Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương Kiên Giang

Thứ Năm, 11/04/2019, 18:39
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng Tân Hiệp (Kiên Giang) năm 2019 được tổ chức từ ngày 13 đến 14-4-2019 (nhằm ngày 9 đến 10-3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử - văn hóa đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, huyện Tân Hiệp


Theo hành trình khám phá đất phương Nam, từ bao đời nay, trong tâm trí con người Việt Nam nói chung và Kiên Giang nói riêng, đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương luôn có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh của người dân miền sông nước trong việc góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa "Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng".

 “Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Người Việt Nam có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống ấy đã lưu truyền từ ngàn đời nay. Những câu ca dao đó lại càng được người dân Kiên Giang luôn ghi nhớ như nhắc nhở mỗi người nhớ về ngày Giỗ Tổ để báo đáp công ơn của Tổ tiên nguồn cội – những người đã dựng nước và giữ nước.

Cổng trước ở Đền Hùng Tân Hiệp.

Đền Hùng đã trở thành điểm tựa tinh thần, là sức mạnh tâm linh, là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết dân tộc Kinh – Hoa – Khmer đang sinh sống ở Kiên Giang, luôn hướng về nguồn cội với tấm lòng thành kính, biết ơn các bậc tiền nhân.

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc Việt Nam, Kiên Giang là một trong những địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh. Toàn tỉnh có 160 di tích với nhiều loại hình phong phú, có 52 di tích được Nhà nước xếp hạng (01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp quốc gia và 30 di tích cấp tỉnh). 

Theo dòng chảy của những người di dân vào miền Nam lập nghiệp, đã có nhiều ngôn đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương được xây dựng. Tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc, ở thị trấn Tân Hiệp huyện Tân Hiệp tỉnh Kiên Giang, những người con Lạc cháu Hồng nhớ về nguồn cội cũng lập nên ngôi đền thờ Quốc Tổ Vùng Vương.

Ông Trịnh Đức Tiến, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Hiệp cho biết: Ngôi đền được thành lập từ năm 1957 do người dân tự nguyện đóng góp vào xây dựng để thờ cúng các vị Vua Hùng, nhớ về Tổ tiên. Từ khi được thành lập ngôi đền luôn được nhân dân giữ gìn bảo vệ, tôn tạo. Đến năm 2004, ngôi đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương huyện Tân Hiệp được UBND tỉnh Kiên Giang xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Tiết mục Trống hội tại lễ dâng hương Đền Hùng Tân Hiệp.

Trải qua năm tháng của lịch sử và thời gian ngôi đền tồn tại trên 60 năm, cơ sở vật chất đã bị xuống cấp không còn đáp ứng nhu cầu chiêm bái, ngưỡng vọng của nhân dân và khách thập phương đến dự lễ Giỗ Tổ hàng năm ngày một đông do đó việc trùng tu, tôn tạo xây dựng mở rộng đền là rất cần thiết để bảo tồn và phát huy di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. 

Năm 2015, dự án trùng tu, tôn tạo, xây dựng mở rộng đền Hùng được thực hiện bằng phương thức xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, đóng góp tiền và hiện vật trên 56 tỷ đồng để xây dựng mới ngôi đền với quy mô lớn hơn, đẹp hơn và khánh thành đúng vào dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2016.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và sự đóng góp công sức của đồng bào trong và ngoài tỉnh, các công trình tu bổ tôn tạo các khu di tích đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, phục vụ nhu cầu tham quan thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng. 

Đặc biệt, vào dịp Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch, con cháu Lạc Hồng ở khắp mọi nơi trong vùng lại hành hương về đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở huyện Tân Hiệp để thành kính tri ân công đức của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công dựng nước. 

Từ năm 2010, Kiên Giang chọn lễ hội đền Hùng Tân Hiệp là một trong 08 lễ hội tiêu biểu của tỉnh. Hàng năm, khu di tích lịch sử - văn hóa đền Hùng đã đón hàng ngàn lượt khách về thăm viếng, số lượng khách tham quan du lịch không ngừng tăng lên. Đền Hùng đã là tâm điểm, là điểm đến của rất nhiều khách du lịch về nguồn ở Kiên Giang vào dịp lễ Giỗ Tổ.

