Giải đáp những thông tin "hot" nhất về lộ trình thay thế sổ hộ khẩu, CMND
Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND: Kính thưa các vị khách mời, các bạn đồng nghiệp cùng đông đảo độc giả trong và ngoài nước.
Buổi giao lưu trực tuyến "Giải pháp, lộ trình thay thế sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư" đã diễn ra trong vòng 2h với hàng loạt câu hỏi của độc giả. Các câu hỏi này đều được giải đáp một cách đầy đủ và chi tiết. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi được gửi tới toà soạn của chúng tôi mà chưa được giải đáp. Có thể nói rằng, các câu hỏi này là những thắc mắc phát sinh bước đầu khi Nghị quyết 112 có hiệu lực. Đây là nòng cốt trong việc thay đổi cách thức quản lý dân cư từ phương pháp thủ công sang phương pháp mới tiến bộ hơn. Qua buổi giao lưu, tôi rất mong độc giả trong và ngoài nước, đặc biệt là những độc giả đang quan tâm, có thắc mắc liên quan đến Nghị quyết 112 hãy tiếp tục gửi câu hỏi tới toà soạn của chúng tôi. Báo CAND sẽ cùng các cơ quan chuyên môn của Bộ Công an và Chính phủ tập hợp các thắc mắc để đề xuất các biện pháp giải quyết cụ thể. Thay mặt cán bộ, chiến sĩ Báo CAND chúc sức khoẻ 3 vị khách mời, các đồng nghiệp cũng như toàn bộ độc giả. |
Thiếu tướng Phạm Văn Miên tặng ảnh lưu niệm các vị khách mời. |
* Kinh nghiệm của các quốc gia và giải pháp cho Việt Nam
- Kinh nghiệm quản lý nhân khẩu ở một số nước hiện nay như thế nào? Và các vị khách mời có kiến nghị gì để Nghị quyết 112 thực sự đi vào cuộc sống, đem lại những lợi ích thiết thực phục vụ nhân dân?
- Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Hiện nay, tất cả các quốc gia với mọi chế độ chính trị khác nhau đều luôn đặt công tác quản lý dân cư, con người luôn giữ vị trí quan trọng trong chính sách an sinh xã hội đối với người dân. Ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… thì thường quản lý theo hộ gia đình. Các quốc gia châu Âu, Mỹ và một số nước khác thì quản lý theo cá nhân bằng số thẻ an sinh xã hội, thẻ bảo hiểm, bằng lái xe...
Như vậy, quốc gia nào cũng phải quản lý công dân để biết đó là ai cư trú ở đâu và trên cơ sở đó thì hoạch định chính sách hoạch định xã hội và đảm bảo an ninh trật tự và an sinh xã hội. Tuy nhiên, trình độ quản lý ở các quốc gia lại khác nhau , phù hợp với điều kiện phát triển hạ tầng và phong tục tập quán của từng nước.
Theo tôi, để tổ chức, triển khai thực tế thì Bộ Công an phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như triển khai hạ tầng kỹ thuật đồng thời cùng các bộ ngành, địa phương có liên quan cùng phối hợp triển khai. Trên cơ sở đó mới phát huy được hết tác dụng và tính ưu việt của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đảm bảo việc cung cấp và khai thác thông tin.
Các công dân khi kê khai thông tin phải đảm bảo thông tin gốc chính xác, khê khai đúng để nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cho chuẩn. Đây cũng chính là căn cứ quan trọng để thực hiện lộ trình đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
- Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam: Thứ nhất là để Nghị quyết 112 của Chính phủ đi vào thực tế, nhất là trong lĩnh vực quản lý cư trú thì Bộ Công an chủ trì phải được đảm bảo cấp kinh phí, con người để có biện pháp, đề án thực hiện theo đúng chức năng của mình.
Thứ hai là để Nghị quyết đi vào cuộc sống thì phải phụ thuộc vào Luật, các Nghị định, Thông tư… trình lên Quốc hội, Chính phủ tùy theo loại văn bản để sửa đổi, thay thế bằng văn bản mới.
Vấn đề thứ ba là đối với người dân, phải có tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tiếp cận được cách quản lý này, làm quen với cuộc sống số và quản lý số.
Đại tá Trần Kim Thẩm tại buổi GLTT cùng BTV dẫn chương trình tại buổi GLTT. |
* Có hay không "làn sóng" di cư mới về Hà Nội và TP HCM khi bỏ sổ hộ khẩu?
- Khi soạn thảo dự án Luật Thủ đô, nhiều ý kiến cho rằng cần thắt chặt quản lý hộ khẩu để ngăn dòng người nhập cư, tránh thủ đô quá tải. Tuy nhiên, thực tế do nhu cầu lao động, học tập, dòng người nhập cư về Thủ đô là một tất yếu, việc siết nhập khẩu dễ phát sinh tiêu cực trong làm thủ tục nhập khẩu chứ không ngăn được tỷ lệ người nhập cư. Ông đánh giá gì về vấn đề này?
- Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATPHN: Đối với dự án Luật Thủ đô có rất nhiều quy định cụ thể để hạn chế, giảm bớt tỉ lệ tăng dân số cơ học, tuy nhiên về bản chất không làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân. Ngay theo quản lý cư trú bằng phương pháp thủ công thì các vấn đề phát sinh tiêu cực có thể xảy ra, để đảm bảo khắc phục được việc này, thì vấn đề hiện đại hóa phương pháp quản lý dân cư sẽ được đặt lên hàng đầu và trong đó mọi thông tin của công dân sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu và được minh bạch hóa, do đó sẽ hạn chế được tối đa các vấn đề tiêu cực có thể phát sinh.
- Nơi nào kinh tế phát triển chắc chắn thu hút lao động, người nhập cư. Nếu bỏ hộ khẩu và các giấy tờ ăn theo liệu có xảy ra làn sóng nhập cư về các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM không? Giải bài toán này như thế nào?
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an:: Vấn đề di cư và vấn đề lao động nhập cư đang là thực trạng là bức xúc chung không riêng của nước ta mà của nhiều nước trên thế giới. Với việc phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch thì việc dân cư từ các vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn di chuyển đến các vùng hạ tầng phát triển, có việc làm, có thu nhập đó là điều tất yếu.
Liên quan đến sự phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các vùng miền khác nhau. Qua vấn đề này cần tham mưu cho Chính phủ, bộ ngành có chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp để phân bổ dân cư, tránh việc dân cư tập trung quá nhiều một nơi.
Để giải quyết được vấn đề này cần phải tham mưu đồng bộ các chính sách để đảm bảo được hạ tầng kỹ thuật, tính toán để đưa công ăn việc làm, xây bệnh viện, trường học đến những vùng miền.
