Ninh Thuận quay cuồng trong trận đại hạn
Thống kê mới nhất từ UBND tỉnh Ninh Thuận, đến thời điểm này có 5.500 hộ gia đình với hơn 23.100 người thiếu nước sinh hoạt, 1.300 con gia súc có sừng chết khát, 501ha cây trồng vụ đông xuân mất trắng, 1.578ha giảm thiểu năng suất nghiêm trọng, 6.100ha đất vụ đông xuân và 10.200ha đất vụ hè thu phải dừng sản xuất.
Đến xã Phước Trung – một trong những địa bàn hạn hán khốc liệt ở huyện miền núi Bác Ái, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng loạt cây trồng phơi mình khô héo dưới nắng lửa, những thửa đất cằn khô, nứt nẻ bỏ hoang và những dòng suối cạn kiệt chỉ còn sỏi đá.
Nhiều đồng đất nứt nẻ do hạn hán kéo dài. |
Chị Mấu Thị Hồng – đồng bào dân tộc Raglai đứng bên đường liên thôn nhìn đàn cừu của gia đình mình trong trạng thái mỏi mệt trước đồng cỏ khô cháy, rồi cất giọng than thở: “Không biết chúng nó có chịu nổi hết mùa khô năm nay hay không?”.
Nhiều gia đình ở Bác Ái đã nỗ lực đào giếng nhưng không thể nào vắt được mạch nước ngầm. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ mỗi hộ 60 lít nước một ngày nhưng chỉ đủ để phục vụ nhu cầu ăn uống, còn nguồn nước tắm giặt phải tìm kiếm, chắt mót từ những kênh mương, ao hồ.
Khô hạn trên địa bàn huyện Ninh Phước cũng khốc liệt không kém, vì gần cả năm người dân ở vùng đất này gần như không tìm thấy một giọt mưa, nhiều cánh đồng đã phải bỏ hoang từ mấy tháng qua.
Ông Trần Xuân Hòa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhiều giải pháp chống hạn đã được triển khai quyết liệt trong thời gian qua. Thế nhưng, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho các địa phương trong tỉnh đều trong tình trạng khô hạn. Khốc liệt nhất là 4 huyện Bác Ái, Thuận Nam, Ninh Hải và Ninh Sơn.
Giải pháp Ninh Thuận triển khai khẩn cấp trong lúc này là phải tập trung ưu tiên nguồn nước sinh hoạt cho người dân và gia súc, không để xảy ra đói khát, tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Về lâu dài chuyển đổi cây trồng có khả năng chịu hạn cao…
Mặt khác, trước thực trạng hạn hán khốc liệt, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho tỉnh Ninh Thuận 172 tỷ đồng để khai thác nguồn nước sinh hoạt cho người dân, tập trung đào ao tận dụng nguồn nước, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy.
Giải pháp lâu dài có dự án công trình thủy lợi Tân Mỹ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, đang được triển khai phân đoạn xây dựng đập và kênh Tân Mỹ, dự kiến vào mùa khô 2016-2017 sẽ hoàn thiện để cung cấp đủ nước tưới 3.700ha.
Chính phủ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để triển khai một số dự án cải tạo, nâng cấp các hồ, đập để tích trữ nguồn nước, xây lắp hoàn thiện một số tuyến kênh kết nối các liên hồ chứa để phòng chống hạn hán cho Ninh Thuận và hai tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa…
Mong sao có một cơn mưa bất chợt ập đến để cứu cánh cho Ninh Thuận, nhưng khát vọng đó ở thời điểm này thật hiếm hoi, bởi lẽ những bản tin thời tiết vẫn cảnh báo hạn hán còn tiếp tục kéo dài!