Theo số liệu thống kê đến năm 2015, Kiên Giang đã có 38 di tích được đầu tư với tổng 222 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo. Trong đó có nhiều công sức đóng góp lớn của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. 

Từ khi "Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” thì công tác bảo tồn và phát huy di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Kiên Giang lại được tăng cường hơn, cụ thể hóa bằng việc triển khai Dự án “Trùng tu, tôn tạo, xây dựng mở rộng đền Hùng Tân Hiệp”, đến nay đền có diện tích 20.000 mét vuông.

Nghi thức dâng lễ vật vào Đền Hùng Tân Hiệp.

Ông Trịnh Đức Tiến, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Hiệp cho biết: Lễ hội năm nay với nhiều hoạt động thiết thực, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phần lễ gồm các nội dung: Rước và dâng lễ vật của tỉnh, huyện và các xã, thị trấn; biểu diễn múa lân, kèn; trống hội, hát, múa và nghi lễ dâng hương, lễ viếng. 

Cùng với các nghi lễ trang nghiêm tưởng nhớ đến các Vua Hùng. Về phần hội tổ chức nhiều hoạt động vui trơi, giải trí lành mạnh nhằm thu hút đông đảo nhân dân đến tham dự như: Hội thi sinh vật cảnh - hội thi chọi chim cảnh; hội làm bánh chưng, không gian đờn ca tài tử và giải Vovinam tỉnh Kiên Giang năm 2019.  

Ngoài ra, còn có giải cờ tướng, bóng đá mini, dưỡng sinh người cao tuổi, các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, các trò chơi thiếu nhi; giải đua xe đạp Cúp Đền Hùng; chiếu phim lưu động.

Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Trưởng Ban bảo vệ Đền Hùng Tân Hiệp cho biết; Nhà bếp ăn của Đền năm nay đã xây xong kịp đưa vào hoạt động trong dịp lễ hội. Ban bảo vệ Đền đã kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm phục vụ bếp ăn trong 3 ngày gồm: bún riêu, bánh canh, bánh xèo và 50 mâm cơm lễ. Kinh phí xã hội hóa cho bếp ăn được gần 150 triệu đồng.

Tối ngày 13-4, Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang phục vụ một chương tình nghệ thuật với chủ đề "Hào khí rồng tiên"; Biên tập chương trình và chỉ đạo nghệ thuật, Thạc sĩ Lê Ngọc; với các thành phần nghệ sĩ, ca sĩ tham gia: NSƯT Lê Tứ, NSƯT Thy Trang, NSƯT Thanh Danh, nghệ sĩ Huỳnh Tấn Phong, Kim Phụng, Bình Trọng, Minh Hòa, Hữu Duyên, Chúc Phương, Khương Tuấn Tâm, ca sĩ Thế Huy, Tuyết Nhung, Thùy Dương, Phi Tùng, Vũ đoàn Hồng Anh, Vũ đoàn Shy.

Ông Tô Duy Chiêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết; Sáng ngày 14-4, diễn ra lễ dâng hương với chủ đề "Nhớ về đất Tổ quê ta" và vào buổi tối cùng ngày là chương trình giao lưu giữa ban nhạc trẻ đến từ TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre và ban nhạc chủ nhà Kiên Giang. Chương trình được các ban nhạc dàn dựng kỹ lưỡng, hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những tiết mục hấp dẫn.

Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, lễ hội đền Hùng thực sự là lễ hội thu hút quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc vùng đất sông nước miền Tây. Lễ hội chính là dịp để cộng đồng giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, các hình thức văn hóa truyền thống, hiện đại được đan xen trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Đây là tiềm năng và thế mạnh để đền Hùng ở Kiên Giang trở thành điểm đến trong hành trình văn hóa tâm linh về cội nguồn.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm làm cho không chỉ riêng người dân Kiên Giang tự hào vì tại nơi đây, mảnh đất tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc, cách xa đất Tổ 2.000 cây số có một ngôi đền Quốc Tổ đã và đang góp phần tô thắm thêm truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, giáo dục về truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng và anh dũng của dân tộc, từ đó nhắc nhở cộng đồng các dân tộc cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trường tồn mãi cùng với thời gian.

Bài và ảnh: Đức An
.
.
.