Để giải quyết vấn đề hạn chế nhập cư phải có chính sách tổng thể, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành chứ không phải thông qua Sổ hộ khẩu.
Toàn cảnh buổi GLTT. |
* Làm gì để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân?
-Theo tôi biết CA thành phố HN có chỉ đạo Công an các huyện thị xuống tận các xã phường thị trấn làm thẻ căn cước công dân cho nhân dân địa phương. Nhưng xã Tích Giang, Phúc Thọ, HN chúng tôi chưa được công an huyện xuống tổ chức làm thẻ căn cước, mà ai cần làm phải đến cơ quan công an huyện làm nên hạn chế việc cấp thẻ căn cước đồng loạt cho công dân trong thời gian qua. Xin hỏi bao giờ Công an huyện Phúc Thọ mới xuống xã làm thẻ căn cước cho nhân dân Tích Giang?
- Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATPHN: Liên quan đến việc cấp thẻ CCCD lưu động, theo chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Công an các quận, huyện sẽ cấp CCCD lưu động tại các xã, phường, thị trấn. Đối với xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, nếu người dân chưa được cấp CCCD lưu động thì chúng tôi sẽ trao đổi cụ thể về vấn đề này với Công an huyện Phúc Thọ. Nhưng quý độc giả cũng phải thông cảm vì trên thực tế, khối lượng công việc quá lớn và chúng tôi chủ trương các xã sẽ được cấp CCCD luân phiên, kể cả các trường học.
-Việc thu thập dữ liệu thông tin dân cư ở cơ sở thành thị chủ yếu dựa vào cảnh sát hình sự, tổ trưởng dân phố, cốt cán trong tổ và khu vực. Nhưng thực tế có những CSKV, Tổ trưởng dân phố.v.v. không có năng lực ghi chép, hướng dẫn người dân kê khai, cung cấp dữ liệu. Làm cách nào khắc phục được hạn chế này?
- Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Như đã nói ở trên, chúng ta có nhiều nguồn thu thập thông tin, thứ nhất là thông qua cơ sở dữ liệu có sẵn mà Bộ Công an đang quản lý; Thứ hai, là theo các văn bản đã có như hộ tịch, hộ khẩu, bảo hiểm y tế..; Thứ ba, đối với các trường hợp còn thiếu thông tin, chúng tôi sẽ phát biểu mẫu thu thập thông tin theo Luật Căn cước.
Ngoài việc được số hoá, các biểu mẫu sẽ được đính kèm hướng dẫn cụ thể, giúp người dân dễ dàng tự mình cung cấp thông tin cá nhân. Trong trường hợp công dân không có khả năng tự kê khai, lực lượng cảnh sát khu vực sẽ phối hợp với các lực lượng hỗ trợ khác giúp người dân hoàn thành việc kê khai. Sau đó, chúng tôi sẽ căn cứ vào sổ sách để đối chiếu, xác thực thông tin trước khi nhập dữ liệu cuối cùng vào hệ thống.
Các vị khách mời tại buổi giao lưu. |
-Vấn đề bức xúc của người dân liên quan hộ khẩu là rất lớn. Vậy Bộ Công an có rà soát lại những phiền hà như việc cơ quan hành chính lạm dụng việc phải có sổ hộ khẩu để làm khó người dân hay không?
-Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Trong đề án 896 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan rà soát tất cả các thủ tục liên quan đến công tác quản lý hộ khẩu, theo kết quả rà soát của 24 Bộ, ngành, cơ quan liên quan, đến nay, trong tổng số 1.934 thủ tục hành chính thì có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết thủ tục hành chính, đã đề xuất đơn giản hóa 1.126 thủ tục (58,2%), trong đó đề xuất hủy bỏ 34 thủ tục, đơn giản hóa trình tự trong từng thủ tục đối với 28 thủ tục, cắt giảm thành phần hồ sơ đối với 1.042 thủ tục, sửa nội dung mẫu đơn đối với 812 mẫu đơn, 201 tờ khai và đơn giản hóa 22 giấy tờ công dân…
Đã đề xuất rà soát, bổ sung đối với 399 thủ tục hành chính, đề xuất đơn giản hóa mạnh mẽ hơn đối với 406 thủ tục. BCA đã tham mưu cho Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan liên quan trong Bộ như các đơn vị phụ trách xuất nhập cảnh, đăng ký phương tiện… chỉ đạo các Bộ, ngành khác cũng rà soát, trình Chính phủ đơn giản hóa thủ tục hành chính của các Bộ, ngành khác. BCA chủ động trong đề xuất với Chính phủ để rà soát thủ tục liên quan đến hộ khẩu để tránh việc lạm dụng các quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Các vị khách mời trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu trực tuyến. |
- Chỉ nói về tài khoản ngân hàng CMND 9 số khi đổi 12 số căn cước, ngân hàng không chịu cập nhật mà bắt về lấy giấy chứng minh căn cước với CMND (hết giá trị). Giải quyết thực tế này như thế nào nếu không dân chúng tôi tiếp tục thấy nhiêu khê, mệt mỏi? (Bạn đọc Nguyễn Đức Chính ở Quảng Trị hỏi).
Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam trả lời: Đối với khách hàng ở lĩnh vực ngân hàng tác phong phục vụ và thái độ phục vụ khách hàng của từng ngân hàng là khác nhau, chúng ta là những người dân chúng ta cần lựa chọn những Ngân hàng phục vụ tốt nhất. Nhưng trong khi phục vụ tốt nhất có thể Ngân hàng vẫn cần phải căn cứ vào pháp luật, đúng pháp luật còn những điều không đúng pháp luật thì người dân phải tự thực hiện, tự làm lấy.
Trong thời gian quá độ hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia chưa hoàn thành, một số văn bản pháp luật chưa hoàn thành thì phải có thời gian nhất định để thực hiện và cũng cần thời gian nhất định để lượng người đưa thông tin vào đầy đủ để thực hiện. Trong quá trình đó sẽ có những vướng mắc nhưng có sự hướng dẫn một cách đầy đủ về luật thì người dân vẫn sẽ thực hiện bình thường.
Thiếu tướng Phạm Văn Miên phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến. |
* Chờ đợi mã định danh cá nhân hay tiếp tục làm hộ khẩu, sổ tạm trú?
- Với những người dân đang chuẩn bị làm hộ khẩu, sổ tạm trú, băn khoăn không biết có tiếp tục làm hay tiếp tục chờ đợi mã định danh cá nhân? Bạn đọc Trần Trung Thành ở Khánh Hòa hỏi.
