đồ mã ở phố Hàng Mã thì giá hàng rong rẻ hơn nhiều, vì thế mà mỗi ngày chị Hương bán được tới 40 – 50 bộ. 

Với mong muốn Thần bếp sẽ "phù hộ" cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm vào ngày 23 tháng Chạp, người ta thường làm lễ tiễn đưa Táo Quân chầu trời một cách long trọng.

Mâm cỗ cúng ông Táo gồm 3 bộ mã và nó đã trở thành phong tục của nhiều gia đình vào ngày này.

Thị trường vàng mã đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, ngày càng sản xuất ra những bộ mã đẹp hơn trước.

Vào ngày 23 tháng Chạp, ước tính có khoảng hàng nghìn tấn vàng mã được hóa thành tro bụi.

Theo ông Trương Công Đức, Trưởng Ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ thì tục cúng ông Công, ông Táo là một tín ngưỡng có từ lâu đời.

Ở Phủ Tây Hồ từ lâu đã cấm đốt mã tại Phủ. Việc tuyên truyền cũng như quản lý, kiểm tra của Phủ diễn ra thường xuyên, liên tục nên không có ai đem mã đến đây cúng, đốt.

Vẫn biết là phong tục nhưng vào những ngày này tiền đốt vàng mã lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhiều người cho rằng đây là một sự lãng phí lớn.

Ngoài đốt mã, người dân còn đưa tiễn Táo Quân lên chầu trời bằng tục phóng sinh cá chép.

Năm nay, giá cá chép mua buôn đắt hơn năm ngoái nên người bán lẻ lo ngại việc tiêu thụ sẽ chậm.

Chị Liên, bán cá tại chợ Bưởi cho biết, năm nào đến ngày 23 tháng Chạp chị cũng đi buôn cá chép. Năm nay chị dự kiến không dám nhập nhiều vì giá cá chép mua vào tăng gần gấp đôi năm ngoái.

Anh Minh
.
.
.