Mong mỏi một cây cầu qua sông Vu Gia

Thứ Sáu, 11/12/2015, 09:08
Hàng trăm hộ dân của xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đều mong mỏi có một cây cầu bắc qua dòng Vu Gia để xóa thế cô lập “ốc đảo”, thuận tiện trong việc đi lại, làm ăn. Nhất là cho con em của họ đi học không phải cách trở đò giang đầy rẫy nguy hiểm rình rập, học hành đến nơi, đến chốn...

Ông Ngô Vinh, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, cho biết, “ốc đảo” của xã gồm 4 thôn: Tân Đợi, Đồng Chàm, Tam Hiệp và Đầu Gò, có hơn 400 hộ dân, với trên 1.400 nhân khẩu. 

“Khu vực 4 thôn nằm giữa sông Vu Gia. Từ đây muốn sang trung tâm xã chỉ duy nhất đi đò ngang vượt sông. Nhưng, đò ngang chỉ hoạt động vào mùa nắng. Mùa mưa lũ nước sông cuộn chảy nên phải tạm ngưng, chờ tới khi nước rút mới thông thương trở lại…”, ông Vinh chia sẻ. 

Đò là phương tiện đi lại duy nhất của người dân “ốc đảo” qua trung tâm xã Đại Sơn.

Cũng vì cách trở đò giang mà tình trạng học sinh tại các thôn “ốc đảo” bỏ học vẫn chưa giảm. Cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân, Hiệu phó Trường THCS Tây Sơn, nằm ở trung tâm xã Đại Sơn, cho hay, mỗi niên khóa có từ 70-80 học sinh của 4 thôn “ốc đảo” được vào học tại trường. Tuy nhiên, mùa nắng, các em đi đò qua sông học hành bình thường, còn đến mùa mưa lũ phải nghỉ học ở nhà. Thậm chí, nếu mùa mưa lũ kéo dài, các em nghỉ học đến cả tháng trời. Để giúp các em theo kịp chương trình học, nhà trường tổ chức dạy bù cho các em, song cũng gặp không ít khó khăn… 

Tìm hiểu mới hay, 4 thôn “ốc đảo” của xã Đại Sơn chỉ có trường học cho học sinh cấp I. Khi được lên cấp II, cấp III, các em phải qua trung tâm xã học. Mùa mưa lũ, đò ngang ngưng hoạt động và việc học của các em phải dở dang khiến các em không theo kịp chương trình học, đâm ra có không ít em chán nản, bỏ dở sách vở nửa chừng. 

Em Hà Văn Tiên (trú thôn Tam Hiệp, học sinh lớp 7/1 Trường THCS Tây Sơn) cho biết, vì điều kiện đi lại học tập quá khó khăn nên anh và chị của em học hết lớp 5, lên lớp 6, dù học lực giỏi nhưng phải nghỉ học. Trong nhà chỉ còn mình em tiếp tục đi tìm “cái chữ”, mấy năm liền em đều đạt học lực loại giỏi và ước mơ sao có một cây cầu nối liền “ốc đảo” với trung tâm xã để việc học hành của em và các thế hệ sau này được thuận lợi…

Do bị cô lập nên việc khám chữa bệnh của người dân các thôn “ốc đảo” cũng rất bị động. Ông Lê Văn Lộc, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đầu Gò, tâm sự rằng, những năm trước thôn Đầu Gò có Trạm sơ cứu khu 2, người dân còn được chăm sóc y tế tương đối thuận lợi, nhưng từ năm 2013, trạm này dừng hoạt động. Nhiều khi ban đêm mưa gió trong thôn có phụ nữ đến kỳ sinh nở, song vì đò giang cách trở không thể qua trạm xá xã bên kia sông, đành ở nhà “vượt cạn” may ít rủi nhiều... 

Ông Ngô Vinh cho biết thêm, chính quyền xã đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên cho xây một cây cầu bắc qua sông Vu Gia nối các thôn “ốc đảo” với trung tâm xã. 

Mới đây, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, cử tri tỉnh Quảng Nam cũng có kiến nghị ngành Giao thông vận tải hỗ trợ xây dựng một cây cầu treo nối thôn Tân Đợi và thôn Hội Khánh về trung tâm của xã Đại Sơn để giải quyết nhu cầu đi lại, cứu nạn, cứu hộ trong mùa mưa bão cho người dân trong khu vực và lãnh đạo Bộ GTVT có công văn trả lời, ghi nhận ý kiến của cử tri, hứa sẽ giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan để khảo sát, nghiên cứu, xem xét việc bổ sung cầu này vào đề án theo quy định…

Ngọc Thi
.
.
.