Nỗi lo tăng nhanh tình trạng già hóa dân số

Thứ Bảy, 28/11/2015, 07:58
Th.S - BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục - Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) đã cho biết, thông điệp ngày DS Việt Nam 2015 (26-12) được phát động sẽ là: “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”. 

Tốc độ già hóa DS ở Việt Nam đang được xếp trong tốp 5 trên thế giới, nhưng hệ thống chăm sóc, an sinh xã hội cho người cao tuổi hầu như “chưa có gì”. Đây thực sự là một vấn đề cần sự quan tâm của toàn xã hội cùng với việc hoạch định những chính sách, chiến lược thực tế phù hợp.

Tốc độ già hóa dân số tăng nhanh đòi hỏi cấp thiết xây dựng hệ thống các dịch vụ đảm bảo chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Theo Th.S Mai Xuân Phương, những năm qua, ta đã làm rất tốt công tác giảm sinh. Đồng thời, sự phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống chăm sóc y tế tốt hơn, tỷ lệ và số lượng người cao tuổi do đó đã tăng lên. Tuổi thọ bình quân của người Việt tính tới năm 2010 đã đạt 73 tuổi và hiện nay là 73,6 tuổi. Trước năm 2009, tỷ lệ người trên 60 tuổi của ta chiếm 7% dân số cả nước. Nhưng tới 2011, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đã đạt 10%. Số người cao tuổi nước ta sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới. Nếu năm 2012, cứ khoảng 11 người dân mới có 1 người cao tuổi thì ước tính vào năm 2029, cứ 6 người dân sẽ có 1 người cao tuổi và dự báo tới năm 2049, trong 4 người dân có 1 người cao tuổi. Theo đó, thời gian chuyển đổi từ “già hóa dân số” sang “dân số già” (thời gian để tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng từ 7% lên 14%) của Việt Nam rút lại rất ngắn, chỉ khoảng 18 - 20 năm, trong khi với nhiều nước trên thế giới, quá trình chuyển đổi này kéo dài từ vài chục năm tới cả thế kỷ như: Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Mỹ (70 năm). Thống kê mới nhất của ta cũng cho biết, tại một xã thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có tới 60 hộ dân là các cặp vợ chồng trên 80 tuổi đang sinh sống. Việt Nam đang được coi là một trong những nước có tốc độ già hóa DS tăng nhanh nhất ở khu vực châu Á.

Nước ta nhóm dân số cao tuổi nhất (trên 80 tuổi và số lượng các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên) tăng rất cao. Tỉ trọng DS theo nhóm tuổi của ta năm 1979 ghi nhận: 42% là từ 0-14 tuổi; 53% từ 15-64 tuổi; và 5% là trên 65 tuổi. Năm 2014: 23,5% là từ 0 tới 14 tuổi ; 69,4% từ 15-64 tuổi và 7,1% là trên 65 tuổi. Dự báo về tỉ trọng DS Việt Nam từ 2009 - 2049 sẽ có nhiều biến động. Trong đó, DS ta ở nhóm từ 15 tuổi trở lên có tỉ lệ lớn, tỉ lệ đang có việc làm cao, tỉ lệ thất nghiệp thấp nhưng năng suất chất lượng còn nhiều hạn chế, lao động ở nông thôn lớn trong khi kinh tế nông nghiệp thu hẹp, kinh tế khu công nghiệp và xây dựng cơ bản tăng cao. Tốc độ tăng tuổi thọ của ta hiện nay nhanh hơn cả thế giới, Trung Quốc và cả Thái Lan. Bên cạnh đó là tình trạng giảm mức sinh. Năm 1960 bình quân mức sinh của ta là 6,39 con thì hiện nay đang ở mức thay thế là 2,1. Điều đặc biệt này đồng nghĩa với việc, người cao tuổi tại Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai trong việc chăm sóc sức khỏe, và nâng cao chất lượng sống.

Người cao tuổi (NCT) Việt Nam chủ yếu sống cùng con cháu. Tỉ lệ sống độc thân chiếm khoảng 10%, và sống với vợ, chồng khoảng 15%. Đặc biệt là tình trạng nữ cao tuổi ngày càng cao, nữ cao tuổi phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi trên nhiều mặt: thu nhập, tình trạng sức khỏe.

Điều tra cũng cho thấy, NCT của ta hiện đời sống vật chất còn nhiều khó khăn. Đa số không có tích luỹ vật chất. Có tới 62,3% NCT (ở cả nông thôn và thành thị) có đời sống nghèo, thiếu thốn. Chỉ có 30% có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Trong khi ấy, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với sự thay đổi rất lớn về DS này. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật của người Việt Nam cũng rất cao. Khoảng 95%  NCT có bệnh tật kép và chủ yếu là các bệnh mãn tính không lây như: cao huyết áp, tim mạch, ung thư, tiểu đường; chưa kể có một số lượng tới gần 30% NCT gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày cần sự hỗ trợ từ người khác. Trong khi đó, mạng lưới chăm sóc sức khỏe của ta hiện nay “trắng” hoàn toàn hệ thống y tế lão khoa. Cả nước có 63 tỉnh, thành thì mới có duy nhất một Viện Lão khoa. Hệ thống trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của NCT. Th.S Mai Xuân Phương cho rằng, tuổi thọ cao là một thành tựu của Việt Nam nhưng cũng là một nỗi lo thực sự vì tới gần 70% NCT của ta có sức khỏe yếu và rất yếu. Do đó, rất cần thiết phải có ngay các giải pháp kịp thời ứng phó với một xã hội già hóa dân số đang gia tăng, đảm bảo chế độ an sinh xã hội cho NCT. Cần cải cách chế độ hưu trí hiện hành, đa dạng, mở rộng trợ cấp XH cho NCT dễ bị tổn thương, tập trung đặc biệt vào NCT sinh sống ở khu vực nông thôn, phụ nữ cao tuổi, NCT ở khu vực ít người, thiểu số.

Huyền Nga
.
.
.