Những tai nạn kinh hoàng từ máy cắt cỏ
Bác sĩ Phùng Văn Hà, Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết, gần đây nhất vào cuối tháng 12-2016, các bác sĩ của bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Thìn (29 tuổi, ngụ xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) trong tình trạng một cẳng chân bị cắt đứt chỉ còn dính lại ít da.
Anh Nguyễn Văn Thìn trong lúc điều khiển máy cắt cỏ để phát rẫy, lưỡi máy vấp phải viên đá văng về phía người, cắt đứt chân trái của anh ngay phần mắt cá. Do nhà ở vùng sâu nên 5 tiếng sau người nhà mới chuyển anh Thìn tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng trong tình trạng phần chân bị cắt đứt đã thâm đen.
Các bác sĩ phải làm việc suốt 6 tiếng đồng hồ để nối lại phần chân bị đứt rời cho anh Thìn. Tuy nhiên, do phần chân đứt bị để ở môi trường tự nhiên quá lâu nên khả năng giữ nguyên vẹn cả bàn chân cho anh Thìn là rất thấp.
Sau khi phẫu thuật, nối lại bàn chân bị máy cắt cỏ cắt đứt được 4 ngày, nạn nhân Nguyễn Văn Thìn được gia đình chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Hãy thận trọng với máy cắt cỏ. |
Trước đó, vào tháng 11-2016, anh K Hoan (35 tuổi, ngụ xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai , Lâm Đồng) trong lúc vận hành máy, phát cỏ trong vườn điều cũng đã bị lưỡi của máy cắt đứt rơi chân phải và đứt gần lìa chân trái, phải đưa xuống Bệnh viện Chợ rẫy TP Hồ Chí Minh cấp cứu. Mặc dù đã được các bác sĩ tìm mọi cách để giữ lại bàn chân bị cắt đứt lìa cho anh K Hoan nhưng không thành. Hậu quả anh K Hoan bị cụt một chân, mất khả năng lao động.
Vào cuối tháng 8-2012, tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông (Lâm Đồng), anh KThanh (26 tuổi) dùng máy cắt cỏ để phát quang vườn cà phê thì bất ngờ lưỡi máy cắt cỏ gãy đôi khiến một nửa lưỡi máy cắt văng lên cao rồi rơi xuống đâm vào ngực của anh Ni Ca (20 tuổi) đang đứng cách đó 5m dẫn đến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Theo bác sĩ Phùng Văn Hà, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp nạn nhân bị lưỡi máy cắt cỏ gây thương tích, nhiều nhất là đứt cẳng chân. Những trường hợp đưa đến bệnh viện kịp thời, biết cách bảo quản phần chân bị cắt đứt, các bác sĩ của bệnh viện phần lớn phẫu thuật, ghép nối thành công. Tuy nhiên, hầu hết các nạn nhân của máy cắt cỏ đều ở các huyện, địa bàn xảy ra tai nạn thường trong nương rẫy, đồi núi nên khi chuyển được tới bệnh viện thì phần chân bị cắt đứt đã thâm, các mạch máu hầu như ngừng hoạt động, tỉ lệ phẫu thuật thành công thường thấp.
Anh Nguyễn Văn Thìn được các bác sĩ phẫu thuật nối ghép lại chân bị đứt lìa do trúng lưỡi máy cắt cỏ. |
Bác sĩ Phùng Văn Hà cho biết, nguyên nhân phần lớn của các vụ tai nạn do máy cắt cỏ gây ra là lỗi chủ quan của người sử dụng. Trong quá trình vận hành, chỉ cần mất tập trung là có thể bị lưỡi máy cắt cỏ văng vào chân hoặc lưỡi máy chạm vào viên đá, theo quán tính và lực quay người sử dụng sẽ rất dễ bị mất khả năng kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, một người am hiểu về phương thức vận hành của máy cắt cỏ tại xã Tà Nung, TP Đà Lạt chia sẻ, để sử dụng máy được hiệu quả và an toàn cần chú ý các nguyên tắc như thường xuyên tra dầu mỡ để làm trơn trục quay, đồng thời siết chặt các ốc để gắn lưỡi nhằm tránh trường hợp trong lúc sử dụng lưỡi bị văng ra ngoài. Khi sử dụng máy cắt cỏ phải luôn đi giày kín mũi, mặc quần áo bảo hộ lao động, đeo găng tay và mắt kính an toàn.
Bên cạnh đó, người sử dụng cũng cần phải chú ý đến địa hình, tránh những nơi có đá làm mẻ lưỡi, văng lưỡi. Trong quá trình cắt, cần nắm giữ 2 tay điều khiển và tập trung cao độ...
Theo ông Hạnh, tốt nhất nên dùng lưỡi cước để cắt cỏ vì loại lưỡi này phù hợp với mọi địa hình, chẳng may xảy ra sự cố cũng không gây nguy hiểm như loại lưỡi sắt. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của lưỡi cước là không phát được những gốc cây lớn, nên lưỡi sắt vẫn đang được phần lớn nhà nông tại Lâm Đồng sử dụng để cắt cỏ, phát cây cối.