Sinh viên năm nhất vất vả khi tìm phòng trọ
Nắm bắt được nhu cầu của sinh viên, các chủ nhà trọ bắt đầu tăng giá phòng khiến cho cuộc tìm kiếm phòng ở lại càng thêm khó khăn. Đi cùng với đó xuất hiện tình trạng “cò mồi” để lừa đảo người thuê phòng trọ.
Giá phòng cao nhưng cũng không tìm được phòng trọ vừa ý
Sau khi có kết quả trúng tuyển của kì thi ĐH năm 2017, rất nhiều sinh viên từ nhiều vùng quê khác nhau đã về Hà Nội để tìm phòng trọ để chuẩn bị cho việc học tập trong thời gian dài tại đây.
Chỉ có một số ít sinh viên thuộc trong diện chính sách, hộ nghèo được vào khu kí túc xá của trường còn lại phần lớn tân sinh viên còn lại thì phải tự chủ động trong việc tìm chỗ ăn ở để phục vụ cho việc học tập.
Một dãy phòng trọ. |
Đóng vai là sinh viên năm nhất đi tìm phòng trọ, tôi đã tìm đến khu vực đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi tập trung khá nhiều trường ĐH, CĐ (ĐH Thương Mại, ĐH Sư Phạm Hà Nội, CĐ Múa Việt Nam) để hỏi thuê phòng.
Có rất nhiều tờ rơi quảng cáo cho thuê phòng trọ được dán ở nhiều nơi. Tôi đã thử gọi đến nhiều số điện thoại có trên tờ rơi nhưng đều nhận được câu trả lời là hết phòng.
Tiếp tục đi sâu vào các hẻm của con ngõ 199 đường Hồ Tùng Mậu, tôi tìm được một cửa hàng bán tạp hóa nhỏ có treo biển còn phòng cho thuê và được giới thiệu đến phòng trọ.
Căn phòng khép kín chỉ rộng khoảng 10m2 có giá 1,2 triệu đồngchưa bao gồm điện nước. Cô chủ nhà H còn nói rằng: “Cả khu trọ này đều được thuê từ 1 tháng trước đấy rồi. Tiền điện thì cô tính 4.000đ/số, tiền nước thì 30.000đ/m3”.
Cô còn nói thêm với tôi: “Giá điện nước thế này còn rẻ chán đấy, những chỗ khác thì phải 5000đ/số, tiền nước cũng phải 40.000đ/m3”.
Phòng trọ khép kín như thế này cũng chỉ rộng khoảng 10 đến 12m2. |
Nhìn quanh căn phòng với bức tường rạn nứt, có chỗ thì ẩm mốc, giấy dán tường lâu ngày cũng bong tróc hết cả ra, tôi ái ngại nhìn cô chủ nhà rồi lấy lí do sẽ bàn bạc thêm với bố mẹ rồi liên lạc lại sau. Trước khi ra về cô không quên “gửi gắm” thêm một câu: “Đi thuê trọ tầm này thì cũng chẳng còn phòng đâu, có phòng thì nên đến mà ở”.
Bạn Lê Thị Lan (CĐ Y Dược) cho biết: “ Đây là lần đầu tiên mình xuống Hà Nội để thuê trọ, cũng bỡ ngỡ lắm vì không biết tìm phòng trọ ở đâu. Kí túc xá của trường thì cũng kín phòng mất rồi, các chỗ gần trường khác thì giá cao quá. Cũng may, nhờ có cô giáo chủ nhiệm tìm phòng cho nên giờ mình đã có phòng để ở, nhưng nói thật giá ở đây cũng vẫn cao”.
Bạn Lan chia sẻ thêm: “Căn phòng mình đang ở có giá 1,2 triệu đồng/ tháng chưa kể tiền điện nước, nên mình phải rủ thêm một bạn đến ở cùng, chia đôi chi phí thì giá cũng “đỡ” hơn”.
