Nữ cửu vạn mưu sinh trong ngày lễ

Thứ Ba, 03/05/2016, 08:41
Cái nắng đầu mùa chưa gắt nhưng cũng đủ làm lưng áo các nữ cửu vạn ướt đầm. Những phụ nữ thôn quê lên Hà Nội tìm việc những ngày này quả không dễ dàng gì, thế nên dù ngày nghỉ, công việc có nặng nhọc thì họ cũng chịu thương chịu khó tần tảo chắt chiu kiếm tiền nuôi con ăn học.

Ngày chủ nhật, tại phường Bưởi, quận Tây Hồ chúng tôi gặp một nhóm nữ cửu vạn đang đội, vác đá răm để trộn bê tông đổ móng nhà. Đợi lúc các chị xong việc, tôi tranh thủ hỏi chuyện. Ai nấy đều ngại ngùng khi có người hỏi về công việc của mình. Đây là một nghề nặng nhọc, cơ bản chỉ giành cho nam giới, nhưng vì mưu sinh, các chị chẳng nề hà. 

Lau những giọt mồ hôi trên trán, chị Nguyễn Thị Nữ - người nhiều tuổi nhất trong nhóm nói: “Đội nhiều nên chị em chúng tôi ai cũng đau vai gáy, vài năm nữa chắc không làm nổi vì thoái hóa”. Mấy năm nay, những công trình xây dựng dân sinh ngày một ít đi nên tìm việc khó khăn hơn trước. 

“Nhiều người làm nghề này lắm nên để có việc không phải dễ”, chị Nữ bày tỏ. Quê ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, chị Nữ theo chồng lên Hà Nội mưu sinh tính đến nay đã hơn 10 năm, trong đó có 7 năm làm nghề đội bê tông thuê. Nhóm của chị có 3 nữ, 4 nam và thường đi làm theo mối công trình của chủ thầu xây dựng quen. Từng thùng đá răm nặng trĩu chị vác trên vai, dáng đi thoăn thoắt đổ vào máy trộn bê tông, rồi lại đội bê tông đã trộn đổ vào móng nhà, công việc vốn dĩ tưởng chỉ giành cho cánh đàn ông, thế mà chị lại làm một cách thuần thục. 

Lúc mới làm tưởng chừng không trụ nổi vì quá nặng, nhưng giờ thì quen rồi”, chị Nữ chia sẻ. “Vì sao chị lại chọn nghề vất vả này?”, tôi hỏi. Ngần ngừ một lát, chị nói: “Lúc mới lên Hà Nội tìm việc rất khó khăn, mấy chị em trong làng rủ đi trộn bê tông nên tôi cũng đi theo. Làm việc này tuy vất vả nhưng thời gian nhanh, chỉ làm 3 tiếng hoặc nửa ngày là xong, mỗi lần cũng kiếm được 300 đến 500 nghìn”.

Một người phụ nữ khuân vác hàng ở phố Gầm Cầu.

Chồng chị Nữ là thợ lái máy xúc thuê cho chủ thầu xây dựng là người cùng quê. Tuy vợ chồng cùng lên Hà Nội mưu sinh nhưng không được ở cùng nhau vì chồng chị nay đây mai đó theo công trình. Năm nay 40 tuổi, chị Nữ có 2 con, đứa lớn chuẩn bị thi vào cấp III nên chị phải cố gắng tần tảo để lo cho con. “Năm ngoái tôi cũng làm lại được 3 gian nhà cao ráo, thoáng mát cho các cháu đỡ khổ. Bố mẹ đi làm thế này, hai chị em ở nhà tự trông nom bảo ban nhau. May các cháu cũng ngoan nên tôi yên tâm”, chị Nữ cho biết.

Đến phố Gầm Cầu, Hà Nội vào ngày nghỉ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những nữ cửu vạn đang kéo, vác đồ thuê. Công việc mưu sinh vất vả tưởng chỉ dành cho nam giới nhưng những phụ nữ “chân yếu, tay mềm” này lại nhận làm tất. 

Giữa trưa nắng, người phụ nữ ngoài 40 tuổi kéo chiếc xe đi rất nhanh trên con phố buôn bán sầm uất của Hà Nội. Chị dừng lại bên một đống hàng, khệ nệ bê từng thùng đặt lên xe. Nhìn dáng vẻ mệt nhọc của chị, tôi tấp xe vào hỏi chuyện. Bày tỏ một cách ngại ngùng, chị cho biết, mỗi ngày chị kéo khoảng 10 đến 15 chuyến hàng từ phố Gầm Cầu vào chợ Đồng Xuân. Nếu hôm nào nhiều việc, chị cũng kiếm được 150 nghìn, còn ít thì vài chục, thậm chí không có đồng nào. Loáng cái, chiếc xe đã chất đầy hàng, người phụ nữ oằn lưng kéo đi giữa trời nắng. 

Theo lời chị kể thì nhiều năm mưu sinh ở Hà Nội, trừ tiền thuê nhà, tiền ăn, mỗi tháng chị cũng chắt chiu được hơn 2 triệu gửi về quê nuôi con. “Đứa lớn đã đi làm rồi, chỉ còn 2 đứa bé đi học. Ông xã làm tận Hải Phòng nên cả năm vợ chồng mới gặp nhau được đôi ba lần”- chị cho biết.

Cũng trên phố gầm cầu, tôi bắt gặp nhiều phụ nữ sau giờ kéo hàng thuê còn tranh thủ thu gom phế liệu để đem bán kiếm lời. Rời Thanh Hóa ra Hà Nội mưu sinh, ngoài kéo hàng thuê vào chợ Đồng Xuân, chị Phạm Thị Nghĩa còn thu gom hộp carton để bán lại. Mỗi ngày tổng tiền công kiếm được hơn 100 nghìn, phải chắt chiu tằn tiện chị mới gửi được 1 triệu đồng về quê cho đứa con út. 

“Cũng may là hai cháu đều học được nên dù vất vả tôi cũng cố gắng. Từ Tết ra đến nay việc không nhiều, buổi tối có người thuê dỡ hàng ở chợ Bắc Qua tôi cũng đi để kiếm thêm vài đồng”, chị Nghĩa cho biết. Chị kể, con trai lớn của chị đang học năm thứ 2 Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Chồng chị sức khỏe yếu nên ở nhà trông nom ruộng vườn và đứa con út. Con trai thương mẹ vất vả đã tranh thủ ngoài giờ học đi làm gia sư và tự trang trải được tiền học.

Đến chợ Đồng Xuân, hình ảnh dễ bắt gặp nhất là những gánh hàng nặng trĩu oằn trên vai những người phụ nữ. Gánh hàng thuê đã trở thành một nghề mưu sinh cho vài chục lao động nông thôn ra thành phố. Các chị em thường đi theo nhóm, chủ yếu là cùng quê, người trước dắt người sau vào nghề. Dẻo dai và bền bỉ, cuộc vật lộn mưu sinh đôi lúc chịu nhiều đắng cay và nước mắt, nhưng thành quả họ có được nhờ sự lao động chân chính là giúp gia đình thoát nghèo, có điều kiện nuôi con ăn học.

Nhật Minh
.
.
.