Nỗi đau từ hủ tục “thuốc thư, ma lai”

Thứ Năm, 25/12/2014, 18:45
Mặc dù bây giờ ở Tây Nguyên, hầu như xã nào cũng có trạm y tế để khám chữa bệnh cho người dân, nhưng một số bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn mê hoặc vào chuyện thầy cúng, thầy mo để giải nạn cái gọi là “thuốc thư, ma lai”. Vì hủ tục mà xảy ra nhiều bi kịch cuộc đời và phải gánh chịu hậu quả đau thương...

Ở địa bàn huyện Chư Sê, Mang Yang, Ia Grai... (Gia Lai) là những nơi thường xảy ra hủ tục “thuốc thư, ma lai”. Mới đây, tại làng Phăm Ó 1, xã Bar Măih, huyện Chư Sê, Gia Lai, chị Phyế (39 tuổi) bị đau, được gia đình đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai khám và điều trị. Theo kết luận của bác sĩ, Phyế bị viêm dạ dày và nhập viện điều trị tại Khoa Nội tổng hợp. Sau 1 tuần điều trị, bệnh của Phyế đã đỡ nên được ra viện về nhà. Được một thời gian, Phyế lại kêu đau ở vùng ngực nên người nhà lại nghi ngờ rằng bị ông Tak (54 tuổi) ở cùng làng bỏ “thuốc thư” cho Phyế đau nên đã kéo đến tìm đánh ông Tak.  

Công an huyện Mang Yang, Gia Lai tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, không tin theo lời kẻ xấu xúi dục.

Nguyên nhân gia đình Phyế nghi ông Tak có “thuốc thư” hại người là vì trước đó giữa hai bên gia đình có mâu thuẫn về chuyện con của Phyế từ chối không lấy con ông Tak làm chồng nên ông Tak đi nói xấu gia đình Phyế. Rất may sự việc trên được lực lượng Công an huyện Chư Sê phát hiện, ngăn chặn, khuyên giải kịp thời nên chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, tại làng Bồ, xã Ia Yok, huyện Ia Grai (Gia Lai), lại “nóng” lên chuyện nghi hoặc có người dùng “thuốc thư” để hại dân làng. Chuyện bắt đầu từ việc chị Rơ Châm Nưnh (39 tuổi) ở trong làng Bồ “bắt” A Yưm (41 tuổi) một người đàn ông ở Plei Sa, xã Ya Chim, TP.Kon Tum (Kon Tum) về làm chồng từ năm 2002.

Một căn nhà nạn nhân bị phá vì nghi ngờ có “thuốc thư”.

Từ ngày A Yưm về ở rể tại làng Bồ khiến nhiều người trong làng “ngứa” mắt. Nhất là trong các cuộc nhậu, sinh hoạt của làng, A Yưm thiếu tế nhị, khoét lác... nên bị dân làng ở đây để mắt tới. Rồi một hôm trong làng Bồ có người tên A Lum bị ung thư giai đoạn cuối nên bệnh viện trả về. Dân làng Bồ không tin bệnh ung thư nên lên Kon Tum rước thầy mo về cúng để giải “con ma thuốc thư”. Người làng cho rằng chính A Yưm ở Kon Tum có thuốc thư nên từ khi về làng làm rể đã làm nhiều người đau ốm. Dân làng Bồ nghĩ, người ở Kon Tum có thuốc thư thì phải thuê thầy ở Kon Tum xuống cúng mới giải được. “Thầy” nhận lời mời xuống làng Bồ phán trong làng có người biết dùng “thuốc thư” nên phải mất 10 triệu đồng để giải. Cúng giải mà A Lum cũng chết nên “thầy” đổ lỗi do bị nhiễm thuốc lâu rồi nên không cứu được... Điều trớ trêu này càng làm cho dân làng nghi ngờ, đổ lỗi do A Yưm gây nên. Và cũng từ đó những cái chết trước đây của người dân trong làng như Rơ Châm Hí, A Lai... đều bị ung thư gan bệnh viện trả về, nhưng dân làng Bồ đổ lỗi hết cho A Yưm đã bỏ “thuốc thư”.

Do có sự nghi ngờ trước đó nên đêm 13-11, trong lúc uống rượu ở khu nhà mồ của làng, Rơ Châm Ưin, Rơ Châm Thuy, Rơ Châm Khoah và Rơ Châm Sơn phát hiện A Yưm đến đây tìm rượu cúng để uống... Lúc này, Ưin xông tới chém một nhát vào đầu A Yưm. Bị chém trọng thương nên A Yưm cố lao ra đường để thoát thân nhưng không kịp. A Yưm tiếp tục bị Ưin và Khoah đánh tiếp đến chết. Sau khi Công an huyện Ia Grai, Gia Lai tiến hành điều tra làm rõ thì cả 4 đối tượng trên ra đầu thú và nhận tội. Sau đó, 186 hộ dân thuộc làng Bồ đã họp và quyết định mỗi hộ góp 1 triệu để gia đình 4 người này đền cho gia đình A Yưm…

Đại tá Rơ Lan Lâm-Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, trên địa bàn Gia Lai vẫn còn xảy ra nhiều vụ nghi ngờ cái gọi là “thuốc thư, ma lai” tại các buôn làng, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự ở cơ sở. Các vụ việc xảy ra đã được lực lượng Công an phối hợp cùng chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể ngăn chặn, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, do hủ tục lạc hậu, nhận thức hạn chế nên một số người vẫn còn tin vào chuyện “thuốc thư, ma lai”. Để xử lý dứt điểm tệ nạn này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, kịp thời giải thích, tuyên truyền vận động người dân có nhận thức đúng đắn về bệnh tật và cần đến bệnh viện khám điều trị kịp thời. Mặt khác cần có giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa để sớm loại bỏ các hủ tục lạc hậu còn đeo bám trong đời sống người dân địa phương.

Ngọc Như
.
.
.