Nghĩa trang tự phát 'lấn át' khu dân cư

Thứ Hai, 09/03/2015, 09:10
Ở phường Tân Thới Hiệp thuộc quận 12, TP HCM có khu phố mồ mả tính ra còn nhiều hơn nhà cửa. Theo chính quyền địa phương cho biết, sở dĩ mồ mả nhiều như vậy là vì thông thường mỗi gia tộc đều có khu nghĩa trang riêng, mà trong một quận thì có biết bao gia tộc!

Bình quân mỗi năm, TP HCM có khoảng 25.000-30.000 người chết, nhưng chỉ có khoảng phân nửa số người chết được hỏa táng. Đối với những gia đình khá giả thì an táng người thân ở các khu nghĩa trang (NT) đạt chuẩn mới hình thành như Đa Phước (Bình Chánh), Phúc An Viên (quận 9) hoặc NT ở các tỉnh lân cận như Bồng Lai Viên (Long An), NT Bình Dương (Bình Dương), Hoài An Viên (Đồng Nai)…

Số còn lại do hoàn cảnh kinh tế khó khăn và nhiều nguyên nhân khác, đã đem chôn người thân ở các NT gia tộc, NT tư hoặc trên khu đất của gia đình. Vì các NT tự phát, không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nhiều vấn đề phức tạp liên quan…

“Người chết phải đem chôn” là một phong tục tập quán có từ lâu đời, do vậy muốn thay đổi không thể một sớm một chiều. Ở nội thành, do điều kiện không cho phép nên khi có người qua đời, người thân của họ thường đem hỏa táng, số ít đem chôn ở các NT đạt tiêu chuẩn. Còn đối với người dân ngoại thành, đất đai vốn còn khá nhiều nên chủ yếu đem chôn người chết.

Một khu nghĩa trang tự phát ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức.

Mặt khác, trong nếp nghĩ của người còn sống hay lời trăn trối của người chết trước lúc ra đi đều muốn nơi an nghỉ cuối cùng phải là nơi “chôn nhau cắt rốn” và được “nằm cùng” với các bậc tiên sinh. Chính vì lẽ đó mà ở các quận, huyện như  9, 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi mọc lên đầy mồ mả. Mồ mả không chỉ khuất sau rặng tre, vườn tược, mà hiển hiện ngay trên các trục lộ chính và xen kẽ trong các khu dân cư ở trung tâm đô thị.

Quận Thủ Đức, một trong những quận đô thị hóa khá nhanh, hệ thống đường sá hầu hết được trải nhựa, nhà cửa khang trang mọc lên hai bên đường. Tuy nhiên, đi dọc theo các con đường xương cá nằm cắt ngang đường Hoàng Diệu 2 chạy qua hai phường Linh Trung, Linh Chiểu, mọi người dễ dàng nhận thấy phía sau các căn nhà là những khu NT của gia tộc, của làng (trước đây) và mồ mả nằm rải rác trước, sau sân nhà.

Tương tự là ở phường Tân Thới Hiệp thuộc quận 12, có khu phố mồ mả tính ra còn nhiều hơn nhà cửa. Theo chính quyền địa phương cho biết, sở dĩ mồ mả nhiều như vậy là vì thông thường mỗi gia tộc đều có khu NT riêng, mà trong một quận thì có biết bao gia tộc!

Cạnh quận 12 là huyện Hóc Môn, mồ mả nằm xen kẽ trong khu dân cư dường như địa bàn xã nào cũng có. Trong một lần men theo đường Lê Văn Khương thuộc xã Đông Thạnh, chúng tôi thử rẽ vào các con hẻm nhỏ hai bên đường thì thấy hầu hết đều có những “thành phố ma”. Người sống và người chết chỉ “ở” cách nhau vài tấc đất, rác thải trong sinh họat được vứt lung tung, cây cối um tùm tạo thành những khu dân cư nhếch nhác.

Đặc biệt, do khu vực này chưa có hệ thống nước máy nên hầu hết người dân phải sử dụng nước giếng khoan. Dẫu biết nước bị ô nhiễm bởi nghĩa địa ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng vì hoàn cảnh đành phải cắn răng chịu đựng.

