Những tân sinh viên nghèo vất vả đến giảng đường

Thứ Hai, 11/09/2017, 09:22
Có không ít học sinh nghèo hiếu học ở tỉnh Quảng Trị khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) mà lòng dạ rối bời, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không biết phải xoay xở vào đâu để có tiền đóng học phí.

Tôi về thôn Vân Hòa, xã Triệu Hòa (Triệu Phong, Quảng Trị) tìm gặp em Lê Hồng Nhơn, vừa trúng tuyển vào Trường ĐH Y Dược Huế với 28,25 điểm. Trò chuyện với tôi, Nhơn cho biết, em đã vào Huế làm thủ tục nhập học.

Tranh thủ thời gian rỗi mấy ngày em về lại nhà để phụ giúp bố mẹ hái rau muống bán kiếm thêm tiền. Giá bán bó rau muống chỉ 3 nghìn đồng mà khoản tiền đóng phí nhập học của em và chi phí ban đầu đến chục triệu đồng. Thế mới thấy sự chắt chiu từng đồng bạc lẻ để ra phố đi học của những hộ gia đình khó khăn ở vùng nông thôn cơ cực biết chừng nào.

Em Lê Hồng Nhơn vừa đi học, vừa phụ giúp ba mẹ lo cuộc sống gia đình.

Nhơn kể, ba mẹ em làm 9 sào ruộng, trung bình mỗi mùa thu hoạch được 3 tấn lúa, nếu đem bán hết mới được 18 triệu đồng. Tuy nhiên, lúa gạo còn phải dự trữ cho từng bữa ăn gia đình, với 8 nhân khẩu, nên số tiền bán một phần lúa thu hoạch được cũng chẳng được là bao.

Để có tiền nuôi các con ăn học, chi tiêu trong sinh hoạt gia đình, ba mẹ em đã cầm cố sổ đỏ nhà ở, ruộng vườn vay ngân hàng, rồi làm thêm đủ nghề nhưng vẫn vô cùng khó khăn… Cả 5 chị em của Nhơn rất hiếu thảo với ba mẹ, một buổi đi học buổi còn lại đều cùng nhau đi làm thêm kiếm tiền.

Các chị của Nhơn đều đang theo học các trường ĐH; năm nay, Nhơn lại trúng tuyển vào Trường ĐH Y Dược Huế, người em út của Nhơn đang học lớp 6 trường làng. Nhà nghèo nhưng các con học giỏi nên ba mẹ em không nỡ lòng cho đứa nào nghỉ học.

“Thấy ba mẹ ốm đau mà không có tiền chữa bệnh, em ước mơ sau này trở thành bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho ba mẹ và người nghèo. Em quyết tâm học giỏi và trúng tuyển vào Trường ĐH Y Dược Huế. Nhưng, khoảng thời gian 6 năm học ĐH đối với em giờ đây quá dài và quá vất vả. Ba mẹ em vừa tiếp tục đi vay 10 triệu đồng cho em kịp nộp học và em cũng hứa quyết tâm học giỏi mai sau ra trường sẽ trả nợ các khoản tiền vay cho ba mẹ”, Nhơn trải lòng.

Tôi hỏi Nhơn, khi vào học tiền ăn hàng tháng giải quyết ra sao?. Nhơn thật thà bảo rằng, em xin ba mẹ gạo mang vào chỗ trọ học để nấu ăn hàng ngày. Còn thức ăn thì không quan trọng, mong sao có ăn no bụng để có sức học tập, vì em quen cực khổ rồi…

Những ngày này, chuyện về những tân sinh viên nghèo ở nhiều địa phương của tỉnh Quảng Trị tương tự như em Nhơn, ba mẹ phải vất vả chạy đôn, chạy đáo vay mượn tiền để cho con nhập học khiến không ít người chùng lòng.

Như em Trương Thị Mỹ Lan ở làng Mai Xá Thị, xã Gio Mai, huyện Gio Linh chẳng hạn. Lan trúng tuyển vào Trường CĐ Y tế Huế với 22,7 điểm. Làng Mai Xá Thị đã nghèo, gia đình Lan càng nghèo hơn. Ba của Lan mất sớm vì tai nạn giao thông để lại người mẹ già bị bệnh tim nặng và cô em gái bị tàn tật, cùng 3 đứa con nhỏ dại. Thế nhưng, không than thân trách phận, mẹ Lan ngày ngày quăng quật làm tất cả mọi chuyện để nuôi sống gia đình, lo cho các con ăn học.

“Mỗi ngày mẹ em đi mua bán các thứ lặt vặt trong làng, tối về đến nhà mới kiếm được 50 đến 70 ngàn đồng. Ngần ấy tiền thì chắt chiu lắm mới đủ mua gạo và thức ăn cho cả gia đình sinh sống trong ngày chứ không thể nói đến tiết kiệm”, Lan rưng rưng nói.

Thương mẹ, 3 chị em của Lan, đứa cắt cỏ thuê, đứa chăn trâu, đứa chăn vịt để kiếm thêm tiền học hành. Ngoài thời gian học ở trường, chưa bao giờ các em được một tiết học thêm. Gian nan, vất vả nhưng các em học giỏi. Lan dự thi vào Trường CĐ Y tế Huế vì muốn gần nhà, tranh thủ quảng thời gian nghỉ một vài ngày ra nhà giúp mẹ việc đồng áng, gia đình.

Nhiều lúc thấy mẹ quá vất vả, Lan định bỏ học, đi làm công nhân giày da kiếm tiền giúp mẹ phụng dưỡng bà nội, cô ruột tàn tật và hai em ăn học nhưng chính những lúc đó nghị lực chịu khó, chịu thương của người mẹ đã động viên Lan cố gắng đi học để mai này đỡ khổ thân. Khi trúng tuyển vào CĐ Y Huế, Lan cứ trằn trọc, suy nghĩ với khoản tiền nhập học đầu năm, song mẹ Lan luôn động viên con cố gắng vượt khó và mẹ em đã tìm mọi cách vay mượn người thân, ngân hàng để lo đủ tiền cho em nhập học rồi sau đó sẽ trả nợ dần…

Phan Thanh Bình
.
.
.