Nhớ mùa cá bông lau

Thứ Hai, 30/12/2019, 15:58
Cứ khoảng tháng chạp âm lịch, lúc gió chướng tràn về cũng là lúc cá bông lau bắt đầu xuất hiện dọc theo các cù lao trên sông Cửu Long. Rồi qua tết, đến khoảng tháng ba, tháng tư là hết mùa. Phải đợi đúng mùa gió chướng năm sau chúng mới xuất hiện trở lại...

Sáng nay ghé chợ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long thấy bày bán mấy con cá bông lau còn tươi, hỏi giá được biết cá loại lớn 230.000 đồng/ký, cá nhỏ 200.000 đồng/ký. Chị bán cá nói thêm: “Cá bông lau đầu mùa đó, thịt ngon lắm!”. Tôi nghĩ bụng chị khỏi cần quảng cáo, bởi ai chẳng biết cá bông lau là một loài cá ngon, giá đắt hơn nhiều lần một số loài cá khác. Nhưng lòng còn phân vân chẳng biết con cá nầy là cá bông lau đánh bắt ngoài tự nhiên hay cá bông lau nuôi trong ao bằng thức ăn công nghiệp?

Lúc nầy ở miền Nam gió chướng đã bắt đầu tràn về, gió chướng về làm không khí mát mẻ, làm con nước ngoài sông dâng cao, gió làm lao xao cây lá một góc vườn cũng là lúc con cá bông lau - loài cá ngon có tiếng của vùng sông nước Cửu Long với vùng lưng màu xanh lục, vây đuôi màu vàng cam, bụng lấp lánh trắng bạc như bông lau cũng “Đến hẹn lại trở về”. 

Cứ khoảng tháng chạp âm lịch, lúc gió chướng tràn về cũng là lúc cá bông lau bắt đầu xuất hiện dọc theo các cù lao trên sông Cửu Long. Rồi qua tết, đến khoảng tháng ba, tháng tư là hết mùa. Phải đợi đúng mùa gió chướng năm sau chúng mới xuất hiện trở lại. Tôi thầm nghĩ có giống như người ly hương, xa xứ đợi mùa gió chướng mang theo không khí tết để quay về thăm quê hương xứ sở, nơi cắt rốn, chôn rau!  

Đầu cá bông lau và các nguyên liệu nấu canh chua.

Tôi nhớ có lần vì con cá nầy mà tôi đã vượt đường xa mấy chục cây số đến tận cù lao Tân Qui nằm trên sông Hậu, nơi được xem là một trong những “thủ phủ” của những người làm nghề đánh bắt cá bông lau. Về địa giới hành chính thì nơi nầy cũng khá đặc biệt, tuy cùng một cù lao nằm giữa sông Hậu, nhưng khoảng một phần tư diện tích ở đầu cù lao Tân Qui thì thuộc xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, ba phần tư còn lại thuộc xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. 

Nếu đến cù lao Tân Qui vào mùa cá bông lau thì sẽ dễ dàng bắt gặp hàng chục ghe xuồng tập trung ở bến để “chờ tài”. “Chờ tài” có nghĩa là chờ con nước để ra khơi thả lưới, ai đến trước thì ra thả lưới trước, cứ tuần tự như vậy cho đến người đến người sau cùng, chẳng ai giành ai cho đến khi mọi người đều ra khơi hết. 

Một người dân cù lao Tân Qui cho biết lưới cá bông lau là nghề phụ kiếm thêm thu nhập lúc nhàn rỗi, nghề chính ở đây là làm vườn. Cù lao Tân Qui đất đai màu mỡ có bờ bao cao ngăn nước mặn bao bọc xung quanh, nên vườn cây trái rất xum xuê, bà con ở đây trồng nhiều nhất là chôm chôm, nhãn, mít, sầu riêng, măng cụt… Cù lao hiện nay đã có điện, nước sạch, đường giao thông thuận lợi cho người dân đi lại. 

Một số hộ dân mạnh dạn cải tạo vườn cây, ao cá để làm điểm du lịch sinh thái phục vụ khách tham quan. Còn muốn làm nghề lưới cá bông lau trước tiên phải có xuồng máy, một tay lưới dài khoảng 300-400 mét, chịu được cực khổ như đêm hôm thức canh con nước, rồi dẫn đường cho tàu ghe tránh lưới…nhưng đổi lại là niềm vui khi lưới dính cá. Chỉ cần 1 con cá bông lau cỡ 5 ký lô dính lưới là có trong tay tiền triệu! Mà cũng chẳng cần xách cá ra chợ bán cho xa xôi, một cuộc điện thoại là có thương lái chạy đến mua liền. Cá bông lau có thể chế biến thành nhiều món nhưng có lẽ ngon nhất là nấu canh chua, kho tộ hoặc chiên tươi…

Ngay khi gió chướng vừa về mà ra chợ mua được con cá bông lau đầu mùa bắt ngoài tự nhiên để nấu món canh chua cũng là một niềm vui. Cá bông lau mua về dùng muối sát, rửa nước nhiều lần cho sạch nhớt và mùi tanh, chuẩn bị một số nguyên liệu để nấu canh chua như bạc hà, cà chua, khóm, đậu bắp, giá, me, ngò gai, rau ôm, gia vị như đường, bột nêm, dầu ăn, tỏi, ớt là có thể tự tay chế biến món canh chua cá bông lau. 

Ôi khúc đầu cá còn bốc khói với cái phần bụng trắng mỡ màng gắp ra dĩa chấm với loại nước mắm ngon có dầm trái ớt là số một. Vị béo thơm của thịt cá hòa vào hương vị nước mắm ngon giàu độ đạm cùng vị cay nồng của ớt làm ngất ngây đầu lưỡi. Ăn canh chua cá bông lau với cơm nóng để ấm lòng, ăn để chờ mong tết đến!

Trần Thắng
.
.
.