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Việc thành lập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là bước hiện đại hoá công tác quản lý cư trú từ thủ công sang hiện đại. Hiện nay, công tác đăng ký quản lý cư trú sẽ tiếp tục được thực hiện theo đúng Luật Cư trú. Công dân thường trú, tạm trú ở đâu thì tới cơ quan Công an địa phương cấp phường, xã tại đó để đăng ký thường trú, tạm trú như bình thường, không phụ thuộc và việc cấp mã định danh cá nhân.
Nếu các cháu sinh năm 2017 đã có số định danh trong giấy khai sinh có cần nhập vào hổ khẩu gia đình nữa hay không? (bạn đọc Lê Xuân Kỷ, Hà Nội).
Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam: Nếu mã số định danh có hiệu lực pháp luật rồi thì chúng ta sẽ phải làm theo mã số định danh, còn nếu chưa thì chưa có hiệu lực pháp luật mà làm theo là không được.
Nhưng vấn đề ở đây là việc hoạt động phải đồng bộ, có thể trong một ngành, một đơn vị hoặc một tỉnh thành nào đấy thì mới thực hiện được chứ về mặt pháp luật không bao giờ có chuyện rằng một mình mình lại có mã số định danh và được cung cấp và thực hiện những ưu việt của mã số định danh. Trong khai sinh cho cháu cũng như vậy, nếu cháu vào thời điểm đấy mã số định danh đã được pháp luật quy định và nó được thực hiện và nó đã đáp ứng được cơ sở hạ tầng thì chúng ta sẽ áp dụng mã số định danh vào là xong.
-Theo quy định, mỗi người có một mã số định danh cá nhân và không lặp lại ở người khác. Vậy khi đến giải quyết các thủ tục hành chính, người dân vẫn phải trình thẻ căn cước công dân (số thẻ căn cước công dân sẽ là mã số định danh cá nhân) hay chỉ cần đọc mã số định danh cá nhân? Liệu có xảy ra trường hợp, người này đọc mã số định danh của người khác nhằm mục đích của riêng họ?
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Hiện nay, công dân Việt Nam đang sử dụng 2 loại giấy tờ là Căn cước công dân (CCCD) hoặc CMND để giao dịch. Người dân sử dụng CCCD thì đã có mã số định danh cá nhân. Khi giải quyết thủ tục hành chính, người dân vẫn phải xuất trình một trong 2 loại giấy tờ. Đối với CCCD thì khi giải quyết các thủ tục hành chính, vẫn phải trình để chứng minh lai lịch của mình. Việc dùng mã số định danh để tra cứu thông tin, giúp công dân loại bỏ việc kê khai các mẫu đơn, tờ khai như vẫn làm mọi khi.
Chúng tôi cũng có những biện pháp tránh tình trạng khai thác thông tin của người khác. Công dân chỉ được quyền khai thác thông tin của chính mình chứ không phải cứ dùng một mã số định danh bất kỳ là có thể khai thác thông tin được. Đối với các cháu dưới 14 tuổi thì có sẵn mã số định danh trong giấy khai sinh. Chỉ cần nhập con số này là có thể lấy được thông tin.
Các BTV Báo CAND Điện tử đang chuyển các câu hỏi của độc giả tới các vị khách mời. |
* Bỏ sổ hộ khẩu, CMND sẽ gặp những rắc rối gì?
- Khi bỏ sổ hộ khẩu, CMND sẽ kéo theo nhiều thay đổi trong quản lý ngành khác như ngân hàng, mã số thuế, kiểm tra hành chính… Chúng ta có lường hết những rắc rối này không?
Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam: Tôi nghĩ, nếu như theo NQ112 về việc bãi bỏ hình thức quản lí dân cư bằng đăng kí hộ khẩu chuyển sang hình thức mới là mã số định danh, dĩ nhiên trong quá trình tổ chức và thực hiện làm sao để mã số định danh thực hiện tốt được thì cần mất rất nhiều thời gian.
Đối với lực lượng Công an trong vấn đề xây dựng cơ sở thông tin có thể trong tầm 2 năm thôi sẽ có thể làm được với điều kiện phải có kinh phí. Nhưng còn ở đây vấn đề xử lí các văn bản pháp luật khác liên quan từ Luật cư trú đến Nghị định hướng dẫn, thông tư liên tịch nó không thuộc thẩm quyền xử lí của lực lượng Công an. Có những vấn đề bên phía Công an có thể xử lí được nhưng cũng có những vấn đề cần phải hợp tác với nhau thì chưa chắc đã tốt.
Về việc làm thế nào để nhân sự, nhân công, các cư dân địa phương ở xa thành phố, tỉnh thành hiểu được vấn đề này cũng sẽ một khoảng thời gian khá dài. Tôi nghĩ bất cứ một việc gì khi mới bắt đầu sẽ còn nhiều vướng mắc nhưng chúng ta vẫn cứ phải triển khai vì đây là vấn đề mang tính ưu việt cao, mang lại lợi ích rất lớn cho người dân trong vấn đề bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ và trong lĩnh vực mà lực lượng công an quản lí thì sẽ đem lại hiệu quả tốt. Trong 8 lĩnh vực mà lực lượng Công an quản lí trong NQ112 nó sẽ có rất nhiều văn bản thay thế mà dính líu rất nhiều đến hộ khẩu và rất nhiều các quy định sẽ phải thay thế nếu có ảnh hưởng đến NQ112.
- Các cơ quan chức năng vẫn dùng sổ hộ khẩu để làm căn cứ cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy, việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ phát sinh những tình huống nào? Luật sư có tư vấn gì? Câu hỏi của bạn đọc Lê Minh Tâm ở Bến Tre.
- Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam: Hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang được giải quyết theo hộ gia đình nên cần có hộ khẩu. Trong tương lai, nếu mã số định danh có đầy đủ thông tin và cập nhật thường xuyên về nhân thân, tình trạng hôn nhân... của người muốn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ không cần sổ hộ khẩu nữa. Trong bối cảnh hiện nay, khi Nghị định 112 vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện, thì vẫn còn nhiều việc phải làm liên quan đến cách thức cập nhật thông tin về cư dân theo mã định danh cá nhân. Bởi vậy, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể sẽ vẫn cần đến sổ hộ khẩu.
* Thực hiện NQ 112, việc nhập khẩu vào Hà Nội, TP HCM có thay đổi gì không?
- Khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, thay bằng mã số định danh cá nhân, việc nhập khẩu vào thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thay đổi gì hay không?
Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATPHN: Liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu, thay bằng quản lý theo mã số định danh cá nhân và vấn đề quản lý cư trú, đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm đã có trả lời cụ thể trên báo chí. Riêng vấn đề nhập khẩu vào những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khi cơ sở dữ liệu quản lý dân cư được hoàn thiện, Bộ Công an sẽ phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan tham mưu với Quốc hội để đưa ra các văn bản quy định việc thực hiện.
- Vậy thủ tục để cấp mã số định danh sẽ như thế nào? Và khi nào mới được triển khai? Khi làm số định danh cá nhân, người dân có phải nộp lệ phí gì không?
- Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Hiện nay, công dân không phải làm thủ tục gì cả, chỉ thông qua ba thủ tục hành chính:
- Đối với trẻ em mới sinh, thông qua thủ tục đăng ký khai sinh, cơ quan tư pháp tại các xã, phường, thị trấn trong khi làm thủ tục đăng ký khai sinh sẽ truyền dữ liệu trực tiếp sang BCA, sau đó BCA sẽ cấp mã số định danh cá nhân trả về bên tư pháp và bên tư pháp sẽ ghi và in số định danh cá nhân này trên giấy khai sinh.
- Thông qua việc công dân làm thủ tục cấp căn cước công dân, sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký cấp căn cước công dân, hệ thống tự động sinh ra số định danh cá nhân và ghi số này lên thẻ căn cước công dân.
- Đối với trường hợp không đăng ký khai sinh và không làm thủ tục cấp căn cước công dân, sắp tới BCA tổ chức thu thập thông tin dân cư, những trường hợp chưa có số thì BCA sau khi thu thập đủ 15 trường thông tin cơ bản sẽ đồng loạt cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân. Do vậy, công dân không phải làm thủ tục gì về việc cấp số định danh cá nhân. Khi được cấp số thì không phải nộp lệ phí gì.
* Đến thời điểm nào thì người dân đi đăng ký xe mới không cần mang sổ hộ khẩu nữa?
- Đến thời điểm nào thì người dân đi đăng ký xe mới không cần mang sổ hộ khẩu nữa? Và nếu bỏ sổ hộ khẩu thì khi mua xe sẽ được cấp biển như thế nào?
- Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Nếu theo lộ trình thì 1-1-2020, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thành và đưa vào khai thác kết nối. Tuy nhiên, để tránh xuất trình hộ khẩu khi đi làm các thủ tục pháp lý cần có sự đồng bộ các bộ ngành trong đó có đăng ký quản lý phương tiện.
Những quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký quản lý phương tiện đã quy định trong Nghị quyết 112. Lĩnh vực này đã đơn giản hóa và đạt được thành tựu. Nếu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đưa vào khai thác, qua mã số định danh cá nhân, thông tin sẽ được khai thác thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và theo quy định của lĩnh vực đăng ký quản lý phương tiện. Từ đó, người dân sẽ không phải mang theo hộ khẩu.
- Vậy khi nào mã số định danh sẽ thay thế sổ hộ khẩu truyền thống và CMND? Xin ông cho biết về lộ trình thay thế này. Mã số định danh sẽ được thu thập như thế nào? (Bạn đọc Văn Linh – Bắc Kan).
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Sổ hộ khẩu hiện nay chính là 1 giấy tờ xác định nơi thường trú của một cá nhân hoặc của một hộ gia đình, Sổ hộ khẩu là kết quả của công tác đăng ký thường trú. Tức là sau khi công dân đủ điện kiện đăng ký hộ khẩu thường trú sẽ được Cơ quan Công an cấp Sổ hộ khẩu.
Mã số định danh cá nhân: Chính là mã số để quản lý công dân, sẽ cấp cho công dân từ khi sinh ra cho đến khi mất đi. Mã số định danh cá nhân được xác thực từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nó sẽ được ghi vào giấy khai sinh hoặc thẻ căn cước công dân. Để cho công dân sử dụng trong giao dịch đi làm. Khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì thông qua mã số định danh cá nhân chúng ta sẽ kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được khai thác những thông tin hiện tại đang có trên sổ hộ khẩu.
Tức là sau này khi chúng ta dùng mã định danh cá nhân thì không phải xuất trình sổ hộ khẩu nữa. và những thông tin về hộ gia đình, về từng cá nhân đã có trên hệ thống. Công dân và các cơ quan quản lý nhà nước khác sẽ được khai thác các thông tin Sổ hộ khẩu trong hệ thống.
Sổ hộ khẩu và Mã định danh cá nhân là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Không nên dùng khái niệm Mã số định danh để thay thế Sổ hộ khẩu. Hiện tại theo quy định của Luật căn cước công dân, Bộ Công an được giao thu thập 15 trường thông tin cơ bản nhất của một con người như: Họ tên, tuổi, quê quán, dân tộc…. các thông tin thường xuyên được sử dụng trong các thủ tục hành chính. Khi công dân được thu thập thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hệ thống sẽ tự động sinh cho mỗi công dân một mã số quản lý theo cấu trúc được quy định, mỗi công dân nhập đủ thông tin vào hệ thống tự động sinh ra một mã số quản lý và thông tin này sẽ được ghi vào giấy khai sinh hoặc thẻ căn cước công dân khi công dân đi làm thủ tục.
Đây là thủ tục Khi Công dân đến làm giấy khai sinh cho con hoặc khi công dân đến làm thẻ căn cước công dân thì sẽ được ghi mã số định danh cá nhân vào giấy tờ tuỳ thân để công dân có thể mang đi giao dịch với các cơ quan quản lý nhà nước.
Tôi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Quyết định có hiệu lực ngày 30/10/2017. Vậy số định danh nơi nào cấp cho mình, muốn đăng ký số định danh thì ở đâu, nơi nào thu hồi sổ Hộ khẩu và Chứng minh nhân dân để đổi cho mình số định danh? Bạn đọc Lê Văn Tiến.
Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATPHN: Khi hoàn thành việc thu thập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đối với trường hợp chưa được cấp CMND 12 số hoặc căn cước công dân thì hệ thống sẽ tự động sinh số định danh công dân theo quy định của pháp luật. Khi công dân làm thẻ căn cước công dân thì số định danh công dân này sẽ là số thẻ căn cước công dân…
Đối với bạn đọc, nếu đã có sổ hộ khẩu thường trú ở quận Hoàng Mai, nếu muốn có số định danh công dân, bạn có thể đến CA quận Hoàng Mai, phòng CSQLHC để làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân. Khi được cấp thẻ căn cước công dân thì CMND 9 số sẽ được cắt góc theo quy định của pháp luật. Hiện nay chưa có một quy định cụ thể nào về việc thu hồi sổ hộ khẩu và sổ hộ khẩu vẫn còn nguyên giá trị.
