Nguy cơ ‘xóa sổ’ hệ thống giếng cổ Gio An
Các cơ quan quản lý ngoài việc đóng cọc làm chỉ dấu khuôn viên giếng cổ, rất ít khi tới đây kiểm tra. “Cha chung không ai khóc”, hệ thống 14 giếng cổ ở Gio An đã nhiều năm liền rơi vào tình cảnh đó!...
Hệ thống 14 giếng cổ ở xã Gio An, huyện Gio Linh, Quảng Trị được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, theo Quyết định số 08/2001/QĐ-BVHTT. Những giếng cổ hàng nghìn năm tuổi này mang giá trị văn hóa nghệ thuật rất độc đáo…
Tuy nhiên, hiện nay nhiều giếng đã bị khô cạn, không hoạt động được do sự tác động của thiên nhiên và con người; đặc biệt là do công tác quản lý di tích còn nhiều bất cập, thiếu trách nhiệm…
Một trong các giếng cổ ở Gio An không còn hoạt động được. |
Anh Lê Phước Hiếu, Trưởng Công an xã Gio An cho biết, hệ thống 14 giếng cổ bao gồm các giếng: Côi, Dưới, Búng, Trạng, Đào (thôn An Nha); giếng Gái 1, 2, Nậy (thôn An Hướng); giếng Tép, Ông, Bà, Gai (thôn Hảo Sơn); giếng Máng (thôn Long Sơn); giếng Pheo (thôn Tân Văn). Các giếng đều nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan, nguồn nước là mạch nước ngầm chảy ra từ trong những quả đồi này.
Theo các bậc cao niên, trải qua hàng nghìn năm nhưng các giếng cổ chưa bao giờ khô cạn. Vậy mà, từ cuối năm 2014 đến nay, hầu hết các giếng ở đây đều trở nên khô cạn bất thường, không hoạt động được. Nguyên nhân chính là do người dân khai thác đá mồ côi rầm rộ.
Anh Hiếu than phiền: “Mặc dù hệ thống giếng cổ đã được cơ quan chức năng đóng cọc xác định ranh giới, khuôn viên bảo vệ, song bên ngoài khuôn viên, người dân vẫn khai thác đá mồ côi, tàn phá thảm thực vật, làm cho đất đai không còn khả năng giữ nước. Mỗi khi có mưa lớn, đất đai bị xói lở đổ ập xuống các giếng, khiến chúng bị bồi lấp và đứt gãy các kiến tạo tự nhiên vốn có, khó khắc phục được. Nguyên nhân thứ hai, có khả năng các mạch nước ngầm của các giếng đã bị tác động mạnh từ việc khai thác đá kể trên dẫn đến chúng bị đứt, tắc không hoạt động...”.
Chúng tôi đã ghi nhận thực tế trên địa bàn xã Gio An, hầu như nơi nào cũng có hoạt động khai thác đá mồ cồi tràn lan, vô tội vạ. Dọc hai bên các tỉnh lộ 74 và 75, người dân tập kết đá dày đặc thành những đống lớn. Điều này cho thấy, ngoài những nguyên nhân trên, còn có thêm nguyên nhân nữa là do công tác quản lý, bảo vệ di tích còn nhiều bất cập, thiếu trách nhiệm.
Đơn cử, trước đây khi hệ thống 14 giếng cổ chưa trở thành di tích, mỗi khi chúng không may bị thiên tai tác động hỏng hóc, người dân trên địa bàn lập tức tổ chức sửa chữa để vừa bảo vệ được di sản của cha ông, vừa có nguồn nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn. Bởi bên cạnh nguồn nước trong mát, ngọt, ngon hiếm có, các giếng cổ còn cung cấp lượng nước lớn và thường xuyên cho ruộng đồng để trồng trọt, phát triển loài rau sạch thơm ngon đặc biệt của địa phương, có tên là rau liệt…
Nhưng kể từ khi hệ thống giếng cổ này trở thành di tích, nhất là từ sau khi trở thành di tích cấp quốc gia, với yêu cầu của các cơ quan chức năng liên quan, người dân địa phương đã tuyệt đối tuân thủ, không dám sửa chữa, hay làm thay đổi bất kỳ hiện trạng nào của giếng, dù chỉ một viên đá bị thiên nhiên tác động rời khỏi vị trí vốn có của nó.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý, những người có trách nhiệm liên quan, ngoài việc đóng cọc làm chỉ dấu khuôn viên giếng cổ, rất ít khi tới đây thăm viếng trông nom. “Cha chung không ai khóc”, hệ thống 14 giếng cổ ở Gio An đã nhiều năm liền rơi vào tình cảnh đó!...
Nhưng khi đề cập tới thực trạng các giếng cổ ở đây đang bị tác động xấu, dẫn đến khô cạn không hoạt động được, lãnh đạo Ban Quản lý di tích và danh thắng Quảng Trị vẫn chỉ trả lời một cách chung chung và qua quýt: “Để tìm ra nguyên nhân hệ thống 14 giếng cổ ở Gio An bị khô cạn bất thường, không hoạt động được, là cần sự vào cuộc tìm hiểu, nghiên cứu của các nhà khoa học”(!?)...