Sinh viên nước ngoài ăn Tết Việt: Bữa tiệc giao thoa
Thời khắc cuối năm dễ khiến lòng ta rung động. Một chút sương bảng lảng, mùi khói bếp củi nhà ai đó luộc bánh chưng bay lan tỏa khơi gợi một cảm giác sum vầy khi Tết đã cận kề. Và tôi đã hít sâu cái “không khí rất đặc trưng của Tết” khi bước vào khuôn viên của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, chỉ ít giờ nữa thôi, nơi đây sẽ có “bữa tiệc giao thoa của các nền văn hóa”, tức là các sinh viên nước ngoài sẽ đón Tết Việt.
Từ sáng sớm, các du học sinh đã lục tục chuẩn bị thực phẩm, bếp, đồ dùng và trang phục truyền thống để đem đến Ngày hội văn hóa quốc tế đón chào năm mới. Ngày hội này không phải là lần đầu tiên Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tổ chức mà sao không khí vẫn rộn ràng, náo nức vậy?
Cô gái Aino Nanako đến từ Nhật Bản có vóc dáng mảnh dẻ và khuôn mặt thanh tú rất hào hứng khoe với chúng tôi, Aino Nanako là một thành viên trong nhóm tham gia một gian hàng ẩm thực để giới thiệu các món ăn truyền thống của Nhật Bản tới các vị khách tham dự. Hôm nay, trông cô càng nổi bật và duyên dáng trong trang phục kimono. Aino Nanako khéo léo chuẩn bị nguyên liệu để nấu món ăn truyền thống của Nhật Bản là susi, canh thịt Tonziru. Dường như cô đã thả hồn mình vào những món ăn cổ truyền của đất nước Mặt trời mọc, để chưng cất thành hương vị cho những món ăn đậm đà. Món canh Tonziru được cô nấu bằng thịt lợn, cải thảo, miso và đây chính là món ăn truyền thống của người Nhật thường được dùng vào dịp chào đón năm mới.
Các sinh viên Nhật Bản đang hào hứng giới thiệu món ăn cổ truyền của người Nhật trong dịp Tết cho sinh viên Việt Nam. |
Gian hàng của Aino rất đặc trưng và bản sắc nên được nhiều khách ghé thăm. Aino Nanako cho biết, cô mới sang Việt Nam theo học tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt được 3 tháng nhưng cô đã yêu đất nước và con người Việt Nam từ rất lâu rồi. Aino Nanako hào hứng kể, học tiếng Việt rất khó, nhưng khi bắt đầu học thì cô biết đến Việt Nam nhiều hơn và cảm thấy yêu mến đất nước này. Cô thích lịch sử hiện đại của Việt Nam, yêu tà áo dài của Việt Nam và ao ước được mặc nó trong một dịp lễ nào đó. Ở Nhật Bản, cô còn một em gái, bố mẹ đều làm trong ngành xây dựng, họ rất vui khi Aino Nanako được học tập ở một môi trường tốt và thân thiện tại Việt Nam.
Khi còn là sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Tokyo, Aino Nanako đã có 2 năm học tiếng Việt, đã tốt nghiệp hệ trung cấp tiếng Việt và hiện đang học hệ cao cấp. Cô bảo tôi: "Em cảm thấy rất vui khi được các bạn sinh viên Việt Nam và quốc tế khen món ăn truyền thống của Nhật Bản. Và đặc biệt là tình cảm nồng hậu ấm áp của các bạn sinh viên, của các thầy cô người Việt đã khiến em vợi bớt nỗi nhớ nhà".
Aino Nanako chia sẻ, năm nay, cô sẽ về Nam Định ăn Tết Âm lịch. Đó là nhà một người bạn Việt Nam mới quen của Aino Nanako khi cô bắt đầu sang đây học. Tuy năm nay cô không đón Tết ở quê hương nhưng gia đình cô đều cảm thấy yên tâm khi bên cạnh Aino Nanako có các bạn sinh viên Việt Nam yêu mến cô.
Tại gian hàng của các bạn sinh viên Trung Quốc, món ăn truyền thống nổi bật là sủi cảo, bánh màn thầu. Còn các bạn Mông Cổ lại là món trà sữa, thịt bò, Tsuivan salad, nước nho khô...