- Luật sư Quản Văn Minh có tiên lượng được những tác động tiêu cực khi chúng ta bỏ sổ hộ khẩu thay thế bằng mã số định danh cá nhân; thay thế CMND bằng căn cước công dân trong thời điểm “quá độ” này không?
Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam: Chuyện gặp khó khăn khi thực hiện hay triển khai các vấn đề mới là bình thường. Giống như trước đây, khi thành lập các doanh nghiệp, nhiều người lo ngại rằng sẽ xuất hiện hiện tượng mua bán hóa đơn. Nhưng cuối cùng việc này vẫn được thực hiện và bên nào vi phạm thì đều bị xử lý theo pháp luật. Đến nay, việc này được thực hiện rất tốt.
Việc triển khai mã số định danh công dân cũng vậy. Các thông tin được lấy từ cơ sở dữ liệu quốc gia, các nguồn thông tin được cấp vào cơ sở này đều được xây dựng và được đảm bảo bằng đường truyền thông minh. Đương nhiên, hiện nay, chúng ta còn có những vướng mắc nhất định về hệ thống mạng và trang thiết bị, chưa kể là những khó khăn về con người.
Do đó, cần phải có thời gian nhất định để thực hiện việc này. Còn rất nhiều văn bản cần phải được xử lý. Tôi cho rằng, nếu Bộ Công an được giao làm và có những quy định, tiêu chí rõ ràng thì có thể thực hiện được trong 1-2 năm nhưng cái khó nhất là nhận thức của con người.
Mã số định danh chỉ là một trong 8 lĩnh vực liên quan đến thủ tục hành chính mà Nghị quyết 112 của Chính phủ đề ra. Sẽ có nhiều nghị định, thông tư, văn bản luật liên quan được trình lên các cấp để sửa đổi. Vì vậy đây là một dự án dài hơi nhưng chúng ta vẫn phải làm.
- Bạn Chu Minh Thùy ở Việt Yên (Bắc Giang) hỏi: Internet chưa phủ sóng hết, nếu đến nơi nào không có internet thì quản lý như thế nào? Nếu bị lỗi mạng, máy hỏng, đường truyền chậm hoặc bị hack thì sẽ xử lý ra sao? Nếu bị mất dữ liệu sẽ xử lý ra sao?
- Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Khi trình dự án, chính phủ đã đồng ý việc triển khai, đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương, từ cấp thành phố đến huyện, thị xã. Chính phủ cũng có những quy định cụ thể để đảm bảo hạ tầng tốt, lắp đặt đường truyền thông suốt từ trung ương đến địa phương; quy định cả các hình thức khai thác trên Internet và các mạng viễn thông; đảm bảo đường truyền đồng bộ và có phương án dự phòng để đảm bảo việc truyền, kết nối, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành có liên quan.
Do vậy, quý độc giả yên tâm, không lo việc mất đường truyền và thông tin công dân cũng được an toàn tuyệt đối. Các bí mật về đời tư, cá nhân, và gia đình cũng sẽ không bị lộ lọt; các cơ quan không có thẩm quyền, chức năng không được tra cứu. Ngoài ra, cũng không có công dân nào được phép khai thác, tra cứu thông tin. Nhưng công dân được quyền khai thác thông tin của mình để giải quyết các thủ tục hành chính.
- Hiện nay, sổ hộ khẩu liên quan đến rất nhiều thủ tục hành chính quan trọng như khai sinh, nhập học, đăng ký kết hôn, sở hữu nhà đất, mua bán đất đai, thi tuyển dụng công chức… Vậy sau khi bỏ sổ hộ khẩu thì thủ tục hành chính có được đơn giản hóa hay không? Căn cứ vào đâu để điều chỉnh những thủ tục/giấy tờ này?
- Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Hiện nay việc đăng ký quản lý cư trú đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước. Các ngành, lĩnh vực, cơ quan chức năng căn cứ vào Chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu để xác định thông tin về công dân, qua đó hoàn tất các thủ tục hành chính. Bởi vậy, ở thời điểm hiện tại, việc xuất trình Chính minh nhân dân và sổ hộ khẩu là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, có các cơ quan lạm dụng việc yêu cầu xuất trình Chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu, vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ để sớm đơn giản hoá thêm nhiều thủ tục hành chính.
Sau khi cơ sở dữ liệu Quốc gia về công dân với 15 trường thông tin được hoàn thiện, công dân khi tới làm việc tại các cơ quan chức năng chỉ cần cung cấp 3 thông tin là: Mã số định danh, họ tên và nơi ở hiện tại. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước và đơn giản hoá các thủ tục cho công dân.
Các Biên tập viên gửi câu hỏi của độc giả tới các vị khách mời. |
* Lộ trình thay thế hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân
- Hiện nay chỉ riêng 2 TP lớn như HN và TP HCM có hàng triệu người không có hộ khẩu, đăng kí tạm trú. Nhiều người do nhiều lý do, đã không có hộ khẩu nhưng cũng không có mảnh giấy nào để chứng minh nhân thân của mình. Vậy cấp mã số định danh công dân hoặc căn cước công dân cho số người này như thế nào? Sau khi cấp họ có cần đăng ký tạm trú tạm vắng nữa không?
Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATPHN: Thứ nhất, xin đính chính lại rằng hiện nay không phải là hàng triệu người không có sổ hộ khẩu thường trú, mà bản chất mọi công dân đều có nơi đăng kí hộ khẩu thường trú, chỉ có điều là khi người ta di chuyển trong phạm vi trong nước có thể thất lạc hoặc do không xuất trình. Bên cạnh đó thủ tục đăng kí tạm trú đối với công dân cũng rất đơn giản.
Theo quy định của pháp luật, các chế tài liên quan đến bắt buộc công dân phải đăng kí tạm trú cũng như các chế tài bổ sung còn hạn chế cho nên vấn đề công dân theo quy định thì có thế nhưng có rất nhiều công dân sau khi thay đổi nơi cư trú thì không làm thủ tục đăng kí tạm trú, dẫn đến tình trạng có nhiều công dân chưa đăng kí tạm trú nhưng đây hoàn toàn là do công dân chứ bản chất mọi công dân đều có nơi đăng kí hộ khẩu thường trú.
