Nhà vườn “sốt vó” vì mai vàng nở sớm

Chủ Nhật, 18/01/2015, 08:55
Hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều vườn mai của nhà vườn ở ĐBSCL đã nở sớm. Do thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc mai ra hoa nên số lượng mai năm nay trên thị trường giảm mạnh.

Vùng chuyên canh cây kiểng lớn nhất nhì ở ĐBSCL là huyện Chợ Lách (Bến Tre) và TP Sa Đéc (Đồng Tháp), hàng năm cung ứng cho thị trường hàng triệu sản phẩm hoa Tết đang phải đối mặt với tình trạng mai vàng nở sớm. Đi trên quốc lộ 57, từ thị trấn Chợ Lách đến Cái Mơn (huyện Chợ Lách), hai bên đường thỉnh thoảng bắt gặp những cây mai lớn trổ bông vàng rực. Những luống mai nhỏ (mai chưng) cũng lác đác trổ bông.

Anh Lê Thanh Tuấn (ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) than thở: “Năm nay ít mưa, nắng nóng kéo dài, hơn nữa lại năm nhuận (2 tháng 9 âm lịch) nên mai trổ bông sớm. Tôi sản xuất hơn 200 chậu mai vàng và 20 cây mai kiểng nhưng khoảng hơn 1 tháng nay mai lớn, mai nhỏ bắt đầu lác đác trổ bông, có cây đã gần hết nụ bông rồi. Với đà này, tới Tết chắc không còn được mấy chậu đâu”.

Thời tiết không thuận lợi, nhiều vườn mai nở sớm khiến nhà vườn lao đao.

Làng hoa Sa Đéc cũng không tránh khỏi tình trạng trên. Anh Trương Thanh Đê, người có nhiều năm trồng mai ở phường Tân Quy Đông (TP Sa Đéc) bày tỏ: “Dù tôi đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhưng vườn mai vẫn bị nở sớm. Hiện tôi đang tranh thủ tách bỏ những nụ hoa mai nở, cố gắng o bế để bán chợ Tết”.

Ông Hồ Thanh Sơn - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chợ Lách cho biết: Huyện có hàng trăm ha đất trồng hoa kiểng các loại, chủ lực là mai vàng, kiểng tắc, hoa nở. Tổng sản lượng hàng năm trên 10 triệu sản phẩm, trong đó dịp Tết cung ứng cho thị trường khoảng 5 triệu sản phẩm.

Nhiều nhà vườn trồng mai ở Chợ Lách đang thấp thỏm khi vườn hoa nở vàng rực mà vắng bóng thương lái đến đặt hàng. Theo Hội Sinh vật cảnh huyện Chợ Lách, mai bị nở sớm nên lượng cung ứng vào dịp Tết sẽ giảm hẳn. Để cây mai được thị trường chấp nhận, nhà vườn phải mướn thợ sửa mỗi ngày với mức giá lên đến 170.000 đồng và chi phí thêm 5.000 đồng dây uốn nên lợi nhuận giảm đi đáng kể.

Để bù đắp cho vườn mai đã trổ bông, các nhà vườn đang hy vọng vào tắc kiểng sẽ thay thế số lượng mai trên thị trường. Đang tỉa lại cành và vô chậu cây tắc, anh Nguyễn Văn Út (ngụ ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) cho biết: “Vài năm trước đây, cứ đến hẹn là gia đình tôi sản xuất trên 1.000 chậu mai vàng để cung ứng cho thị trường dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay số lượng giảm đi một nửa để chuyển sang đầu tư cây tắc”.

Việc nhiều hộ dân trồng mai vàng trên địa bàn huyện Chợ Lách chuyển sang đầu tư một số loại cây kiểng khác do gặp phải những khó khăn trong sản xuất. Theo anh Út, làm cây tắc nhẹ công chăm sóc, vốn đầu tư ít, thời gian ngắn hơn rất nhiều so với cây mai. Nếu sản xuất mai thì chủ vườn phải đi mua gốc, thuê ghép, dưỡng 2 năm mới bán được. Ngoài ra, để cây được thị trường chấp nhận phải mướn thợ sửa mỗi ngày. Trong khi đó, chi phí chăm sóc cây tắc nhẹ hơn mà lợi nhuận lại cao hơn khoảng 20% so với trồng mai vàng.

Theo ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, do thời tiết thay đổi thất thường nên lá mai già nhanh, nụ phát triển sớm dẫn đến hoa nở sớm. Ông Liêm khuyến cáo: Nhà vườn cần theo dõi thường xuyên vườn mai để có biện pháp xử lý kịp thời. Những cây mai trồng trong chậu cần duy trì lượng nước ổn định bảo đảm độ ẩm, cây sẽ ít bị rụng lá và bị nở sớm. Nếu cây có nhiều lá già, rụng lá nhiều thì dùng lưới che bớt nắng và thường xuyên tưới cây.

Văn Vĩnh
.
.
.