Phố cổ Hà Nội sau 0 giờ: Tránh lạm dụng việc được nới “giờ giới nghiêm”

Chủ Nhật, 04/09/2016, 09:07
Từ 1-9, Hà Nội bắt đầu nới “giờ giới nghiêm” thí điểm tại các cơ sở kinh doanh, nhà hàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Theo ghi nhận của chúng tôi, chủ trương này đã đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, cùng với việc cơ quan chức năng tổ chức quản lý “chặt” để tránh phát sinh những phức tạp thì các cơ sở kinh doanh, nhà hàng cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định đi kèm.


Du khách hứng khởi

Thời điểm Hà Nội triển khai thực hiện nới “giờ giới nghiêm” từ 1-9 cũng trùng với thời điểm các tuyến phố đi bộ mới đi vào hoạt động khiến phố cổ Hà Nội thu hút rất đông người đổ về tạo nên không khí nhộn nhịp ồn ào vào những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, từ 23h trở đi, khi các hàng quán kinh doanh tại nhiều tuyến phố đã bắt đầu đóng cửa thì tại khu vực “ngã tư Châu Âu” Tạ Hiện-Lương Ngọc Quyến, phố Hàng Buồm, phố Hàng Giầy… hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống vẫn diễn ra như bình thường thậm chí còn trở nên sôi động hơn.

23h30, chúng tôi có mặt tại “ngã tư Châu Âu” Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, những chiếc taxi nối đuôi nhau tấp nập đưa đón khách. Khánh ngồi dọc 2 bên vỉa hè Tạ Hiện thậm chí tràn cả xuống lòng đường chỉ để lại một lối đi rất nhỏ là những hàng quán kinh doanh đồ ăn uống. Những du khách say sưa tán gẫu với bạn bè, thỉnh thoảng nhấp ngụm bia lạnh với mấy món ăn vặt như nem chua rán, phô mai, khoai tây chiên… Tiếng nhạc từ các bar, nhà hàng hắt ra...

Chủ trương nới “giờ giới nghiêm” của Hà Nội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận.

Trong ánh sáng huyền ảo, khách Tây, khách ta say sưa hòa theo tiếng nhạc nhảy múa hò hét ở quán bar 1900. Không đứng trong bar, một số khách Tây túm năm tụm ba ở vỉa hè vừa cầm chai bia trên tay vừa lắc lư theo tiếng nhạc xập xình khiến không khí thêm phần sôi động.

Du khách Tam Roberts, người Australia chia sẻ: “Đến Việt Nam mà chưa đến phố cổ thì không thể gọi là đã đến Việt Nam”. Vị du khách này cũng tỏ ra rất hào hứng khi biết được Hà Nội đã nới thêm thời gian cho khách có thể vui chơi giải trí tại các nhà hàng, bar…: “Tôi và bạn bè rất mong có nhiều thời gian để phát hiện được những điều thú vị của phố cổ Hà Nội”.

Chị Nguyễn Thị Nga, chủ quán ẩm thực số 15A Tạ Hiện cho biết: “Mấy ngày trước thì giờ này Cảnh sát trật tự, tự quản đã đi xe nhắc nhở các hộ kinh doanh đóng cửa. Từ khi biết sẽ được mở cửa hàng đến 2h, tôi không còn phải thấp thỏm “đuổi khéo” khách nữa”. Thông thường, cửa hàng của chị Nga chỉ cần thuê 3 nhân viên vừa chế biến đồ ăn vừa chạy bàn đến 0h thì nay đã phải tiếp tục duy trì 2 nhân viên ở lại để phục vụ khách trong khung giờ từ 0h đến 2h.

Chị Nguyễn Ngọc Mai, nhà hàng The Hill Station Signature, số 2T Tạ Hiện cũng chia sẻ: “Được vui chơi, giải trí kéo dài đến 1h-2h sáng là nhu cầu thực của du khách nhất là khách Tây. Ngay sau khi biết chủ trương này, nhà hàng cũng đã tuyển thêm nhân viên”.

