“Mỗi xã một sản phẩm-OCOP”, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân Vĩnh Phúc

Thứ Ba, 01/10/2019, 10:07
Trong thời gian qua, Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), theo đó đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, và các sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều địa phương và được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao.


Theo đó, các mô hình sản xuất, sản phẩm  này đã giúp nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư khu vực nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Xây dựng vùng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm

Theo thống kê, đến hết năm 2018, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 225 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm hơn 35% số lượng hợp tác xã) với tổng số hơn 83.000 thành viên; trong đó có 159 hợp tác xã tổng hợp; 42 hợp tác xã chăn nuôi; 22 hợp tác xã trồng trọt và 2 hợp tác xã thủy sản. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã nông nghiệp đạt khoảng 930 triệu đồng/năm. 

Mỗi ngày, HTX dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh hàng nông sản An Hòa, xã An Hòa, huyện Tam Dương cung cấp cho thị trường 3-4 tấn dưa chuột. Ảnh Nguyễn Lượng

Tận dụng những lợi thế về tự nhiên, đến nay, huyện Tam Dương đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, các sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh như: Vùng sản xuất rau ăn lá ở Vân Hội, Duy Phiên; vùng sản xuất dưa chuột ở An Hòa, Hướng Đạo, thị trấn Hợp Hòa; vùng sản xuất su su, mướp ở Kim Long; vùng sản xuất bí đỏ ở Hoàng Lâu, Thanh Vân, thị trấn Hợp Hòa. 

Trên địa bàn huyện, hiện đã thành lập được các HTX sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP như: HTX RAT Vân Hội Xanh, HTX RAT Vĩnh Phúc, HTX Dịch vụ Nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa... Đồng thời, hình thành 3 khu chăn nuôi tập trung có hiệu quả kinh tế cao với tổng diện tích gần 51 ha, với số lượng trên 200 nghìn con gia súc, gia cầm...

Thực tế, hơn 5 năm qua, triển khai thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có lợi thế, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có hơn 100 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.  

Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp được công nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa như: Su su Tam Đảo (Tam Đảo); gạo Long Trì (Tam Dương); thanh long ruột đỏ, cá thính (Lập Thạch)... góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn với bình quân thu nhập hết năm 2018 đạt trên 38 triệu đồng/người/năm; tạo tiền đề quan trọng để tỉnh triển khai, thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Là một trong những hợp tác xã đầu tiên trong cả nước ứng dụng triển khai phần mềm VietGAP điện tử trong trồng trọt, Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc là một mô hình về phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả khá tích cực. 

HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh hiện có quy mô gần 12 ha sản xuất rau an toàn, mỗi tháng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục tấn rau, củ, quả an toàn các loại. Nhờ phần mềm này mà sản lượng rau của hợp tác xã trong 2 tháng nay đều tăng hơn từ 5 - 10% so với trước đây.

Chị Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh cho biết, cuối năm 2018, hợp tác xã bắt đầu ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử vào sản xuất. Nhờ ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử trên máy tính hoặc trên điện thoại thông minh mà giờ đây hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã trở nên khoa học, thuận lợi hơn trước. 

Thành viên hợp tác xã không còn phải lo ghi chép nhật ký sản xuất bằng tay, bởi chỉ cần tra cứu trên điện thoại là tất cả quy trình sản xuất, tiêu thụ đều được hiển thị. Bên cạnh đó, không chỉ việc quản lý vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và việc giám sát quy trình sản xuất của từng thành viên cũng thuận lợi hơn.

Mô hình trồng dưa chuột của HTX rau an toàn An Hòa (Tam Dương) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trà Hương

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Dương cho biết, bên cạnh các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản lợi thế, huyện còn có những sản phẩm đặc trưng, truyền thống như bánh hòn Hợp Thịnh, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Bên cạnh kết quả đạt được, các sản phẩm lợi thế, đặc trưng của huyện vẫn còn rất nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. 

Theo ông Sơn, nguyên nhân là do vẫn còn tư duy sản xuất nhỏ lẻ; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn chưa chặt chẽ và bền vững, chưa hình thành được các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; việc áp dụng đồng bộ hóa tiêu chuẩn sản phẩm còn hạn chế dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; công tác đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức... 

Đơn cử như sản phẩm dưa chuột ở xã An Hòa. Mặc dù đã quy hoạch được vùng trồng dưa theo quy trình VietGAP có diện tích 32ha, song, do chưa xây dựng được thương hiệu nên vẫn xảy ra tình trạng bị tư thương ép giá khiến người dân nơi đây chưa yên tâm để đầu tư và mở rộng diện tích.

“Mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm gắn với xây dựng NTM

Trên thực tế, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, đầu ra nông sản chưa ổn định; số lượng nông sản được doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân còn ít... đã và đang đang là "rào cản" để nông nghiệp có những bứt phá, giúp nông dân có thu nhập ổn định và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, tham gia đóng góp sức người, sức của cho công cuộc xây dựng NTM tại các địa phương.

HTX rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội (Tam Dương) hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho các xã viên. Ảnh: baovinhphuc.com.vn

Xác định thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm gắn với xây dựng NTM và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển khu vực kinh tế nông thôn, tỉnh chủ trương phát triển và tiêu chuẩn hóa 13 sản phẩm thế mạnh bao gồm: Thanh long ruột đỏ (Lập Thạch); su su, trà hoa vàng, ba kích (Tam Đảo); chuối tiêu hồng (Yên Lạc); rau an toàn (Vĩnh Tường, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Yên); dưa chuột an toàn, gạo Long Trì, trứng gà an toàn (Tam Dương); thịt gà an toàn (Tam Dương, Tam Đảo); thịt lợn an toàn Phát Đạt, thịt lợn thảo dược (Phúc Yên); rắn và các sản phẩm chế biến từ rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) và phấn đấu các sản phẩm tham gia chương trình đạt từ 3 sao trở lên.

Theo đó, hiện nay, bên cạnh việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dân, các HTX và doanh nghiệp hiểu về mục đích, ý nghĩa của chương trình đem lại, các địa phương đã và đang tập trung hỗ trợ các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng nhằm tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...

Với chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" sẽ giúp nhân dân, các HTX và doanh nghiệp tiếp cận được với phương pháp SXKD mới, làm thay đổi cách nghĩ, tập quán sản xuất, tạo sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn, có thị trường tiêu thụ, giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh.

Để hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, cuối năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”. Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2020 có 256 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. 

Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ dành 9 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực và tư vấn cho các hợp tác xã tham gia thí điểm mô hình áp dụng công nghệ cao; hỗ trợ thiết bị, in nhãn mác, bao bì xuất xứ sản phẩm hàng hóa. 

Vĩnh Phúc hỗ trợ 100% chi phí tổ chức thực hiện áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ các hợp tác xã xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường .

Đặc biệt, trong Đề án, Vĩnh Phúc sẽ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng về làm việc tại 5 hợp tác xã nhằm nâng cao nguồn nhân lực cho các hợp tác xã.

Phan Đức
.
.
.