Người thanh niên miệt mài giữ gìn văn hóa bản làng

Thứ Ba, 02/12/2014, 09:46
Tháng 11, trên dãy Trường Sơn Quảng Trị, mưa rừng thường kéo dài từ sáng sớm cho tới tận tối mịt. Sau một ngày gập lưng làm lụng trên nương rẫy, bà con quây quần bên bếp lửa nhà sàn, còn Hồ Tu Pông Ngởi, ở bản A Mor, xã A Xing, huyện Hướng Hóa, vẫn ba lô trên lưng, bấm những bước chân thật chắc giữa mặt đường rừng trơn trượt để đến gõ cửa các già làng…

Ngởi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, song anh không chọn việc đứng trên bục giảng. Nhiệt huyết giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều đã hình thành trong anh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Ngày đó, nhìn đám bạn cùng trang lứa suốt ngày đốt thời gian trong tiếng nhạc sống xập xình, các lễ hội truyền thống với tiếng khèn, tiếng chiêng của bản dần bị mai một làm lòng Ngởi đau đáu một nỗi niềm.

Hồ Tu Pông Ngởi gặp già làng Hồ Bồi.

Mãi sau khi rời giảng đường, cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, Ngởi mới bộc bạch cõi lòng mình với cha mẹ. Anh muốn đi theo con đường riêng, muốn làm mọi cách để phục dựng, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống bản làng. Nhiều đêm vắt tay lên trán trăn trở, cuối cùng người cha vì quá thương con và cũng vì đau đáu với văn hóa truyền thống của đồng bào mình mà đã đồng ý. Từ đó, cứ khi màn đêm xuống bản là Ngởi lại vác ba lô lên vai, gõ cửa từng già làng, trưởng bản, những nghệ nhân… để hỏi han và ghi chép cẩn thận những câu chuyện mà họ kể.

Sau đó, Ngởi nghiền ngẫm từng câu chuyện nghe được rồi suy nghĩ cách tuyên truyền đến lớp trẻ. Sau ba năm, Ngởi đã sưu tầm, biên soạn đầy đủ hơn 100 câu chuyện về văn hóa truyền thống của người Pa Cô, Vân Kiều trên dãy Trường Sơn của tỉnh Quảng Trị; sưu tầm, bảo tồn và phục dựng hơn 20 loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào, kèm theo đó là cách thổi, cách chơi nhạc và những hoàn cảnh cụ thể để thể hiện những loại nhạc cụ này.

Quá trình đi thực tế để thực hiện công việc của mình, Ngởi còn nảy ra ý tưởng là phải sử dụng hình ảnh sống động để tuyên truyền, hướng dẫn bà con về việc giữ gìn vệ sinh; ăn chín, uống sạch, sống xanh để tiến kịp với đồng bằng! Anh tìm đến các con sông, dòng suối, nơi bà con và trẻ em hay tập trung để lấy nước sinh hoạt, dùng điện thoại quay lại rồi mang về dựng lên thành phim. Niềm vui nhất đối với anh, là sau mỗi buổi chiếu phim, bà con ở đây đã dần thay đổi được nhận thức từ việc biết uống nước sạch, vệ sinh nhà cửa cho đến cho con em mình đi dép mỗi ngày!

Phan Thanh Bình
.
.
.