Rừng pơ mu ở Đắk Lắk liên tục bị tàn phá

Thứ Năm, 14/05/2020, 09:25
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Bộ NN&PTNT) cho biết, đang àm rõ một vụ phá rừng gỗ pơ mu xảy ra tại lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông.

Ngày 13/5, ông Hà Công Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Bộ NN&PTNT) cho biết, đang phối hợp cùng các lực lượng chức năng địa phương điều tra, làm rõ một vụ phá rừng gỗ pơ mu xảy ra tại Tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông.

Trước đó, trong khi tuần tra, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông đã phát hiện hàng chục đối tượng đang khai thác trái phép gỗ pơ mu (nhóm IIA) tại Tiểu khu 1219.

“Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng chức năng, nhóm “lâm tặc” này đã nhanh chân bỏ chạy trốn vào rừng. Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng đã kiểm đếm được có tổng cộng 19 cây gỗ pơ mu bị đốn hạ, trong đó có một số cây đã được cắt xẻ lấy đi phần thân, 15 cây còn nguyên tại hiện trường. Kiểm đếm tại hiện trường, khối lượng gỗ còn sót lại khoảng 37,219m3”, ông Tài thông tin thêm.

Trước đó, Báo CAND đã thông tin, vào đầu tháng 9/2018, lực lượng kiểm lâm Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk phối hợp Chi cục Kiểm lâm vùng IV và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông tiến hành kiểm tra tại Tiểu khu 1219 (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông.

Vào thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện 48 cây gỗ pơ mu bị đốn hạ, khai thác trái phép, trong đó 21 cây đã bị lấy đi phần thân chỉ còn lại gốc và ngọn; 27 cây bị cắt hạ, trong đó có 8 cây còn nguyên, 19 cây bị lấy đi một phần thân. Qua kiểm đếm của lực lượng chức năng, số gỗ tại hiện trường khoảng 20m3.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND vào thời điểm đó, trên đường vào hiện trường, “lâm tặc” đã ngang nhiên chặt hạ nhiều cây rừng để mở lối mòn phục vụ vận chuyển lâm sản ra khỏi rừng. Thế nhưng, chủ rừng cũng như các ngành chức năng ở địa phương không hề hay biết.

Đến khi vụ việc được phát hiện thì đã có 48 cây gỗ pơ mu cả trăm năm tuổi đã bị đốn hạ, mang ra khỏi rừng. Vụ việc khai thác rừng pơ mu nghiêm trọng này sau đó đã được chuyển sang Công an tỉnh Đắk Lắk để khởi tố, điều tra, truy bắt các đối tượng, nhưng đến nay, những kẻ phá rừng vẫn “bặt vô âm tín”.

Trong khi vụ khai thác trái phép 48 cây gỗ pơ mu đang được điều tra, chưa tìm ra thủ phạm thì vào giữa tháng 4/2019, “lâm tặc” tiếp tục “đột nhập” vào khu vực Tiểu khu 1219 khai thác trái phép 24 cây gỗ pơ mu. Đến đầu tháng 12/2019, cũng tại Tiểu khu 1219 này, “lâm tặc” lại tiếp tục khai thác trái phép thêm 9 cây gỗ pơ mu và tháng 2/2020, khai thác trái phép 14 cây.

Gần đây nhất là đầu tháng 4/2020, một nhóm “lâm tặc” gồm hàng chục đối tượng đã ngang nhiên đốn hạ 19 cây gỗ pơ mu khác… Từ những vụ việc liên tiếp xảy ra trên, dư luận đang đặt ra câu hỏi là liên tiếp trong một thời gian dài, cùng một khu vực, rừng pơ mu liên tiếp bị “lâm tặc” khai thác, chặt phá nhưng không được cơ quan chức năng phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Có hay chăng công tác quản lý, bảo vệ rừng ở nơi đây đang có vấn đề?

Trước tình trạng rừng pơ mu quý hiếm nơi đây đang bị chặt phá nghiêm trọng, trao đổi với PV Báo CAND, một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, Sở đã có chỉ đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, bố trí lực lượng chốt chặn tại những khu vực trọng điểm, nguy cơ xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

“Bên cạnh đó, Sở cũng đang tiến hành vào cuộc làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhằm xử lý trách nhiệm để xảy ra các vụ phá rừng này”, lãnh đạo Sở NN&PTNT nói.

Cũng cần phải nói thêm rằng, tình trạng chặt phá rừng pơ mu trên địa bàn huyện Krông Bông đã diễn ra và kéo dài nhiều năm nay. Tuy nhiên, tất cả các vụ phá rừng đều chưa được xử lý triệt để dẫn đến tình trạng rừng vẫn liên tiếp bị đốn hạ. Dư luận cho rằng, chính sự nương tay, xử lý thiếu kiên quyết của các cơ quan chức năng đã gây nên hiện tượng “nhờn thuốc”.

Văn Thành
.
.
.