Lao động ngành may mặc lương không đủ sống

Chủ Nhật, 14/04/2019, 09:19
Đây là đánh giá được đưa ra tại hội thảo “Thực trạng thu nhập của lao động trong ngành may mặc tại Việt Nam và giải pháp hướng tới lương đủ sống” do Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) tổ chức chiều 11- 4. 

Lao động trong ngành dệt may hiện có mức thu nhập thấp nhất và phải đối mặt với cuộc sống vô cùng khó khăn, bấp bênh, không đủ đảm bảo cho những nhu cầu cơ bản.

Theo một khảo sát mới được Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện thì có đến 99% người lao động có mức lương thấp hơn mức lương đủ sống của Sàn lương châu Á và 74% có mức lương thấp hơn mức lương đủ sống của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu.

Nếu tính cả tiền lương làm thêm giờ, vẫn có 52% công nhân may ở Việt Nam đang được trả mức lương dưới mức của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu và vẫn cùng con số 99% công nhân có mức thu nhập thấp hơn Sàn lương châu Á. 

1/3 số công nhân không tiết kiệm được tiền, luôn trong tình trạng vay nợ. 69% công nhân được khảo sát cho biết, họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 96% công nhân cho biết không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng. 

6% công nhân cho biết, cuối tháng chỉ ăn cơm chan canh suông. 53% công nhân cho rằng không đủ tiền để trang trải những chi phí khám chữa bệnh, chi trả thuốc men.

Công nhân may đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Bà Kim Thị Thu Hà, Giám đốc điều hành CDI cho rằng, người lao động trong ngành may có cuộc sống rất bấp bênh, những nhu cầu cơ bản của người lao động như ăn uống có dinh dưỡng, đảm bảo về sức khỏe, được ở gần gia đình, có tiền mua thuốc khi ốm đau..., cũng là những thứ xa vời. Người lao động chỉ còn cách là giảm chi tiêu tới mức tối đa và làm tăng ca khiến sức khỏe giảm sút.

 Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, ngành dệt may là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đứng thứ 2 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, người lao động trong ngành dệt may có mức thu nhập thấp nhất và phải đối mặt với cuộc sống vô cùng khó khăn, bấp bênh, không đủ đảm bảo cho những nhu cầu cơ bản.

Theo CDI, lương cơ bản của công nhân may đạt khoảng 5,1 triệu đồng, chiếm tới 64% tổng thu nhập, đây là khoản chắc chắn mà người lao động được nhận hàng tháng. Các khoản phụ cấp, lương tăng ca, thưởng khác chiếm đến 36% tổng thu nhập. Đây là khoản có thể bị trừ hoặc không nhận được vào những giai đoạn ít việc.

Qua đó cho thấy thu nhập của người công nhân rất bấp bênh. Hơn nữa, nếu tính mức chênh lệch giữa thu- chi trong tháng, có tới 80% lao động ngành may có thu nhập thực tế dưới 5 triệu/tháng; trong đó có hơn 10% có mức chi lớn hơn mức thu.

Tại hội thảo, bà Annabel Meurt, Quản lý chương trình Việt Nam của Tổ chức thời trang Fair Wear Foundation cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người lao động ngành may không được trả mức lương có thể đủ sống cho bản thân và gia đình.

Cụ thể như: năng suất, thương lượng tập thể về lương chưa phát triển, hơn nữa ngành may là ngành có tính cạnh tranh toàn cầu, trách nhiệm bị phân mảnh do một nhãn hàng đặt hàng ở nhiều nhà máy hoặc một nhà máy sản xuất cho nhiều nhãn hàng. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng là các nhãn hàng chưa có trách nhiệm với vấn đề này, chi phí lao động không được đưa vào trong quá trình đàm phán về giá.

Theo các chuyên gia, tiền lương thấp là kết quả của thương mại không công bằng trong chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu. Các thông lệ trong chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến thực trạng lương không đủ sống và những rào cản lương đủ sống trong nước. 

Ngành may mặc là một ngành đầu tư sinh lợi lớn. Các nhãn hàng thời trang phát triển và nhanh chóng tăng doanh thu, đồng thời tìm cách tối đa hóa lợi nhuận và lợi tức cho cổ đông của họ.

Phan Hoạt
.
.
.