Ý thức chấp hành của các hộ kinh doanh chưa cao

Theo quy định, mặc dù “giờ giới nghiêm” được nới nhưng kể từ 0h, các cơ sở kinh doanh sẽ không được bày hàng quán ra vỉa hè mà chỉ được kinh doanh phía bên trong nhà. Mọi hoạt động kinh doanh nhà hàng, quán bar sau 0h phải đảm bảo các điều kiện về an toàn, an ninh. Nhà hàng đăng ký kinh doanh với quận Hoàn Kiếm phải có cách âm tốt, không gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh và nghiêm cấm bán rượu bia cho trẻ em.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, trong những ngày đầu tiên, hầu hết các hộ kinh doanh đều không tự giác chấp hành quy định này.

Công an quận Hoàn Kiếm đã phải tổ chức lực lượng tuần tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh chấp hành quy định.

0h ngày 3-9, 2 đồng chí Cảnh sát trật tự, Công an phường Hàng Buồm cùng lực lượng tự quản đã huy động cả xe thùng đi dọc các tuyến phố Tạ Hiện, Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến... liên tục đọc loa yêu cầu các quán không bày hàng vỉa hè, lòng đường. Cùng với tiếng loa thông báo của Cảnh sát,  trật tự phường trực tiếp đi vào phố, đốc thúc từng cửa hàng dọn dẹp gọn lại.

Thấy lực lượng Công an, một vài nhân viên quán bar ra ngoài, yêu cầu khách hàng vào trong nhà. Các hàng quán vội vã sắp xếp bàn ghế. Những người đang vui chơi nháo nhác đứng lên nhìn ngó mà không hiểu chuyện gì xảy ra. Nhiều người thì tiếp tục ngồi sát lên vỉa hè hoặc vào trong nhà ăn uống, vui chơi nhưng nhiều khách đã tính tiền, bỏ đi. Một số hàng quán cũng dọn dẹp và nghỉ không bán nữa.

Từng tốp du khách tỏa ra các hướng. Người đi về hướng Hàng Giầy, người đi về phía Hàng Buồm, Mã Mây… tìm điểm vui chơi tiếp hoặc ra về.

Theo quan sát của chúng tôi, nếu không có lực lượng Công an nhắc nhở gắt gao thì phần lớn các hàng quán vẫn sẽ tràn lan ra vỉa hè lòng đường để kinh doanh từ đó ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.  Không những thế, tại một vài quán bar, tiếng nhạc xập xình vẫn hắt cả ra đường phố tạo nên sự ồn ào.

Bên cạnh đó, để tham gia hoạt động phố đi bộ cũng như các hoạt động, vui chơi giải trí sau 0h, Hà Nội cần phải duy trì các điểm trông giữ xe, tránh tình trạng khách phải gửi xe ở các điểm trông giữ xe tư nhân vừa không an toàn lại bị “chặt chém” với giá cao.

Như tối 2-9, khoảng 23h30, chúng tôi đến một điểm trông xe máy của Công ty cổ phần Đồng Xuân ở phố Hàng Bạc thì nhân viên trông xe ở đây lắc đầu không nhận. Thấy chúng tôi loay hoay, một người đàn ông cởi trần chạy ra đưa cho chúng tôi tấm vé xe tự chế: “Gửi đây đi, anh trông xe cho. Muộn nhất là 1h30 nhé”. Do không hỏi giá vé trước, đến khoảng 1h chúng tôi quay lại lấy xe thì người đàn ông này thản nhiên hét giá: “30.000 đồng”.

Có thể thấy, chủ trương nới “giờ giới nghiêm” của Hà Nội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận. Tuy nhiên, để chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống thì các cơ sở kinh doanh cần phải nâng cao ý thức chấp hành các quy định đi kèm. Các cơ quan quản lý cũng cần quản lý “chặt” để tránh tình trạng lộn xộn từ đó phát sinh phức tạp.

Nguyễn Hương-Tố Quyên
.
.
.