Thứ hai, về việc thu thập thông tin số công dân phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được quy định cụ thể trong NĐ137 của Chính phủ, theo đó mọi thông tin của công dân sẽ được thu thập dựa trên các loại sổ sách quản lý của lực lượng CA, trong trường hợp sổ sách không đầy đủ thì sẽ thu thập trực tiếp từ công dân và công dân có trách nhiệm cung cấp xác thực lại toàn bộ các thông tin này và sau đó sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Còn sau khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì như bạn đọc đã biết, đồng chí Bộ trưởng BCA đã trả lời báo chí về phương pháp quản lí tạm trú và đăng ký tạm vắng vẫn sẽ được thực hiện theo phương án đơn giản hóa về thủ tục hành chính.
- Đến thời điểm này căn cước công dân mới chỉ thực hiện thí điểm 16 địa phương. Theo lộ trình đến năm 2020 phải hoàn thành. Trong 2 năm còn lại liệu chúng ta có hoàn thành? Và thực tế đang gặp những khó khăn gì?
- Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an:
Hiện nay BCA đang tổ chức cấp căn cước công dân tại 16 tỉnh/thành còn lại 47 tỉnh vẫn đang cấp CMND 9 số cũ. Theo lộ trình, ngày 1-1-2020, cả nước phải thống nhất chuyển sang cấp căn cước công dân cho toàn bộ công dân.
Hiện tại, giai đoạn 2 của dự án “Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân theo công nghệ mới” đang được xây dựng.
Nếu đảm bảo được điều kiện về kinh phí, hạ tầng kỹ thuật cũng như nhân lực, dự kiến cuối năm 2019, có thể mở rộng việc cấp căn cước công dân ra phạm vi cả nước.
Khó khăn nhất hiện nay theo Thượng tá Phú là hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước là hệ thống được đầu tư rất lớn, từ máy chủ, đường truyền đến các phương tiện, từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, kinh phí rất lớn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp, Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, thì dự án sản xuất căn cước công dân mới sẽ được triển khai đúng tiến độ.
- Vợ chồng tôi ly hôn, chồng tôi không đưa hộ khẩu nên tôi không chuyển khẩu được. Nay nếu bỏ hộ khẩu thì giải quyết thế nào?
- Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam: Khi giải quyết bất cứ vấn đề gì liên quan đến pháp lý, các cơ quan hữu quan chắc chắn có quan tâm đến vấn đề hộ khẩu và tạm trú. Tuy nhiên, khi có mã số định danh, các thông tin về công dân có thể tra cứu đầy đủ và chính xác hơn cả thông tin có trên hộ khẩu. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề của công dân hoàn toàn không bị ảnh hưởng.
- Nghị quyết 112 của Chính phủ quy định: “Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân”. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc vẫn chưa thực sự hiểu mã số định danh cá nhân là gì? Gồm những yếu tố nào? Xin Thượng tá Phú cho biết cụ thể về khái niệm này?
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Hiện tại chúng ta đang được các cơ quan quản lý cấp nhiều giấy tờ với nhiều mã số khác nhau. Mỗi loại giấy tờ là các con số khác nhau, ví dụ như số CMND, bằng lái xe, thẻ bảo hiểm… Đáng chú ý là những con số này không phải là con số vĩnh viễn mà thay đổi theo mỗi lần được cấp. Vì thế, để thống nhất thì chính phủ quy định bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Theo Điều 12 của Luật căn cước công dân, số định danh cá nhân được cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được cập nhật và chia sẻ, khai thác thông tin với các cơ quản lý chuyên ngành. Mã số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc, cấp cho công dân Việt Nam, không cấp lại cho người khác.
Mã số định danh cá nhân gồm 12 số, có cấu trúc 6 số đầu là mã thế kỷ, ngày tháng năm sinh và mã tỉnh thành; 6 số sau là số ngẫu nhiên. Mã số định danh cá nhân được cấp từ lúc sinh ra và giữ nguyên cho đến khi chết. Mã số định danh cá nhân được cập nhật cho các ngành khác, là chìa khóa kết nối thông tin.
Mã số này là duy nhất và thống nhất. Hiện chúng tôi đã cấp cho gần 1 triệu trẻ em mới sinh ra trên 17 tỉnh, thành, kể từ ngày 1-1-2016. Mã số định danh này đã được ghi ở giấy khai sinh của các cháu, phục vụ cho việc đi học và làm thẻ bảo hiểm. Đến năm 14 tuổi, các cháu sẽ được cấp căn cước công dân theo mã số này và mã số sẽ được ghi trên thẻ căn cước công dân.
Các vị khách mời đang trả lời câu hỏi của độc giả. |
* Những điểm cơ bản nhất của Nghị quyết 112; Vai trò và những rắc rối của sổ hộ khẩu, CMND
Có lần tôi nghe ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc DN võng xếp Duy Lợi trao đổi khi có người đến Cty muốn nộp đơn xin việc có xác nhận của UBND phường. Ông Lợi trả lại đơn và nói rằng ông không chấp nhận "xin việc", mà là hai bên trao đổi, nếu Cty cần người đáp ứng được thì nhận làm tại Cty. Ông cũng không cần việc xác nhận của chính quyền địa phương và photo hộ khẩu, CMND, vì ông cần người phù hợp với yêu cầu làm việc tại Cty. Thêm nữa nhiều cơ quan, DN khi tuyển công chức, yêu cầu phải có hộ khẩu tại địa phương (nhất là các thành phố lớn), việc bỏ sổ hộ khẩu, CMND có tạo điều kiện tốt cho việc thi tuyển để lựa chọn người giỏi (ở địa phương khác) có cơ hội làm việc không?
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an trả lời: Theo tôi, hiện tại công tác quản lý dân cư đang tiến hành để chúng ta xác định để biết một công dân đang cư trú tại một địa chỉ nào đó, và quyển hộ khẩu hiện nay chỉ có giá trị nơi thường trú của công dân mà thôi, còn toàn bộ thông tin về quản lý dân cư hiện nay được BCA quản lí bằng phương pháp thủ công trên giấy tờ.
Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được ra đời thì những thông tin đang thực hiện bằng phương pháp thủ công sẽ được quản lí trên hệ thống cơ sở dữ liệu, do vậy chúng ta cũng không thay đổi, tức là những thông tin đang quản lý sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Hiện tại như quý độc giả vừa hỏi, chủ yếu là do các ngành, lĩnh vực hiện nay đang dựa vào những quy định về hộ khẩu, và hiện đang có tình trạng lạm dụng sổ hộ khẩu để làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Điều này đã được chính phủ chỉ đạo trong đề án vừa qua, hiện nay có 14 bộ, ngành, lĩnh vực có liên quan cũng đã đề xuất Chính phủ có những Nghị quyết để rà soát thủ tục hành chính và giấy tờ công dân liên quan trực tiếp đến sổ hộ khẩu và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì những quy định và thủ tục ăn theo sổ hộ khẩu hoặc lạm dụng sổ hộ khẩu để làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp cả công dân sẽ dần được loại bỏ.
