Nông dân Quảng Nam mất Tết sau lũ chồng lũ

Thứ Ba, 20/12/2016, 13:37
Những cánh đồng hoa màu đìu hiu, đất vẫn còn đọng nước, nhão nhoẹt; lác đác xa xa, một vài người nông dân tiếc của ra nhìn những giàn ổ qua, đậu tây, vườn ớt,… chết héo sau lũ chồng lũ. Chưa bao giờ người nông dân xứ Quảng lại cảm nhận cái Tết đang cận kề u ám và khốn khó đến vậy.

Cánh đồng hoa màu, rau quả thôn Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được xem là vùng trồng rau chuyên canh lớn nhất của tỉnh Quảng Nam khi có hơn 300 hộ dân sản xuất với diện tích khoảng 50ha. Đây là cánh đồng rau cung cấp chủ yếu cho chợ Đầu Mối và một số siêu thị trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Vườn đu đủ hoang tàn sau mưa lũ, chỉ chờ nắng lên là sẽ vàng rụng lá, chết dần.
Đây là những gì còn lại sau lũ chồng lũ ở cánh đồng hoa màu Bàu Tròn. Nước ngập úng, đất nhão nhoẹt còn cây giống thì chết úa.

Khác với không khí vui tươi sản xuất trên cánh đồng rau thời điểm này nhiều năm trước, những ngày này về Bàu Tròn, chỉ thấy khung cảnh xơ xác, tiêu điều. Sau mấy đợt mưa lũ từ đầu tháng 12 đến nay, cánh đồng rau Bàu Tròn như thành bình địa; đất cát bồi lấp luống rau, những giàn ổ qua, đậu tây,… nằm rạp; những loại hoa màu mới gieo sạ thì chết héo sau khi nước rút.

Một giàn đậu tây ở cánh đồng Bàu Tròn, xã Đại An xác xơ sau mưa lũ.

Dường như người nông dân ở Bàu Tròn không còn hy vọng gì cho vụ thu hoạch tiêu thụ Tết nữa, nên họ cũng chẳng buồn ra đồng. Lác đác vài người phụ nữ, vì tiếc của lại ra đứng trên cánh đồng của gia đình mà thở dài. Thi thoảng trời lại đổ một trận mưa rào khiến nỗi đau mất mùa của người nông dân như càng nhân lên gấp bội. 

Bà Phan Mười (trú thôn Bàu Tròn, xã Đại An) chia sẻ gia đình bà có gần 2 sào đất, được trồng ổ qua, đậu tây, ớt để bán dịp Tết này. Ai ngờ trận lũ đầu tháng 12 đã làm chết úng cả. 

Không nản, sau khi lũ rút, gia đình bà lại ra đồng, trồng thêm các loại hoa màu ngắn ngày để kịp tiêu thụ Tết. Nào ngờ lại một trận lũ nữa ập đến, vậy là tiêu tan bao hy vọng, bao đợi chờ về một cái Tết ấm no.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh trực tiếp khảo sát thiệt hại tại các cánh đồng hoa màu.

Một số người nói vui rằng Bàu Tròn giờ thành “Bàu Méo” cả rồi, khi tất cả diện tích gieo trồng của người nông dân đã bị hư hại hoàn toàn do mưa lũ. Những con người một nắng, hai sương, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở Đại An chưa bao giờ thấy trên quê hương mình có nhiều đợt lũ muộn đến vậy. 

“Thường thì qua 23-10 âm lịch là người dân ở đây đã xuống đồng canh tác vụ mùa bán Tết, nào ngờ năm nay đến đầu tháng 12 dương lịch rồi mà vẫn còn mưa lũ. Trắng tay sau lũ cả rồi. Tết năm nay, người dân Bàu Tròn không thể sung túc nổi”, một phụ nữ bịt khẩu trang kín mặt đứng cạnh cánh đồng đậu tây đã héo úa ở Bàu Tròn ngao ngán, nói.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Lê Trí Thanh chia sẻ những khó khăn với người nông dân sau đợt lũ chồng lũ; đồng thời hứa tỉnh Quảng Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân sớm khôi phục sản xuất.

Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết tình hình mưa lũ từ đầu tháng 12 đến nay đã làm hơn 2.500ha hoa màu của huyện bị hư hại hoàn toàn, ước tính thiệt hại gần 90 tỷ đồng. Trong đó nhiều nhất là cánh đồng hoa màu tại các xã Đại An, Đại Lãnh, Đại Hồng. Nhiều hộ gia đình mất trắng 30-40 triệu đồng khi xuống giống 2-3 đợt đều bị mưa lũ làm hư hại.

Sáng 20-12, Đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dẫn đầu đã đi khảo sát tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ ở thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc.

Ông Lê Trí Thanh yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc để giúp đỡ người dân sau mưa lũ, sớm ổn định đời sống và sản xuất sinh hoạt.

Sau khi kiểm tra thực tế và nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo thiệt hại, ông Lê Trí Thanh khẳng định:

“Tỉnh chủ trương hỗ trợ tối đa cho nông dân khôi phục sản xuất sau mưa lũ. Đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại một cách chính xác, đúng cả về số liệu tổng thiệt hại cũng như thiệt hại của từng hộ gia đình". 

"Ngoài ra, các địa phương cần làm việc với các đại lý bán giống cây trồng, không tăng giá bán nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với người dân trong điều kiện cây giống gặp nhiều khó khăn như hiện nay”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ngọc Thi
.
.
.