Cách nào nhận biết máy đo nồng độ cồn đảm bảo tiêu chuẩn?
Máy đo nồng độ cồn “tung hoành” chợ online
Khi Nghị định 100 quy định các lỗi bị phạt nặng đối với tài xế ôtô, xe máy vi phạm nồng độ cồn có hiệu lực, thị trường trong nước xuất hiện ồ ạt các loại thiết bị đo nồng độ cồn.
Trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, thiết bị đo nồng độ cồn được rao bán với nhiều mức giá khác nhau. Ước tính có tới vài chục loại thiết bị ở tầm giá từ 200.000 đồng cho tới hàng chục triệu, trong đó có những cái tên như MMPro, Sentech, Himed, Extech, Tiger…, giá có thể từ 2,5 - 4 triệu đồng, thậm chí 8 – 10 triệu đồng. Các sản phẩm hầu hết được quảng cáo công nghệ Mỹ nhưng xuất xứ chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, bảo hành 12 tháng tại điểm bán.
Trong đó đáng chú ý, loại thiết bị có giá rẻ dưới 1 triệu đồng được rao bán khá nhiều. Máy đo nồng độ cồn thương hiệu Tiger, giá 950.000 đồng được quảng cáo sử dụng cảm biến cồn Flat Surfaced Alcohol cho kết quả phản hồi nhanh, hiển thị kết quả trên màn hình LCD, trọng lượng 50g. Thời gian bảo hành thiết bị 12 tháng. Loại khác có giá 850.000 đồng thương hiệu MMPro được quảng cáo sản xuất theo công nghệ Mỹ.
Trong khi đó, trên các trang thương mại điện tử , máy đo nồng độ cồn điện tử cũng được rao bán rầm rộ, rất nhiều loại có giá “bèo” đến mức… giật mình với 200.000 đồng. Các loại máy đo nồng độ cồn giá rẻ được tiêu thụ khá mạnh bởi nhu cầu của người dân mua về để sử dụng nhằm kiểm tra nồng độ cồn mỗi khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, với các loại máy đo nồng độ cồn rao bán tràn lan trên thị trường khó kiểm chứng được chất lượng. Theo các chuyên gia, với xu hướng chọn máy giá rẻ điều này rất dễ rơi vào cảnh mua phải máy chất lượng kém.
Khi uống một chút rượu mà thổi vào những máy này có thể không thấy gì nhưng khi ra đường thổi vào máy chuyên dụng của lực lượng chức năng lại phát hiện có vi phạm.
Do vậy, khi mua, người sử dụng chỉ nên coi đây là thiết bị để tham khảo, phải chấp nhận các sai số lớn có thể xảy ra nếu so sánh kết quả với máy được lực lượng Cảnh sát giao thông sử dụng kiểm tra trong thực tế. Do đó, theo các chuyên gia, chiếc máy đo nồng độ cồn trôi nổi giá rẻ khó cho kết quả chính xác. Cách an toàn nhất để không bị xử phạt nồng độ cồn chính là việc nói không với rượu bia khi tham gia giao thông.
Lực lượng chức năng xử lý vi phạm về nồng độ cồn. |
Thiết bị chuẩn được kiểm định 12 tháng/lần
Được biết, thiết bị đo nồng độ cồn mà các lực lượng chức năng sử dụng là thiết bị hiện đại có công nghệ cảm biến thông qua hơi thở, sau khi kiểm tra sẽ không tồn đọng dư lượng nồng độ cồn của người kiểm tra trước. Mỗi tài xế thổi vào ống thổi dài khoảng 5cm, to bằng đầu đũa. Kết quả sẽ được hiển thị ngay trên màn hình.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền Cục Cảnh sát giao thông cho hay, máy đo nồng độ cồn trang bị cho lực lượng Cảnh sát giao thông khi tuần tra kiểm soát, xử lý được nhập từ Australia và các nước tiên tiến, đã được kiểm định của Bộ Khoa học và Công nghệ, đảm bảo các thông số kỹ thuật theo quy chuẩn.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, trước đây một số dự án có làm việc, hợp tác với Ủy ban, tài trợ hoặc bán thiết bị đo nồng độ cồn cho một số địa phương. Gần đây nhất, Quỹ Bloomberg có tài trợ một phần và một phần thương mại hóa trong dự án cung cấp thiết bị đo nồng độ cồn cho TP HCM.
“Ủy ban ATGT quốc gia không bán các thiết bị đo nồng độ cồn. Việt Nam hiện nay cũng chưa sản xuất thiết bị đo nồng độ cồn, các loại máy đo nồng độ cồn đều nhập khẩu từ các nước như Đức, Australia, theo quy chuẩn chặt chẽ về tiêu chuẩn của châu Âu, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định của Bộ KH&CN Việt Nam”, ông Hùng nói.
Theo quy định hiện hành, các thiết bị này phải đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định theo văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam ĐLVN 107:2012 của Bộ KH&CN về phương tiện đo hàm lượng cồn trong hơi thở, được cấp chứng chỉ kiểm định như tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định theo quy định. Về sai số, tiêu chuẩn cho phép sai số 0,020 mg/L hoặc 0,004% BAC với kiểm định ban đầu; hoặc 0,032 mg/L hoặc 0,006% BAC với kiểm định định kỳ. Chu kỳ kiểm định phương tiện đo hàm lượng cồn là 1 lần/năm.
Theo ông Nguyễn Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), quy định pháp luật về đo lường, phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở sử dụng trong hoạt động công vụ của lực lượng cảnh sát giao thông là phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm định tại tổ chức kiểm định được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định.
Theo báo cáo của các tổ chức kiểm định, hiện nay các phương tiện đo nêu trên được kiểm định đúng quy định. Khi kiểm định, đặc tính kỹ thuật đo lường (trong đó có sai số) của các phương tiện đo nêu trên phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường tại Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành.
“Hiện nay, Tổng cục đã phối hợp, góp ý để Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an hướng dẫn các lực lượng Cảnh sát giao thông tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đo lường như: Các phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở phải được kiểm định và còn trong thời hạn giá trị của chứng chỉ kiểm định; phải bảo đảm các điều kiện vận chuyển, bảo quản, yêu cầu sử dụng theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất, nhập khẩu.
Trường hợp phát hiện sai, hỏng phải dừng việc sử dụng và thực hiện các biện pháp khắc phục… nhằm bảo đảm phương tiện đo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường theo quy định và tránh được việc xử lý oan sai cho người được kiểm tra nồng độ cồn do những sai sót về nghiệp vụ kỹ thuật”, ông Điệp cho biết.
Đề cập đến việc nhận biết máy đo nồng độ cồn có đảm bảo yếu tố chính xác hay không, ông Điệp lưu ý, khi được yêu cầu tiếp cận với phương tiện đo nồng độ cồn, người dân cần kiểm tra xem phương tiện đo đã được kiểm định chưa? Kết quả đo có dấu hiệu sai lệch bất thường không?
“Cụ thể: Cần quan sát, kiểm tra để bảo đảm phương tiện đo được dán tem kiểm định và còn trong thời hạn giá trị ghi trên tem kiểm định. Chú ý kết quả đo thể hiện trên phương tiện đo, trường hợp kết quả đo có biểu hiện sai lệch bất thường thì đề nghị xem xét, kiểm tra lại phương tiện đo”, ông Điệp cho biết.