Toàn cảnh buổi GLTT. |
- Được biết Bộ Công an đang được Chính phủ giao xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vậy đề án này thực hiện đến đâu và có những kết quả như thế nào đến thời điểm này? Việc chậm cấp căn cước công dân hiện nay có ảnh hưởng đến lộ trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay không?
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an:
Để khắc phục những khó khăn trong công tác quản lý thông tin về cư dân hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý Nhà nước.
Dự án này đã hoàn thành thủ tục pháp lý, và được chuẩn bị các điều kiện về kinh phí, hạ tầng kỹ thuật và hồ sơ, sổ sách để triển khai.
Vào ngày 14-11, Bộ Công an sẽ tổ chức Hội nghị về dự án này trên quy mô toàn quốc. Dự tính đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành toàn bộ việc thu thập thông tin cơ bản gồm 15 trường thông tin của 90 triệu công dân Việt Nam để sớm đưa vào sử dụng.
Về câu hỏi việc cấp căn cước công dân chậm có ảnh hưởng đến lộ trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hay không, tôi khẳng định là không, bởi đây chỉ là một nguồn khai thác. Chúng tôi có thể khai thác các thông tin về cư dân từ công an cơ sở, từ thông tin bảo hiểm, từ các hồ sơ, sổ sách, biểu mẫu đã có. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ phát phiếu thu thập thông tin cho các công dân và tổng hợp lại.
Tóm lại, việc có mã số định danh sẽ làm giảm thời gian đi lại, cũng như rút ngắn thời gian tra cứu hồ sơ bởi người dân sẽ không phải kê khai lại, hoặc nộp các giấy tờ về những thông tin đã có.
- Bạn đọc Nguyễn Mạnh Tuấn có chia sẻ như sau: "Nhà tôi ở Ba Vì và tôi đang làm ở nội thành, nhưng mỗi khi có việc liên quan đến giấy tờ tôi đều mất thời gian chạy đi chạy lại để làm thủ tục và xin xác nhận. Chính vì vậy, thông tin sẽ bỏ sổ hộ khẩu khiến tôi rất mừng. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều người cũng lo ngại rằng việc xoá hộ khẩu chỉ là “bình mới rượu cũ”, nếu cách quản lý dựa vào nơi cư trú như hiện tại không thay đổi?
Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATPHN: Theo định hướng của CP, khi cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư được hoàn thành, công tác quản lý hành chính sẽ được đơn giản hóa. Khi các ngành cũng hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo hạ tầng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì khi đó các vấn đề liên quan đến yêu cầu xác thực thông tin cư trú của công dân sẽ được hạn chế rất nhiều, giúp giảm thiểu tình trạng “chạy đi chạy lại” như bạn nói. Đại úy Nguyễn Thành Lâm khẳng định, việc lo ngại “bình cũ rượu mới” là không có.
Thượng tá Trần Hồng Phú. |
- Những ngày qua, dư luận vẫn nhầm lẫn giữa khái niệm bỏ hộ khẩu và bỏ sổ hộ khẩu, nhiều người cho rằng bỏ sổ hộ khẩu chính là bỏ hộ khẩu, từ nay không cần hộ khẩu nữa. Xin Thượng tá Trần Hồng Phú giải thích cụ thể giữa sổ hộ khẩu và hộ khẩu?
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Hiện nay công tác đăng ký, quản lý cư trú (thường được gọi là công tác đăng ký quản lý hộ khẩu) gồm nhiều nội dung, trong đó có đăng ký thường/tạm trú, khai báo tạm vắng… Trong đó, khi công dân đủ điều kiện đăng ký thường trú thì được quyền yêu cầu cơ quan công an làm thủ tục đăng ký thường trú và cấp sổ hộ khẩu. Do vậy, sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Do đó, “sổ hộ khẩu” và “công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu” là hoàn toàn khác nhau.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 112, đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm đã trả lời trước Quốc hội rằng, chúng ta có thể đề xuất bỏ sổ hộ khẩu theo lộ trình nhưng chúng ta không bỏ công tác đăng ký, quản lý dân cư.
Công tác đăng ký quản lý cư trú là công tác tạo điều kiện cho các biện pháp quản lý nhà nước để tiến hành quản lý con người, đảm bảo an ninh trật tự… Trong đó, sổ hộ khẩu chỉ là hình thức xác định công dân đó đã đăng ký hộ khẩu thường trú và sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến. |
- Đại úy Nguyễn Thành Lâm đánh giá như thế nào về tính ưu việt của Nghị quyết 112 nói chung, quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin nói riêng trên địa bàn Hà Nội?
- Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATP Hà Nội: Đối với Nghị quyết 112 của Chính phủ, việc quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin là đột phá về đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm tải các giấy tờ cho công dân.
Tại Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý dân cư đã được thực hiện từ cuối năm 2013, mang lại hiệu quả lớn trong công tác quản lý dân cư, liên thông đăng ký khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi, giảm thời gian giải quyết từ 15 ngày đến 2,5 ngày tại cấp quận và 4,5 ngày ở cấp huyện. Dựa trên cơ sở dữ liệu này, UBND TP Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính ở mức độ 3 và 4.
Đại uý Nguyễn Thành Lâm. |
- Hà Nội là địa bàn có hơn 7,5 triệu dân, áp lực trong quản lý dân cư là rất lớn. Công tác quản lý dân cư của HN đang gặp những khó khăn gì?
- Đại uý Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an thành phố Hà Nội: Hiện nay Hà Nội là một địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế, xã hội trên cả nước. Hà Nội là điểm đến của các nhà đầu tư và người dân các tỉnh phía Bắc. Sự phát triển nhanh của hạ tầng và các khu dân cư cũng đang diễn ra phức tạp, dẫn đến việc người dân có nhu cầu nhập khẩu Hà Nội rất lớn, gây ra nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý cư trú.
Theo quy định của Luật cư trú, nhiều điều khoản hiện còn rất thông thoáng, người dân di chuyển từ nơi này đến nơi khác không cần thông báo với lực lượng Cảnh sát khu vực (CSKV), kéo theo việc kiểm soát khó khăn. Bên cạnh đó, còn tình trạng người dân có hộ khẩu một nơi nhưng lại sinh sống ở nơi khác cũng khiến cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn.