Trong trang phục áo truyền thống, Taran Alina, sinh viên đến từ nước Nga chia sẻ, các bạn mang đến gian hàng ba món nổi bật nhất của quê hương mình là salad Nga, oladya và dranniki. Cô gái có mái tóc vàng, nước da trắng như tuyết trong trang phục truyền thống của nước Nga nở nụ cười thật tươi mời khách mua hàng. Em cho biết, tuy đón Tết ở Việt Nam nhưng em thấy như đang ở quê nhà vì xung quanh em có rất nhiều bạn bè, ai cũng nhiệt tình, vui vẻ, đặc biệt là các thầy cô ở Khoa Tiếng Việt đã tạo sân chơi cho các sinh viên để họ được giao lưu, học hỏi các nền văn hóa của nhau.
Nhiều tuổi nhất có lẽ là sinh viên Michael đến từ Australia. Anh học Tiếng Việt đã được hơn 2 năm, hiện anh đang dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Anh chia sẻ với tôi, anh đã đi một số quốc gia nhưng chưa thấy ở đâu đón Tết rộn ràng như ở Việt Nam và anh cảm nhận, người Việt hạnh phúc nhất trong những dịp lễ, Tết. Đó là không khí đoàn viên sum vầy, con cái, cha mẹ cùng quây quần quanh mâm cỗ truyền thống. Và cả phong tục lì xì mà không phải quốc gia nào cũng có. Về món ăn của người Việt, Michael đặc biệt mê món bánh chưng và giò; và lần nào vào dịp Tết, các bạn sinh viên Việt Nam cũng lì xì cho anh bánh chưng và sôcôla. Anh còn kể, năm trước khi đất trời Thủ đô Hà Nội rộn ràng sắc đỏ hoa đào, gia đình anh đã thong dong vào làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) để ngắm đất trời, ngắm mùa xuân ở một làng quê truyền thống và anh đã cảm nhận rõ nét người Việt yêu Tết như thế nào…
Mỗi gian hàng ẩm thực của các sinh viên quốc tế là một nét đẹp văn hóa khác nhau, một trang phục lễ hội truyền thống là một sắc màu dân tộc, nhưng sự giao thoa, gắn kết hòa quyện mang đến cho lễ hội ẩm thực sự phong phú, đa dạng. Không chỉ có ẩm thực, Ngày hội văn hóa còn có cả một chương trình văn nghệ đặc sắc, hoành tráng với sự tham gia và đầu tư công phu của các bạn sinh viên nước ngoài.
Với khả năng tiếng Việt nhuần nhuyễn, Louise France đến từ nước Anh đọc thơ "Thuyền và biển" của thi sĩ Xuân Quỳnh với nhiều cung bậc cảm xúc, làm cho người nghe xao xuyến. Takako Okuyama sinh viên Nhật Bản lại độc tấu đàn nhị như một nghệ sỹ chuyên nghiệp. Còn người bạn đồng hương là Huruka Kano lại độc tấu đàn bầu và violon nhuần nhuyễn khiến khán giả vỗ tay không dứt. Các bạn sinh viên Nga quá điêu luyện trong làn điệu "Bèo dạt mây trôi" với áo tứ thân, nón quai thao đầy duyên dáng và tha thướt.
Các thầy cô giáo của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đến thăm và “chấm điểm” các gian hàng. |
Các bạn sinh viên Mông Cổ lột xác khi hóa thân thành những cô gái sặc sỡ trong điệu nhảy của quê hương mình. Tham dự còn có cả những "cựu" sinh viên nước ngoài và họ đã đóng góp các tiết mục văn nghệ thật đặc biệt. Thú vị nhất là phần thi "Tìm hiểu đất nước và con người Việt Nam" với những câu hỏi lí thú đã giúp các bạn sinh viên nước ngoài có thêm cơ hội được tìm hiểu về đất nước mà các bạn đang sống và học tập. Tiết mục được tất cả các bạn sinh viên hào hứng nhất là khi Ban tổ chức trao giải cho “Món ăn bán chạy nhất”, “Món ăn ngon nhất” và “Gian hàng đẹp nhất”…
PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt cho biết, Ngày hội văn hóa quốc tế buổi giao lưu đã để lại biết bao ý nghĩa và kỷ niệm tươi đẹp cho các du học sinh. Không chỉ có sinh viên ở Khoa Việt Nam học mà qua mạng xã hội, các bạn sinh viên ở nhiều trường ĐH khác cũng đến tham gia, tạo cơ hội để các bạn kết nối gần gũi với nhau hơn. Một Tết Việt thu nhỏ với sắc màu văn hóa đậm đà truyền thống đã trở thành nhịp cầu văn hóa và các bạn sinh viên nước ngoài sẽ là những sứ giả văn hóa mang nét đẹp của Tết Việt lan tỏa, đi xa hơn.