Lực lượng Công an phối hợp ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan

Thứ Năm, 21/03/2019, 16:31

Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chỉ đạo các lực lượng CSGT, CSMT tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý nhằm ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) lây lan diện rộng.

Tại chốt kiểm dịch động vật đóng trên tuyến QL1A, đoạn qua thôn Đông Lái, xã Phong Thu, huyện Phong Điền, lúc 12h trưa 21-3, tổ công tác liên ngành gồm lực lượng các Phòng CSGT, CSMT Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cùng lực lượng Chi cục chăn nuôi và thú y (CN&TY), Chi cục Quản lý thị trường tỉnh vẫn miệt mài làm việc. 

Trung tá Hoàng Phước Tế, Đội trưởng Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ huy phòng nên mỗi ca trực, Đội cắt cử một đồng chí CSGT đến làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch xã Phong Thu để phối hợp kiểm tra, giám sát. 

Mỗi ngày chốt kiểm dịch trên tuyến QL1A qua xã Phong Thu đón 10 đến 15 xe chở lợn vào kiểm dịch.

Phát hiện xe tải BKS 44C-106.77 do tài xế Lê Khắc Thanh Sơn (50 tuổi, trú huyện Phú Lộc) chở lợn chạy theo hướng Bắc- Nam, Trung tá Nguyễn Như Thành, cán bộ Đội CSGT số 2 làm nhiệm vụ tại chốt ra hiệu lệnh cho xe dừng lại để kiểm tra. Lúc này tài xế Sơn xuất trình với tổ công tác giấy kiểm dịch động vật và các giấy tờ liên quan khác.

 “Tôi được thuê vận chuyển 55 con lợn từ tỉnh Quảng Trị đưa vào Đà Nẵng tiêu thụ. Do đang xảy ra bệnh DTLCP ở nhiều địa phương nên khi hợp đồng vận chuyển, tài xế chúng tôi cũng kiểm tra xem thử lợn đã qua kiểm dịch hay chưa. Nếu chưa được kiểm dịch hoặc nghi ngờ lợn nhiễm bệnh thì tôi sẽ từ chối vận chuyển ngay”, tài xế Sơn nói.

Cán bộ Phòng CSMT Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế làm nhiệm vụ túc trực tại chốt kiểm dịch trên QL1A.

Theo Trung tá Thành, ngoài công tác kiểm tra, lực lượng còn tích cực tuyên truyền các tài xế cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi tiêu thụ.

Lực lượng CSGT và CSMT Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế phối hợp kiểm tra, giám sát các phương tiện chở lợn đi qua địa bàn.

Một cán bộ kiểm dịch Chi cục CN&TY tỉnh Thừa Thiên- Huế làm nhiệm vụ tại chốt còn cho biết, với quyết tâm không để bệnh DTLCP lây lan nên những ngày qua, lực lượng đơn vị túc trực tại chốt cùng các CBCS Công an đã làm việc hết mình. Dù thời tiết vào buổi trưa nắng nóng gay gắt nhưng tổ công tác vẫn không quản khó khăn để thực hiện nhiệm vụ. 

CSGT nhắc nhở tài xế cần tuân thủ đúng quy định pháp luật khi vận chuyển lợn, nhất là vào thời điểm có DTLCP.

Trong khi đó, huyện Phú Lộc là cửa ngõ phía Nam tỉnh Thừa Thiên- Huế, giáp ranh với TP Đà Nẵng nên công tác kiểm dịch, kiểm tra các xe tải chở lợn cũng được tỉnh Thừa Thiên- Huế đặt lên hàng đầu. 

Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ, Trạm trưởng trạm CSGT Phú Lộc cho biết thêm, thực hiện kế hoạch của Ban Giám đốc Công an tỉnh nên Trạm cũng đã cắt cử 1 đồng chí CSGT túc trực tại chốt kiểm dịch trên tuyến QL1A, đoạn qua xã Lộc Thủy. Nếu phát hiện tài xế nào cố tình không chấp hành, cố tình điều khiển xe tải chở lợn chưa được kiểm tra, kiểm dịch qua địa bàn thì cán bộ này sẽ báo với Trạm để phối hợp xử lý.

Cán bộ Chi cục CN&TY tỉnh Thừa Thiên- Huế phun thuốc tiêu độc khử trùng xe tải chở lợn tại chốt kiểm dịch trên tuyến QL1A.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, bệnh DTLCP xuất hiện đầu tiên trên địa bàn tại một hộ chăn nuôi ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền vào ngày 18-3 nên cơ quan chức năng đã tiến hành khoanh vùng, tiêu hủy đàn lợn bệnh 5 con. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh là rất cao. Vì thế tỉnh Thừa Thiên- Huế đã lập nhiều chốt kiểm dịch tạm thời để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24h đối với lợn và sản phẩm thịt lợn ra vào địa bàn tỉnh.

Tổ công tác làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch trên tuyến QL1A trao đổi chuyên môn.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh Thừa Thiên-Huế khuyến cáo, triệu chứng DTLCP khá giống dịch tả lợn cổ điển khi lợn nhiễm bệnh thường có triệu chứng sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, xuất huyết, giảm ăn, sụt cân, vận động khó khăn. Do đó khó có thể xác định bệnh cho lợn bằng các triệu chứng lâm sàng mà cần lấy mẫu xét nghiệm. Vì thế khi nghi ngờ lợn mắc bệnh nhiễm dịch, hộ chăn nuôi cần báo ngay đến các cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý, tiêu hủy nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.


Anh Khoa
.
.
.