Ngoài ra, việc chôn cất lung tung còn  gây khó khăn rất lớn trong việc qui hoạch giải tỏa. Bởi lẽ, nếu ở khu vực qui hoạch nào đó mà có nhiều mồ mả chỉ mới chôn một vài tháng thì người thân họ nhất quyết chưa chịu bốc mồ, mà phải đợi đến một vài năm. Trong khi đó, biện pháp cưỡng chế (mồ mả) lại cực kỳ khó khăn vì rất dễ bị kích động.

Ngày 5/3/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2008/NĐ-CP về xây dựng quản lý sử dụng NT. Trong đó quy định rất cụ thể về việc quy chuẩn xây dựng, quản lý, sử dụng NT, cũng như việc táng người chết và di dời các NT tự phát, mồ mả riêng lẻ để đi đến mục đích cuối cùng là đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị.

Cũng theo Nghị định 35/CP-CP, NT hung táng (là hình thức mai táng thi hài trong khoảng một thời gian nhất định, sau đó sẽ được cải táng), NT chôn cất một lần không được bố trí trong đô thị. Các NT hiện có trong đô thị không đạt tiêu chuẩn về môi trường phải ngừng sử dụng và có kế hoạch di dời.

Bên cạnh nghị định này, cũng trong năm 2008, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 04/2008/QĐ-BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Theo đó, khoảng cách an toàn về môi trường nhỏ nhất từ NT hung táng đến  đường bao khu dân cư, trường học, bệnh viện… là từ 500-1.500m; còn NT chôn cất 1 lần là 500m. Đối chiếu với thực tế hiện nay thì hầu hết các NT tự phát ở khu vực đô thị TP Hồ Chí Minh đều không đạt tiêu chuẩn và phải di dời.

Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài chủ trương di dời khoảng 90.000 ngôi mộ ở NT Bình Hưng Hòa về NT Đa Phước (Bình Chánh), còn rất nhiều NT tự phát khác còn lại thì UBND TP Hồ Chí Minh chưa đả động đến.

Vì chưa có quy định cụ thể nên UBND các quận, huyện cũng chỉ dừng ở mức chỉ đạo cho UBND cấp phường, xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân không chôn cất người thân trong khu dân cư, NT gia tộc, NT Hội quán – Hội đoàn và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các trường hợp lập NT mới, mở rộng NT, chôn cất người chết trên địa bàn do phường quản lý.

Đồng thời vận động người dân chuyển sang hình thức táng khác là hỏa táng để vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chôn cất lung tung vẫn còn diễn ra nhưng chính quyền địa phương rất khó can thiệp vì đó là chuyện rất tế nhị.

Một lãnh đạo phường Bình Thọ (quận Thủ Đức) kể: “Một lần, hay tin có người chết được người thân đem chôn ở khu đất phía sau nhà, chúng tôi liền cử cán bộ phường xuống vận động đem chôn ở các NT đã quy hoạch hoặc hỏa táng thì gia đình liền đồng ý. Thấy bảng cáo phó ghi động quan lúc 6 giờ sáng nên khoảng 5 giờ, phường cử cán bộ xuống giám sát thì mới hay họ đã đem chôn ở khu đất sau nhà vào lúc 2 giờ!”

Một trường hợp khác ở quận 9, trong một đám tang, bảng cáo phó ghi rõ “an táng tại NT Phúc An Viên”, nhưng sau đó thì đem chôn ở khu đất gia tộc. Khi cán bộ phường xuống kiểm tra cũng đành phải đứng nhìn chứ không thể làm gì hơn! 

Từ phân tích trên cho thấy, sở dĩ chính quyền cấp cơ sở ở TP Hồ Chí Minh chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc chôn cất mới, cũng như di dời mộ riêng lẻ, mộ trong NT tự phát là do chưa có quyđịnh cụ thể của UBND TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, mà câu hỏi "Bao giờ TP Hồ Chí Minh mới hết những thành phố ma?" đang còn treo lơ lửng và đang rất cần lời giải đáp để có một thành phố mỹ quan hơn, văn minh hơn và an toàn hơn về môi trường.

M.Hải
.
.
.