Các chế tài xử lý vi phạm Luật cư trú còn nhẹ, chưa có sức răn đe nên tạo ra áp lực cho lực lượng CSKV. Ngoài ra, theo quy định của Bộ Công an, 1 chiến sĩ CSKV hiện đang quản lý số lượng dân cư rất lớn, từ 2.500 đến 4.000 nhân khẩu.
Luật sư Quản Văn Minh |
Trong thực tế, luật sư Quản Văn Minh thường gặp những bất cập hoặc thường phải tư vấn cho người dân những gì xung quanh hộ khẩu, chứng minh nhân dân hay gần đây là căn cước công dân?
Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch thường thực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam Trong công việc của mình về tư vấn cho người dân trong lĩnh vực hộ khẩu, có rất nhiều việc phải làm. Tôi lấy ví dụ gần đây nhất là tư vấn tuyển sinh các cháu đi học đúng hộ khẩu, đúng địa bàn mới được chấp nhận vào học. Những quy định này là rất rõ ràng mà Hà Nội hay các địa phương khác đã quy định. Hay như việc công chứng, khai sinh cũng phải thực hiện trong địa hạt của mình, không được ra tỉnh khác. Việc thay đổi hộ khẩu bằng cách dùng mã số định danh sẽ tốt hơn. Khi đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ khẩu không còn là 10 thông số như cũ mà là 22 thông số và có thể nhiều hơn. Quản lý hộ khẩu bằng hình thức khác tiến bộ hơn là phù hợp với yêu cầu thực tế đề ra.
3 vị khách mời trả lời câu hỏi của độc giả. |
- Trong NQ 112 có nội dung sẽ bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu. Nhưng hộ khẩu còn liên quan đến các Luật khác, như: Luật cư trú, Luật Hộ tịch, Luật căn cước công dân. Vậy tính pháp lý của Nghị quyết này như thế nào?
- Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam trả lời: Khi hỏi bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu là không được rõ và không được chính xác. Trong NQ 112 quy định rất rõ rằng đây không phải là bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu mà chúng ta bỏ hình thức đấy để thay bằng mã số định danh, và trên cơ sở thông tin của mã số định danh đó trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Vấn đề ở đây là chúng ta đang tìm ra hình thức quản lý tốt hơn, phù hợp với thực tế bây giờ hơn, tiến bộ hơn và nhanh hơn chứ không phải bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và không tìm ra được phương pháp nào giải quyết.
Khi chúng ta bỏ như vậy, sẽ dính dáng tới Luật cư trú, Luật căn cước… và về tính pháp lý thì ngay trong NQ 112 đã quy định rất rõ rằng Bộ Công an chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc sửa đổi, bổ sung văn bản vi phạm pháp luật trình chính phủ hoặc Quốc hội để xử lý vấn đề này làm sao để NQ 112 đi vào hoạt động được tốt hơn.
Đối với các thông tư liên tịch, BCA chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng ban hành những văn bản sửa đổi bổ sung thay thế bãi bỏ các thông tư liên tịch không chính xác và không phù hợp. Qua đó, việc bỏ hộ khẩu là câu chuyện không chính xác, phải nói là nó được thay thế bằng hình thức quản lí khác thông minh hơn, hợp lý hơn, phù hợp với thực tế hơn và điều đó được pháp luật hướng dẫn, nếu có vướng mắc gì thì BCA sẽ duy trì và cùng nhau xử lí các vấn đề đó.
Thiếu tướng Phạm Văn Miên tặng hoa các vị khách mời. |
- Câu hỏi đầu tiên xin dành cho đại diện Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an. Thượng tá Trần Hồng Phú đánh giá như thế nào về vai trò lịch sử của sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Và vì sao chúng ta phải đổi mới phương thức quản lý dân cư theo tinh thần Nghị quyết 112, hay nói cách khác là sổ hộ khẩu, hay CMND đã bộc lộ những bất cập nào thưa ông?
- Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Trước hết thay mặt 3 vị khách mời cám ơn báo CAND đã tổ chức giao lưu trực tuyến hôm nay để có điều kiện giải đáp thắc mắc của người dân về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng của Bộ Công an vốn gây sự chú ý của dư luận.
Có 8 lĩnh vực liên quan đến quản lý hành chính trong đó có quản lý cư trú và cấp CMND. Công tác đăng ký, quản lý cư trú và quản lý công dân có vai trò quan trọng để bảo đảm ANTT và quyền công dân. Từ năm 1946 đến nay, đã có nhiều quy định được ban hành trong đó ghi rõ nhiệm vụ và cách thức quản lý dân cư trong đó đáng chú ý là Luật cư trú năm 2007 và Luật cư trú sửa đổi năm 2013 và Luật căn cước công dân năm 2014.
Hiện công tác quản lý của các Bộ ngành có liên quan đang thực hiện thủ công, chưa có sự trao đổi và chia sẻ; các thủ tục giấy tờ nhiều. Khi công dân đến làm thủ tục hành chính thì phải xuất trình nhiều loại giấy tờ gồm cả bản chính và bản sao, gây phiền hà cho người dân. Vì thế, đổi mới trong công tác quản lý dân cư là xu thế tất yếu và cần thiết.
Ngày 8-6-2013, Thủ tướng đã phê duyệt đề án tổng thể hóa về thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 về quy định quản lý dân cư mới, chuyển từ thủ công sang hiện đại, tạo điều kiện cho công dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Đúng 14h, 3 vị khách mời của buổi giao lưu trực tuyến đã có mặt tại Báo Công an nhân dân để trả lời câu hỏi của độc giả.
Dự buổi gặp mặt có TS. Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo CAND; Các đồng chí Phó tổng biên tập: Đại tá Trần Kim Thẩm, Thượng tá Phạm Quang Khải và Thượng tá Nguyễn Thúy Quỳnh.
Ngày 30-10-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc phê duyệt đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý công dân thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an.
Đáng chú ý có việc thay thế sổ hộ khẩu và CMND bằng mã số định danh cá nhân, tránh phiền hà cho công dân được rất nhiều người hoan nghênh. Bên cạnh đó vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về sự thay đổi có tính bước ngoặt này.
Nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin mới nhất, giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của người dân liên quan đến chủ trương này, Báo điện tử CAND tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Giải pháp và lộ trình thay thế sổ hộ khẩu, CMND trong công tác quản lý dân cư".
Thời gian: 14h đến 16h thứ Hai, ngày 13-11-2017.
Khách mời GLTT gồm:
- Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an;
-
Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATPHN.Trân trọng kính mời độc giả quan tâm gửi câu hỏi cho các diễn giả đến địa chỉ email: candonline@gmail.com hoặc trên fanpage Báo CAND tại địa chỉ: https://www.facebook.com/tintuccand/