Tính tất cả ra mỗi tháng tiền ở trọ cũng rơi vào khoảng 1,5 triệu, bạn Lê Thị Lan chia sẻ. |
Lê Minh Tú – tân sinh viên trường ĐH Việt Hưng cho biết: “Trong quá trình nhập học, mình đi tìm phòng trọ khá vất vả, phải mất hơn 10 ngày mới tìm được phòng ở cách trường 5km. Tiền nhà là 1,1 triệu đồng, tiền điện thì được tính 3.800đ/số, tiền nước 80.000đ/người. Mình nghĩ giá như vậy cũng khá “mềm” hơn so với những chỗ khác, nhưng đến lúc xem phòng thì hơi thất vọng một chút vì căn phòng trống không, mình phải tự sắm sửa hết từ giường, tủ đồ đến bếp gas rồi bát đũa,…”
Giá nhà cao, chủ nhà sẽ tính thêm tiền điện 4.000đ/số, tiền nước 30.000đ/m3. Chưa kể có những chủ nhà khó tính sẽ đưa ra thêm một số yêu cầu “khó nhằn” như tính thêm tiền nếu như có người quen đến ngủ lại với giá 200.000đ, muốn dùng thêm mạng thì đóng thêm 100.000đ/người.
Nhiều dãy nhà trọ cho thuê giá cũng dao động khoảng 1,1 đến 1,3 triệu đồng chưa tính tiền điện nước nhưng phòng vệ sinh lại dùng chung cả khu nên nhiều bạn sinh viên cũng cảm thấy bất tiện.
Muôn kiểu quảng cáo hấp dẫn của “cò mồi”
Hầu hết những sinh viên đi thuê nhà đều là lần đầu tiên đến Hà Nội nên tình trạng bị chủ nhà bắt nạt, nâng giá tiền nhà lên cao không hiếm. Tình trạng bị “cò” lừa, mất tiền oan cũng diễn ra thường xuyên.
Những tờ quảng cáo phòng trọ xuất hiện ở nhiều nơi. |
Nói về vấn đề này, bạn Trịnh Đình Tuấn cho biết: “Thời gian đầu không tìm được phòng trọ, mình cũng đã gặp phải “cò mồi” giới thiệu rằng có phòng rẻ, đầy đủ tiện nghi, đi theo “cò” đến xem nhà thì phòng chật hẹp, cũng chỉ có một chiếc giường cũ, chẳng giống với những gì mình nghĩ nên đành mất 100.000 đồng tiền môi giới cho “cò”.
Theo ghi nhận tại quận Cầu Giấy (gần ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thương mại) tình trạng “mất tiền oan” cho “cò mồi” cũng đã xảy ra. Đa phần các sinh viên đều quá tin tưởng vào những lời quảng cáo hấp dẫn trên các tờ rơi khi có phòng trọ cho thuê với giá rẻ, đầy đủ tiện nghi, có điều hòa, có mạng, truyền hình cáp đầy đủ giá chỉ từ 900.000 đến 1,3 triệu đồng.
Sau khi liên hệ để đến xem phòng thì các bạn sinh viên mới vỡ mộng, phòng ốc lụp xụp, chật hẹp, không hề giống như trong lời quảng cáo, còn người đưa sinh viên đến xem phòng lại không phải là chủ nhà mà là “cò mồi”. Đã không thuê được phòng trọ ưng ý nhưng rồi lại phải mất thêm tiền công môi giới cho “cò”.
Kinh nghiệm tìm phòng trọ
Để tránh tình trạng “tiền mất tật mang” khi đi tìm phòng trọ, các tân sinh viên cần phải cẩn thận tìm hiểu thông tin trước khi thuê phòng trọ.
Trước khi thuê phòng trọ, cần chú ý các điều khoản mà chủ nhà đưa ra, tốt nhất là nên có hợp đồng rõ ràng, bên cạnh đó cũng thỏa thuận về cách tính tiền điện, tiền nước,chi phí có thể phát sinh, những quy định chung của phòng trọ để tránh tình trạng chủ nhà tự ý thay đổi giá tiền nhà, điện nước, gây khó dễ cho các bạn sinh viên.