Mô hình văn hóa sáng tạo của người dân Thủ đô

Thứ Ba, 18/08/2020, 08:38
Đường làng ngõ xóm sạch sẽ, không rác thải, không quảng cáo rao vặt trên tường; không tệ nạn cờ bạc, ma túy; người dân nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật…

Đó là những gì người ta thường thấy ở nhiều thôn làng, tổ dân phố trên địa bàn Hà Nội. Những mô hình văn hóa sáng tạo được người dân vận dụng trong thời gian qua đã góp phần ổn định xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng dân cư.

Gắn kết tình làng, nghĩa xóm

Cứ mỗi sáng thứ Bảy hằng tuần, bà Lê Thị Chương, Chi hội trưởng Phụ nữ Tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng, quận Long Biên, đồng thời là Trưởng Liên gia số 8 cùng mọi người trong khu dân cư tập trung quét ngõ phố, dọn dẹp rác thải để đường đi lối lại sạch sẽ, gọn gàng. Người quét, người vun rác, vừa làm, vừa nói chuyện vui vẻ. Chỉ vài chục phút, các ngõ phố đã sạch tinh tươm. Xong việc, bà Chương vào nhóm Zalo của Tổ dân phố và Chi hội Phụ nữ báo cáo tình hình vệ sinh môi trường trong Tổ liên gia của mình, chụp ảnh gửi mọi người cùng xem.

Bà Chương cho biết, đây là việc làm định kỳ của các Liên gia trong Tổ dân phố theo quy ước được đặt ra. Ngoài dọn vệ sinh môi trường, các việc khác đều triển khai thông qua các Liên gia. Ví như, việc chấm điểm gia đình văn hóa, các gia đình trong mỗi Liên gia đều được tham gia bình xét, chấm điểm. Trên cơ sở bình xét của các gia đình, các Trưởng Liên gia và đoàn thể trong Tổ dân phố tiếp tục bình xét, đề xuất lên phường để xét công nhận. Rồi tới các văn bản, chủ trương của phường Việt Hưng, các tổ dân phố triển khai đến các hộ gia đình đều thông qua các Liên gia…

Việc làm này thực sự hiệu quả bởi mỗi Liên gia có từ 30-60 hộ gia đình, nên việc triển khai thông qua các Liên gia sẽ đến được từng hộ gia đình. Tại phường Kim Giang, mô hình khu dân cư văn hóa “5 không” được triển khai ở cả 7/7 khu dân cư trong phường, đó là: Không rác; không vi phạm pháp luật về cờ bạc, ma túy, mại dâm; không hộ tái nghèo; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không vi phạm trật tự xây dựng. Khi triển khai mô hình này, người dân trong phường nhiệt tình hưởng ứng, bởi họ hiểu rằng, mỗi người có ý thức thực hiện sẽ tạo ra sự văn minh cho chính khu dân cư của mình.

Không chỉ hoàn thành tốt các tiêu chí trên, bộ mặt đô thị của phường Kim Giang ngày càng khang trang hơn. Các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đang nở rộ các không gian hoa; các bãi rác tự phát được cải tạo thành sân chơi, khu thể thao cho người dân… Trong phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, trên địa bàn Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo. Tất cả các mô hình này đều xuất phát từ chính thực tiễn cuộc sống, không chỉ góp phần làm cho khu dân cư nền nếp, văn minh hơn, mà còn thay đổi được ý thức người dân về lợi ích chung của cộng đồng.

Bên cạnh việc xây dựng cộng đồng dân cư lành mạnh, văn minh, một số địa phương còn hướng đến xây dựng gia đình, dòng họ bền vững. Điển hình như các xã Phương Độ, Tam Hiệp, Cẩm Đình… tại huyện Phúc Thọ còn xây dựng mô hình “Dòng họ tự quản” rất hiệu quả. Ông Vũ Hồng Hải, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Phúc Thọ cho biết, mô hình này góp phần xây dựng sự bền chặt gia phong trong mỗi dòng họ, là hạt nhân xây dựng đời sống văn hóa ở mỗi cộng đồng dân cư.

Chi hội Phụ nữ tổ 17 phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) thường xuyên tổng vệ sinh ngõ phố vào thứ bảy hằng tuần.

Lan tỏa những mô hình sáng tạo

Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, nhiều địa phương quan tâm đến xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân, bởi văn hóa được coi là nền tảng của sự phát triển. Mô hình văn hóa tại cơ sở là một trong những cách làm sáng tạo của địa phương nhằm thúc đẩy sức lan tỏa của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư”, đưa hoạt động xây dựng văn hóa tinh thần tại địa phương đi vào thực chất. Mô hình Liên gia tự quản tại quận Long Biên đã phát huy hiệu quả vai trò tuyên truyền, vận động, gắn kết người dân chung tay vì chất lượng đời sống cộng đồng.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên Lê Thị Hương cho biết: Với trung bình từ 200 đến 600 hộ dân mỗi tổ dân phố, các tổ trưởng tổ dân phố khó có thể triển khai hiệu quả công việc nếu không có sự hỗ trợ của mô hình Liên gia tự quản. Không chỉ tích cực trong công tác thông tin, tuyên truyền, các Liên gia còn góp phần khơi dậy, lan tỏa nhiều phong trào, cuộc vận động ý nghĩa, từng bước nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở.

Từ hiệu quả của mô hình Liên gia tự quản ở phường Việt Hưng, quận Long Biên đã triển khai rộng rãi tới tất cả các phường trên địa bàn quận. Đến nay, mô hình này được người dân trong phường thực hiện tốt, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong quận.

Phó Chủ tịch UBND phường Kim Giang Đỗ Kỳ Lân cho biết, từ cách làm hiệu quả, sáng tạo, mô hình khu dân cư văn hóa “5 không” ở phường Kim Giang đã khơi dậy sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân. Do vậy, chỉ hơn 1 năm triển khai, mô hình đã lan tỏa trong cộng đồng, tạo sự chuyển biến trong đời sống văn hóa xã hội của phường. Trong quá trình triển khai các mô hình văn hóa, không thể kể đến sự vào cuộc tích cực của chính quyền và đoàn thể các xã, phường, khu dân cư. Trong đó, vai trò gương mẫu của cán bộ địa phương góp phần không nhỏ để đưa các mô hình này phát huy tác dụng tại cơ sở.

Không chỉ đi đầu thực hiện mà họ còn tích cực tuyên truyền, vận động mọi người tự giác thực hiện. Hiện nay, những địa phương nào thực hiện những mô hình văn hóa sáng tạo, bộ mặt đô thị, nông thôn đều có chuyển biến rõ rệt. Đời sống văn hóa tinh thần được cải thiện đáng kể.

Từ việc tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của các địa phương tại Hà Nội cho thấy công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân; làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, tạo nên sự chuyển biến sâu sắc. Từ đó, văn hóa trở thành thước đo giá trị về chất lượng cuộc sống, sự phát triển nhân cách con người, nét đẹp trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư.

Đinh Thuận
.
.
.