Những uẩn khúc trong vụ cô giáo uống thuốc ngủ quyên sinh
Trước đó, vào khoảng 9 giờ ngày 8-9, cô Tr.Th.Th. được đồng nghiệp phát hiện nằm bất động tại nhà riêng trong tình trạng chân tay bủn rủn, miệng sùi bọt mép. Ngay sau đó cô Th. đã được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp…
Theo các bác sỹ, qua thăm khám, chẩn đoán bệnh nhân Th. bị ngộ độc thuốc ngủ nên đã tiến hành rửa dạ dày và truyền dịch cho bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên điều trị tại khoa Nội 1 của bệnh viện. Đến sáng ngày 9 - 9, bệnh nhân Th. sức khỏe đã ổn định, tiếp xúc và nói chuyện bình thường.
Đến lúc này, cô Th. không nói rõ lí do quyên sinh nhưng theo lời em trai cô Th., có thể do ức chế, bức xúc về việc bị điều chuyển đơn vị công tác nên cô Th đã có hành động dại dột.
Cô giáo Th. đang được điều trị tích cực và chăm sóc tại bệnh viện. |
Năm 2015, cô Th. đang là giáo viên trường THCS An Đồng, do nhà trường thừa biên chế nên cô Th. và 4 giáo viên khác đã nhận quyết định điều chuyển công tác đến dạy tại trường THCS Quốc Tuấn (xã Quốc Tuấn, cùng huyện An Dương).
Việc bị điều động từ ngôi trường gần nhà đến ngôi trường mới cách nhà cô Th. khoảng 10km khiến cô và các giáo viên khác bức xúc. Gia đình cô Th. có hoàn cảnh đặc biệt, chồng thường xuyên làm nhiệm vụ xa nhà, mẹ chồng hay đau ốm, một mình cô nuôi 3 người con.
Vì vậy, cô Th. đã làm đơn gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện An Dương, lãnh đạo huyện An Dương xin ở lại trường để thuận tiện công tác và có thời gian chăm sóc cho gia đình nhưng chưa được giải quyết, nên có thể do buồn cô Th. đã uống thuốc ngủ…
Liên quan đến việc điều chuyển giáo viên, UBND huyện An Dương cho biết năm học 2015 – 2016, trên địa bàn huyện có 4 trường THCS thừa tổng số 10 biên chế. Riêng trường THCS An Đồng thừa 5 giáo viên nên trong 3 tháng liền Kho bạc Nhà nước đã kiểm soát và dừng thực hiện chi trả lương cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Sau khi thực hiện các quy trình lựa chọn, nhà trường và Phòng Nội vụ đã tham mưu cho UBND huyện ra Quyết định điều động 5 giáo viên đến các trường đang thiếu biên chế.
Sau khi bị điều động, cả 5 giáo viên này đã có đơn kiến nghị song UBND huyện khẳng định Quyết định của Chủ tịch UBND huyện là đúng thẩm quyền; việc tổ chức các bước lựa chọn, lập danh sách giáo viên để điều động của nhà trường là khách quan, công khai, minh bạch và dân chủ.
Tuy nhiên do Ban Giám hiệu nhà trường chưa làm tốt công tác tư tưởng, giải thích để giáo viên thắc mắc, kiến nghị vượt cấp, UBND huyện An Dương đã yêu cầu Ban Giám hiệu nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Đối với trường hợp của cô giáo Tr.Th.Th, sau khi nhận được đơn trình bày hoàn cảnh gia đình mong muốn được chuyển về trường cũ để được gần nhà, kết thúc năm học 2016 – 2017, UBND huyện An Dương đã chỉ đạo rà soát để sắp xếp.
Tuy nhiên tại trường THCS An Đồng vẫn còn thừa giáo viên dạy các bộ môn trùng chuyên môn của cô Th. Tại một số trường lân cận, như trường THCS thị trấn An Dương, cách nhà cô Th. chừng 2 km, có thể điều động về dạy bộ môn Toán, nhưng cô Th. không đồng ý…
Chủ tịch UBND huyện An Dương Lê Anh Quân cho biết hiện tại vẫn đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng và chỉ đạo Phòng Giáo dục – Đào tạo và Trường THCS Quốc Tuấn thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình và cô Th. sớm ổn định sức khỏe, tư tưởng để tiếp tục công tác.